Chiều 9/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tiến độ triển khai và kết quả bước đầu việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, công tác lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực, rộng khắp. Điều đó thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giới, các giai tầng xã hội đối với dự án luật hết sức quan trọng này.
"Đây là công việc chung, sự nghiệp chung. Chúng ta phải cố gắng phối hợp để làm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần huy động rộng rãi các bộ, ngành, các cấp tham gia vào quá trình hoàn thiện dự án Luật để bảo đảm về chất lượng trình Quốc hội, bảo đảm luật ban hành ra vận hành thông suốt.
“Tiến độ rất quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn. Tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương là trong năm 2023 phải hoàn thành việc sửa đổi pháp luật về đất đai", Chủ tịch Quốc hội gợi mở có thể tiến hành các công việc tiếp theo theo hình thức "cuốn chiếu".
Không được làm hình thức, làm cho có
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, kết quả tổng hợp bước đầu cho thấy, nhiều ý kiến đóng góp rất sâu sắc, toàn diện, rất có giá trị. Sau khi lấy ý kiến nhân, việc tổng hợp phân loại, tiếp thu, giải trình các kiến nghị là hết sức quan trọng, không được làm hình thức, làm cho có.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Kinh tế chủ trì theo dõi, giám sát quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân.
"Tinh thần là phải cầu thị, tôn trọng mọi ý kiến góp ý của Nhân dân, gạn đục khơi trong, không để bất cứ ý kiến nào của Nhân dân không được giải trình, tiếp thu; cố gắng tổng hợp đầy đủ, toàn diện các ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Đồng thời, Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh đến việc chắt lọc những vấn đề lớn, trọng tâm, đánh giá các xu hướng, các kiến nghị; đề xuất, lựa chọn một số vấn đề quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự thảo luật để tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến, tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên sâu hơn, kỹ lưỡng hơn, nhất là các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo tiến độ, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sẽ kết thúc vào ngày 15/3 tới. Ngày 25/3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì vậy, các cơ quan phải hết sức nỗ lực, khẩn trương, làm việc không kể ngày đêm, “không phân biệt vai này, vai kia”, hết sức phối hợp hoạt động vì công việc, vì sự nghiệp chung.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 6/3, chỉ tính riêng số liệu trên website lấy ý kiến Nhân dân của cơ quan soạn thảo, chưa tính số liệu của các địa phương, đã có 7.873 lượt ý kiến góp ý của 768 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo luật. Các ý kiến góp ý tập trung vào 11 nhóm nội dung trong đó có thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; việc thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về phát triển quỹ đất; về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực... |