Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: Doanh nghiệp vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ” xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 6 bị can. Trong đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thuận An về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”.
Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm lại đây, Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới thành lập. Tập đoàn này nổi lên nhờ làm cầu đường. (Xem chi tiết)
Bkav Pro của ông Nguyễn Tử Quảng đứng trước nợ lớn, lãi sụt giảm
CTCP Phần mềm diệt virus Bkav (Bkav Pro) vừa công bố thông tin tài chính năm 2023 với nhiều số liệu không mấy tích cực.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Bkav Pro sụt giảm 53% so với năm trước đó, xuống còn gần 18,7 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 19% năm 2022 còn 8,4% năm 2023.
Tới cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Bkav Pro tăng khoảng 9% so với đầu năm lên hơn 222,7 tỷ đồng nhưng nợ vẫn còn cao. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,42 lần. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 76%.
Như vậy, tổng nợ phải trả của Bkav Pro (do ông Nguyễn Tử Quảng sáng lập và làm CEO) ở mức hơn 316 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu còn gần 170 tỷ đồng. (Xem chi tiết)
Ông Dương Công Minh chỉ là cố vấn, nhà đầu tư thật sự của Bamboo Airways là ai?
Gần đây, mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin liên quan đến Hãng hàng không Bambo Airways, trong đó có thư viết tay được cho là của ông Trịnh Văn Quyết gửi từ nơi tạm giam.
Ông Lê Thái Sâm, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Bamboo Airways, khẳng định, ông Dương Công Minh chỉ là cố vấn cho hãng chứ không phải nhà đầu tư. Nhà đầu tư Bamboo Airways chỉ có tôi và ông Doãn Hữu Đoàn. Hiện hai nhà đầu tư đã chuyển cho gia đình ông Trịnh Văn Quyết gần 370 tỷ đồng. (Xem chi tiết)
Tâm Lộc Phát chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng
Ngày 19/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội khởi tố vụ án, bắt tạm giam với bà Nguyễn Thị Khuyên (41 tuổi, tổng giám đốc) và ông Văn Đình Toàn (42 tuổi, phó tổng giám đốc) của CTCP Tập đoàn Tâm Lộc Phát (địa chỉ tại phường Phú La, Hà Đông, Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an xác định, từ tháng 9/2023, bà Khuyên huy động vốn từ hàng nghìn nhà đầu tư và hứa trả lãi cao, rồi chiếm đoạt tiền được quảng bá kinh doanh đa ngành, trong đó có cả thương hiệu vàng, kinh doanh ô tô, 'kênh truyền hình". Tuy nhiên, bà Khuyên không trả được lãi cho nhà đầu tư như cam kết, mất khả năng chi trả và chiếm đoạt trên 1.000 tỷ đồng của bị hại. (Xem chi tiết)
Ngân hàng Quân đội trình xong thủ tục tiếp nhận ngân hàng yếu kém
Tại đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng Quân đội (MB) diễn ra sáng 19/4, lãnh đạo nhà băng này đã hé lộ tiến trình tiếp nhận một ngân hàng yếu kém.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB, thông tin: “MB không sáp nhập mà nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Sau khi nhận về, ngân hàng này vẫn là ngân hàng độc lập và tiếp tục được thực hiện tái cơ cấu. Sau khi tái cơ cấu thành công mới tính đến việc sáp nhập vào MB hay không. Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 hoặc 2025 sẽ thực hiện xong, mở ra giai đoạn tiếp theo trong 5 năm tới”. (Xem chi tiết)
Vụ mất 11,9 tỷ ở Vietcombank: Nguyên đơn và VCB kháng cáo, VKS kháng nghị
Bà Trần Thị Chúc, nguyên đơn trong vụ tài khoản 11,9 tỷ đồng tại Vietcombank “bốc hơi” đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm do TAND TP. Từ Sơn (Bắc Ninh) tuyên ngày 20/3. (Xem chi tiết)
Trong khi đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Từ Sơn cho rằng chưa đủ căn cứ để xác định Vietcombank có lỗi trong việc khách hàng bị mất số tiền 11,9 tỷ đồng trong tài khoản, để buộc ngân hàng phải bồi thường. Phía nhà băng cũng đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. (Xem chi tiết)
LPBank quyết đổi tên thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) diễn ra ngày 17/4, cổ đông của nhà băng này đã thông qua tờ trình về việc đổi tên tiếng Việt của ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt sẽ có tên tiếng Việt mới là “Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam”. Tên đầy đủ bằng tiếng Anh sẽ đổi từ “Lien Viet Post Join Stock Commercial Bank” thành “Loc Phat Vietnam Join Stock Commercial Bank”.
Tên viết tắt của ngân hàng vẫn giữ nguyên là “LPBank” - được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 nhất trí chuyển đổi từ tên cũ “LienVietPost Bank”. (Xem chi tiết)
15 doanh nghiệp đủ điều kiện đấu thầu vàng vào thứ Hai tuần tới
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, chiều 19/4 sẽ thông báo chủ trương đấu thầu vàng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia. Phiên đấu thầu vàng theo kế hoạch sẽ diễn ra thứ Hai tuần tới (ngày 22/4).
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua, NHNN đã chuẩn bị rất kỹ công tác đấu thầu vàng. (Xem chi tiết)
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng
Sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan theo dõi sát biến động cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, tăng cường các hoạt động kiểm soát hàng hóa, bình ổn thị trường, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường. (Xem chi tiết)
Điện khí LNG có giá tới 2.800 đồng/kWh, nhiều đề xuất khó cho đàm phán mua điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo vướng mắc trong triển khai các dự án điện khí LNG tại quy hoạch điện 8.
Điện khí LNG góp phần giảm phát thải song giá thành điện khí LNG sẽ ở mức 2.400-2.800 đồng/kWh. Trong khi đó, tỷ trọng điện khí ngày càng tăng khiến việc đàm phán giá điện các dự án này gặp khó. (Xem chi tiết)
Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 165/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.
Một trong những điểm đáng chú ý là Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch, hoàn thành và báo cáo Phó Thủ tướng trước 25/4/2024. (Xem chi tiết)