Quốc hội sáng 9/6 thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là luật rất quan trọng. Chính phủ mong muốn ĐBQH cho ý kiến xem dự thảo luật đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng hay chưa. Ngoài ra, Thủ tướng mong muốn ĐBQH góp ý để luật góp phần tháo gỡ vướng mắc thực tiễn.
“Tóm lại cần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để sửa luật”, Thủ tướng nhấn mạnh và chia sẻ “luật không thể bao quát, xử lý hết vướng mắc từ thực tiễn”. Tuy nhiên, luật cũng cố gắng giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai - nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.
Theo Thủ tướng, nước ta phát triển dựa trên 3 trụ cột chính: con người, thiên nhiên (trong đó có đất đai), văn hóa truyền thống lịch sử.
Ngoài ra luật vừa phải giải quyết vấn đề thực tiễn, vừa phải có tầm nhìn mang tính dự báo, có tư duy đổi mới, chiến lược hơn.
Thủ tướng bày tỏ, mong ĐBQH với tích lũy kinh nghiệm, qua nghiên cứu, học tập một số nước, qua trao đổi kinh nghiệm quốc tế, sẽ rà soát, góp ý cho dự thảo luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
"Một dự án luật mà có hơn 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia, chứng tỏ nhân dân rất quan tâm và cũng chứng tỏ có rất nhiều việc cần giải quyết", Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn khi luật được thông qua góp phần quan trọng vào giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng mong muốn ĐBQH cho ý kiến về rà soát việc phân cấp, phân quyền, bởi hiện đang rất vướng và phải được quy định trong luật thì Chính phủ mới làm được.
"10 ha lúa, 20 ha rừng phải lên đến Thủ tướng Chính phủ, qua một quy trình nhiều bước, làm mất nhiều thời gian, lãng phí nguồn lực và cơ hội", Thủ tướng dẫn chứng và khẳng định lại vấn đề phân cấp, phân quyền phải được quy định trong Luật.
Theo Thủ tướng cùng với phân cấp, phân quyền thì phải phân bổ nguồn lực và nâng cao khả năng thực thi của đơn vị được phân cấp; đặc biệt phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thủ tướng phân tích, nếu phân cấp, phân quyền mà không phân bổ nguồn lực thì sẽ gặp khó khăn khi thực thi luật. Và nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát thì "có khi lại đi chệch hướng, không đúng mục tiêu".
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị ĐBQH ủng hộ việc phân cấp, phân quyền "đến mức độ nào phù hợp với trình độ quản lý ở mỗi cấp". Thủ tướng cho rằng phải tin tưởng việc phân cấp, phân quyền vì có tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, có đoàn thể…làm công tác kiểm tra giám sát.
Thủ tướng đặt vấn đề với ĐBQH việc "phân cấp, phân quyền" như trong dự án luật như vậy đã được chưa?.
Vấn đề thứ hai khi xây dựng dự án luật, Thủ tướng bày tỏ "rất trăn trở đó là thủ tục hành chính, không chỉ trong đất đai, nhưng có lẽ đất đai có rất nhiều thủ tục hành chính cần tháo gỡ".
Thủ tướng nêu quan điểm, phải làm sao giảm được thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm đi lại đã kéo dài làm mất thời gian và cơ hội của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng khẳng định cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý đất đai. Thủ tướng đề nghị rà soát lại và mong ĐBQH nghiên cứu, góp ý về vấn đề này.
Đất đai không thể sinh ra, cần tiết kiệm
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề cần quy định rõ thẩm quyền và cũng phải phân cấp, phân quyền và giảm thủ tục hành chính.
Quy hoạch đất phải vừa giải quyết vấn đề trước mắt và vừa có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững. Việc quy hoạch sử dụng đất còn liên quan đến không gian ngầm. "Đất đai là một hằng số, không thể sinh ra được, phải sử dụng khai thác sao cho hiệu quả...phải sử dụng tiết kiệm", Thủ tướng phân tích.
Về việc thu hồi đất và tái định cư, theo Thủ tướng đây là vấn đề được người dân, cử tri quan tâm nhiều. "Làm sao khi người dân nhường đất chuyển đi thì nơi mới phải được đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ", Thủ tướng khẳng định. Đồng thời cho hay, đây cũng là chủ trương của Đảng, Nhà nước và luật cần "cụ thể hóa, lượng hóa"...
Về định giá đất cũng được cử tri quan tâm, Thủ tướng gợi mở, "định giá thế nào cho phù hợp phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN". Luật đã quy định nhưng đây vẫn là vấn đề khó bởi thị trường luôn chuyển động lên xuống.
Thủ tướng lưu ý, cần có công cụ của Nhà nước để vừa thị trường phát triển lành mạnh nhưng không tạo xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất triển khai dự án.