XEM CLIP: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày. Các Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Bộ trưởng NN&PTNT: Gợi mở nhiều định hướng lớn
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội. Có 53 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó 34 đại biểu đã thực hiện chất vấn, 4 ý kiến đăng ký tranh luận. Còn 19 đại biểu đã đăng ký nhưng không đủ thời gian để trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã cho thấy là người nắm rõ tình hình thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.
Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra và bảo đảm quy định về thời gian. Đồng thời đã gợi mở rất nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội nêu một số giải pháp, phương hướng như phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, triển khai nhanh chóng, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch Covid-19. Xây dựng nhanh chóng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, khuyến khích số hóa, tích hợp các quy trình sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận công nghệ số vào sản xuất, thương mại nông sản cho nông dân…
Bộ trưởng Tài chính: Kinh nghiệm nghị trường dày dặn
Có 72 đại biểu đăng ký chất vấn và 9 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng. Còn 45 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra.
Bộ trưởng cơ bản rất bình tĩnh và tự tin, mặc dù có lúc rất nhiều đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận rất dồn dập.
“Bộ trưởng tuy mới trả lời lần đầu nhưng đã có kinh nghiệm nghị trường khá dày dặn nên rất tự tin và rất bình tĩnh”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Để khắc phục một số bất cập và hạn chế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội có các giải pháp hiệu quả để khắc phục.
Theo đó, tập trung vào một số việc như: Khẩn trương ban hành đầy đủ và hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội; rà soát, sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt; Xử lý nghiêm các vụ thao túng thị trường, tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật, minh bạch thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng, phát triển thị trường lành mạnh, ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn…
Thống đốc NHNN: Chuẩn bị kỹ lưỡng
57 đại biểu đăng ký chất vấn, đã có 32 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 5 đại biểu tranh luận và còn 25 đại biểu đã đăng ký nhưng hết thời gian.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tuy mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã có nhiều năm công tác tại NHNN nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm chắc các vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của NHNN.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Thống đốc đã trả lời thẳng vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua.
Để phát triển ngành ngân hàng lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thống đốc NHNN điều hành chủ động linh hoạt, đồng bộ các công cụ, chính sách tiền tệ; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế; thích ứng kịp thời về diễn biến thị trường trong nước và quốc tế…
Bộ trưởng GTVT: Trả lời đầy đủ, thẳng thắn
Có 48 đại biểu đăng ký chất vấn, 30 đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn, 9 đại biểu tham gia tranh luận, còn 18 đại biểu đăng ký nhưng không còn đủ thời gian.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giữ cương vị đứng đầu ngành GTVT từ nhiệm kỳ khóa 14, là một trong các Bộ trưởng có kinh nghiệm và nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.
Với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, mỗi một vấn đề đều có định hướng, đề xuất phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng GTVT tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ để đẩy nhanh việc phê duyệt, tiến độ triển khai dự án; giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.
Ngoài ra, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền có phương án giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập, tồn tại trạm thu phí dự án BOT nhanh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, Nhà nước, nhà đầu tư…
Hương Quỳnh