Ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tóm tắt việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, các bộ, cơ quan ngang bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng pháp luật. Có 8 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác này. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính.
Đề cập đến nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, một số cơ quan chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, các chuyên gia trong việc xây dựng, ban hành văn bản.
Bên cạnh đó, một số trường hợp có khoảng thời gian từ lúc luật, nghị quyết được thông qua đến thời điểm có hiệu lực rất ngắn, không đảm bảo thời gian cần thiết để xây dựng ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với luật, nghị quyết. Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi.
“Tính chủ động đề xuất, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, xử lý các bất cập chưa kịp thời, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật”, ông Khái cho hay.
Giải pháp được Chính phủ đề ra là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác xây dựng pháp luật đòi hỏi đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng - đây là nguyên tắc bất di bất dịch.
Theo ông Hùng, trong quá trình xây dựng, chuẩn bị các hồ sơ, dự án luật trình các cấp, bao giờ cũng theo một nguyên tắc bắt buộc là các văn bản dưới luật phải được soạn thảo kèm theo, từ nghị quyết, nghị định cho đến các thông tư, văn bản hướng dẫn.
Kinh nghiệm khác được đại diện Bộ Công an chia sẻ là nhận diện từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát những bất cập, “nút thắt” của thể chế để đề xuất đột phá và kịp thời giải quyết những khó khăn, tạo đột phá về xây dựng thể chế.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc triển khai các luật, nghị quyết đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm lớn hơn giữa các cơ quan, tổ chức.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan ở Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả, bài học kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế.
Đồng thời, siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với các đoàn đại biểu và các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương; quan tâm giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội.