Sáng 9/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phải làm rõ hơn quy định về tài chính đất đai, đặc biệt là định giá đất và quy hoạch sử dụng đất.
Nghị quyết 18 của Trung ương yêu cầu đất đai phải được điều tra, đánh giá, kiểm kê, lượng hóa và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đối chiếu với dự thảo Luật thì phải có một chương về vấn đề này, hoặc có thể nằm rải rác ở các chương nhưng cũng phải quy định đầy đủ nội dung này để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đây là vấn đề căn cốt nhất trong quản lý tài nguyên, nguồn lực đất đai.
Nghị quyết 18 cũng yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Thế nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, khi đọc quy định về giá đất trong dự thảo Luật thì thấy "rất khó thảo luận" vì nội dung chi tiết do Chính phủ quy định.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, vấn đề khó nhất trong tài chính đất đai là định giá đất, vậy nên dự thảo Luật cần quy định nguyên tắc và phương pháp xác định giá đất. Từ đây Quốc hội cho ý kiến, xem xét, quyết định sẽ tốt hơn việc chờ luật được ban hành xong Chính phủ mới đi nghiên cứu, xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết.
"Bên cạnh vấn đề tường minh, trí tuệ của toàn dân, của Quốc hội, của cả xã hội, chắc chắn sẽ đóng góp tốt hơn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, quy định về định giá đất hiện chưa rõ thế nào thì Quốc hội "khó mà yên tâm về vấn đề này". Ông nêu quan điểm, Chính phủ trình ra, đưa vào dự thảo Luật, không sợ dài, nên quy định thành 1 chương hoặc ít nhất cũng là một số điều quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất.
"Trí tuệ của toàn dân, Quốc hội đóng góp chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thiện được quy định này hơn là sau này Chính phủ sẽ rất vất vả để xây dựng được nghị định này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về vấn đề lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quy định thế nào cho thực chất, tránh chuyện lấy cho có, hình thức.
Về rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo Chủ tịch Quốc hội, vừa qua phát sinh nhiều sai phạm. Ông nêu thực tế nhà đầu tư rất ngại đầu tư vào nông nghiệp vì sợ những thay đổi bất thình lình trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, ông đề nghị, phải quy định rất cụ thể, chi tiết, chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát, chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp có lợi dụng việc điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương) cho rằng, dự thảo nêu "định giá đất theo nguyên tắc thị trường" là chưa đủ vì "chúng ta là thị trường định hướng XHCN, không phải cái gì cũng theo thị trường".
Cơ sở định giá trong dự thảo cũng nêu rất nhiều nội dung như mặt bằng giá theo thời điểm, điều kiện địa phương, khu vực, đất có hạ tầng. Tuy nhiên, giá đất của đất để ở cần khác với giá của đất sản xuất kinh doanh, bởi vì phương án sản xuất kinh doanh cũng liên quan rất mật thiết đến giá đất.
"Người ta suy nghĩ đến việc có hay không có đầu tư. Định giá đất cần dựa trên một hệ số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tiêu chí ổn định, tránh hôm nay ra một giá, hôm sau định giá khác, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư", ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Xuân Thắng kiến nghị, cần đưa ra phương pháp định giá đảm bảo tính ổn định tương đối trong một thời gian nhất định để doanh nghiệp, người dân có thể xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp nào không sản xuất kinh doanh mà có tư tưởng đầu cơ thì phải thu hồi.
Ông Thắng cũng băn khoăn cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước, tức người sử dụng đất lại nằm trong thành phần Hội đồng thẩm định giá đất. "Việc này không thể khách quan được", ông nhận định.
Đối với chuyên gia trong Hội đồng thẩm định giá đất, ông đề nghị nêu rõ chuyên gia lĩnh vực nào, chuyên môn nào, đáp ứng điều kiện tiêu chí nào để được tuyển chọn vào hội đồng này.