Chiều 17/12, phát biểu biểu bế mạc Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khái quát lại một số kết quả nổi bật.
Trung bình ngân sách dành khoảng 10.500 tỷ/năm cho văn hóa
Trong đó, nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa được đảm bảo tốt hơn. Nguồn nhân lực về văn hóa được quan tâm, hệ thống các trường đào tạo về văn hóa ngày càng được đầu tư nhiều hơn.
Hiện, cả nước có 40 trường trung cấp, cao đẳng, đại học đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 3 Viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ, khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục, tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cho đội ngũ văn nghệ sĩ đã được ban hành và ngày càng được quan tâm hơn, dần được hoàn thiện.
Nguồn lực tài chính và tài sản công đầu tư cho văn hóa có xu hướng gia tăng. Cụ thể, 5 năm gần đây (2018-2022), trung bình ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực này khoảng 10.500 tỷ/năm, chiếm khoảng 1,57% trong tổng chi thường xuyên.
Nguồn chi đầu tư được xác định khoảng 1,6 - 1,7% so với tổng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và tăng dần theo từng giai đoạn…
Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề trong hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa. Trong đó, thể chế phải kiến tạo cho chấn hưng và phát triển văn hóa; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đi cùng đó là 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa.
TP.HCM thí điểm đối tác công tư với các dự án về văn hóa
Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tăng cả đầu tư trong khung dự toán và nguồn lực khác: “Tôi muốn phải đạt 1,8%- 2% tổng chi thực tế của cả nước cho lĩnh vực quan trọng này. Đồng thời khơi thông nguồn lực doanh nghiệp và xã hội và phải sửa đổi hệ thống pháp luật”.
Trong khi chưa sửa luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Quốc hội và Chính phủ tích cực chuẩn bị cho TP.HCM thí điểm đối tác công tư (PPP). Hiện thành phố có 53 dự án quan trọng lớn về văn hoá, với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ, nhưng hiện nay đầu tư công mới chỉ bố trí được 9 dự án với khoảng 3.800 tỷ đồng, còn lại phải dựa vào đối tác công tư.
Trong hai tuần tới, Đảng đoàn Quốc hội sẽ làm việc với TP.HCM cùng Chính phủ bàn câu chuyện này, sớm thí điểm chính sách, trong đó có hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội tổng kết lại các đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa. Trong đó, cần xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa. Đặc biệt là có kế hoạch đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh.
Lưu ý đến việc phát triển các sản phẩm văn hóa có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm ngày thành lập nước…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu các kiến nghị tại hội thảo, theo thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát tổng thể và đề xuất sửa bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về văn hóa, nhất là các vấn đề còn thiếu. Trong đó, tập trung xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một cách đồng bộ các quy định, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa.
Chính phủ cần khẩn trương ban hành và triển khai hiệu quả các chiến lược, đề án, quy hoạch, chương trình trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2022-2030.
Chính phủ cần bảo đảm mức chi đầu tư cho văn hóa ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước (bao gồm cả Trung ương và địa phương), hướng tới đạt 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm.
9 nhóm chính sách lớn tháo gỡ các điểm nghẽn: - Chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện. - Chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hóa đồng bộ, hiệu quả. - Chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa. - Chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc - Chính sách thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật. - Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa. - Chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. - Chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa. - Chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. |
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Đừng để bản sắc dân tộc mất dần trong lời cảm thán giá như’