Ủy ban Thường vụ sáng nay (23/9) cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại các 14 bộ, ngành và 12 địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Trưởng đoàn giám sát) cho biết, kế hoạch giám sát ở các bộ ngành, địa phương đã được tính toán kỹ.
Cho ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá đây là chuyên đề giám sát đang rất thời sự, tập trung hai lĩnh vực nguồn lực phòng chống dịch và y tế cơ sở, y tế dự phòng.
"Giám sát nguồn lực phòng chống dịch trong bối cảnh vụ việc Việt Á đang tác động rất lớn nên cần đặt vấn đề quan tâm các nguồn lực khác trong chống dịch như việc huy động và sử dụng nguồn lực trong và ngoài nước", ông phân tích.
Về y tế cơ sở, ông Cường cho biết cũng có rất nhiều vấn đề. Ông đề nghị đoàn giám sát "đi mấy đợt mới ra được chứ đi thoảng qua thì không hiệu quả". Ông đề xuất thành lập các tổ và tránh nghe báo cáo một chiều.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu giám sát, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội là thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng pháp luật. Do đó, cần làm rõ, giám sát này dựa vào luật, nghị quyết nào của Quốc hội để chúng ta có cơ sở, căn cứ để đánh giá.
Đề nghị làm rõ một số rủi ro, vấn đề lớn, Chủ tịch Quốc hội nêu, trong huy động các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 có nguồn lực trong nước và có nguồn lực nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nên giám sát trọng tâm vào các vấn đề vấn tiếp nhận, mua sắm, phân phối, sử dụng vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế...
Nói về vấn đề nghiên cứu, sản xuất, chế tạo vắc xin, vật tư thiết bị trong nước, Chủ tịch Quốc hội nêu về việc cấp phép sử dụng vắc xin NanoCovax nhưng đến nay chưa thấy kết quả gì từ kết quả nghiên cứu, sản xuất đến sử dụng.
“Chúng ta lo dịch chồng dịch, dịch còn diễn biến phức tạp, sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ… Do đó, vấn đề tự lực, tự cường trong chống dịch rất quan trọng, phải giám sát đã làm đến đâu!”, Chủ tịch Quốc hội nêu, đồng thời gợi mở, cần tập trung huy động, xem xét việc quản lý huy động và sử dụng nguồn lực nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các quỹ dự phòng…).
"Tôi thấy kiểm toán nhà nước, thanh tra vẫn chưa đi sâu vào vấn đề này. Không biết có chủ quan hay không", Chủ tịch Quốc hội nhận định và cho rằng giám sát vấn đề này để tránh chồng chéo, trùng lặp, tránh lãng phí nguồn lực vào chỗ không cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội nói thêm, có nhiều tài liệu, báo cáo liên quan đến phòng chống dịch từ Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường và Tổ phòng chống Covid-19, đoàn giám sát có thể dựa vào nguồn tài liệu này để giám sát.
Ông cũng cho rằng cần giám sát trong lĩnh vực huy động các nguồn lực trong phòng chống dịch ở các địa phương và tập trung xem xét hiệu quả sử dụng các nguồn lực, ngân sách như thế nào.
"Tiếp tục nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm của giám sát, rủi ro là gì, những sai phạm có thể gặp phải sau đó mới cử lực lượng giám sát. Chứ không cuộc nào giống cuộc nào, nếu phân tán lực lượng thì hiệu quả thấp", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Ông cũng đề nghị lựa chọn địa phương để giám sát chứ không nên đi hết và không gây ảnh hưởng hoạt động của y tế các cấp, "không nên kéo quân ào ạt xuống dưới, vì trong thời gian này rất bận rộn, hơn nữa hệ thống y tế đang áp lực".
"Đừng đi nhiều. Địa phương người ta kêu về chuyện đó, không khéo lại phản tác dụng. Y tế thiếu thuốc, mua sắm khó khăn thế này, cứ thanh tra nọ, thanh tra kia rồi lại giám sát xuống", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, giám sát cần phải điều phối.