Ngày 19/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Khuyên (41 tuổi, tổng giám đốc) và ông Văn Đình Toàn (42 tuổi, phó tổng giám đốc) của CTCP Tập đoàn Tâm Lộc Phát (địa chỉ tại phường Phú La, Hà Đông, Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an xác định, từ tháng 9/2023, bà Nguyễn Thị Khuyên không trả được lãi cho nhà đầu tư như cam kết, mất khả năng chi trả và chiếm đoạt trên 1.000 tỷ đồng của bị hại.
4 năm mở 59 văn phòng
Theo thông tin trên trang web của Tâm Lộc Phát, sau hơn 4 năm hoạt động (từ 2019), tập đoàn này đã phát triển, mở rộng được 59 văn phòng chi nhánh và văn phòng đại diện trên nhiều tỉnh thành và cả tại Lào.
Doanh nghiệp giới thiệu có hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực: truyền thông và tổ chức sự kiện; chuỗi cafe nghệ sĩ; kinh doanh hệ thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp; hệ thống taxi du lịch; kinh doanh bất động sản; kinh doanh công nghệ 4.0; kinh doanh trang thông tin điện tử tổng hợp; kinh doanh truyền hình; kinh doanh vàng bạc đá quý trang sức với thương hiệu Anji; kinh doanh ô tô,...
Các sự kiện của Tâm Lộc Phát, trong đó có lễ khai trương văn phòng tại nhiều tỉnh thành, liên tục xuất hiện các nghệ sĩ, diễn viên cũng như youtuber hài nổi tiếng tại Việt Nam.
Tại hội nghị tổng kết quý I/2024 và triển khai kế hoạch phát triển tập đoàn trong quý II diễn ra hôm 31/3/2024 tại Ninh Bình, Tâm Lộc Phát đã làm clip gần 6 phút quảng bá về doanh nghiệp, trong đó, có nói về CTCP Truyền hình Tâm Lộc Phát TV và hãng phim Talofa Film của doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó là kênh Youtube Truyền hình Tâm Lộc Phát TV hoạt động trên nền tảng Youtube từ 11/6/2020 và có trên 101 nghìn lượt đăng ký với gần 1,8 triệu lượt xem, đạt nút bạc Youtube.
Tập đoàn này cũng công bố dự kiến khai trương showroom ô tô và tiếp tục thực hiện hoạt động đa ngành nghề. Tuy nhiên, clip không đề cập tới tình hình cũng như kết quả hoạt động kinh doanh của Tâm Lộc Phát.
Trước đó, đầu tháng 8/2023, Tâm Lộc Phát khai trương thương hiệu vàng Anji tại FLC Sầm Sơn.
Trả lãi cao và mô hình ponzi
Có thể thấy, hoạt động huy động vốn của Tâm Lộc Phát theo hình thức trả lãi cao, lấy tiền của người sau trả cho người trước giống như mô hình ponzi.
Đây là một hình thức lừa đảo xuất hiện từ lâu trên thế giới và Việt Nam nhưng vẫn thu hút các nhà đầu tư. Mô hình này huy động tiền từ các nhà đầu tư, lấy tiền của người sau trả lợi nhuận/lãi cho người trước, khiến nạn nhân tin rằng lợi nhuận đến từ việc bán sản phẩm hoặc các phương tiện khác.
Theo kết quả điều tra, tháng 6/2019, Khuyên và Toàn cùng một người lập Công ty TNHH Truyền thông Tâm Lộc Phát (sau đổi thành tập đoàn), kinh doanh siêu thị tiện ích, sản xuất quần áo thời trang, đầu tư bất động sản. Các bị can sử dụng pháp nhân Công ty Tâm Lộc Phát để huy động tiền của nhà đầu tư dưới dạng hợp đồng kinh doanh, hợp đồng góp vốn.
Nhóm của bà Khuyên đưa ra phương thức trả tiền môi giới cao cho những người giới thiệu, trả lãi cho nhà đầu tư theo ngày với mức lãi suất cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng (khoảng 2,93%/tháng).
Cả hai đã mua một số mặt hàng như quần áo, dầu ăn, mì chính,... để thể hiện hoạt động kinh doanh của công ty.
Tiền thu được từ các hợp đồng đầu tư, sau khi trích lại phần trăm cho các văn phòng được chuyển vào tài khoản của Công ty Tâm Lộc Phát, tài khoản cá nhân của Khuyên.
Dưới mác công ty hoạt động đa ngành nghề và đặc biệt là với lãi suất rất cao trả cho nhà đầu tư, nhóm đối tượng do Nguyễn Thị Khuyên cầm đầu đã huy động tới hơn 5.100 tỷ đồng theo dạng đa cấp. Công an xác định, từ tháng 9/2023, bà Nguyễn Thị Khuyên không trả được lãi cho nhà đầu tư như cam kết, mất khả năng chi trả và chiếm đoạt trên 1.000 tỷ đồng của bị hại.
Trong một phóng sự hồi đầu tháng 4 trên VTV, chỉ riêng ở Hải Dương đã có gần 300 người nộp tiền góp vốn cho Tâm Lộc Phát. Họ đều chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của một người đại diện cho công ty ở địa phương và nhận lại phiếu thu do người đó ký. Sau đó, người dân sẽ ký vào bản hợp đồng góp vốn kinh doanh có chữ ký của tổng giám đốc công ty. Công ty huy động từ 5 triệu đồng đến 5 tỷ đồng. Nếu mời được người khác tham gia sẽ được nhận hoa hồng 20%.
Trong hợp đồng góp vốn kinh doanh, Tâm Lộc Phát không ghi nội dung góp vốn để làm gì.
Theo điều tra của công an, khoảng 50 văn phòng đại diện công ty cấp 1 được hưởng 15% giá trị hợp đồng ngay khi nhà đầu tư ký hợp đồng, nộp tiền tại văn phòng; văn phòng nào giới thiệu mở thêm văn phòng khác thì được hưởng thêm 2% từ các hợp đồng của văn phòng mới được thành lập; các văn phòng cấp 2, cấp 3, cấp 4 đều được chia lợi nhuận từ 15% giá trị hợp đồng từ văn phòng cấp 1.
Có thể thấy, mức lãi suất cao 36%/năm cho nhà đầu tư là không có cơ sở. Chưa kể một khoản hồng 20% cho người tìm kiếm được nhà đầu tư cũng là điều không hợp lý.
Trước đó, có rất nhiều vụ lừa đảo dựa trên chiêu trò lãi suất cao.
Hồi đầu năm, Công an Hà Nội cho biết Sen Tài Thu huy động hơn 1.000 tỷ đồng với lãi suất cao cho dù doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán. Việc huy động được thực hiện dưới danh nghĩa mua bán cổ phần. Sen Tài Thu đưa ra lãi suất cam kết cao, vào khoảng 12%/năm.
Sen Tài Thu đã thực hiện việc huy động tiền của người sau trả cho người trước. Lãi phải trả vượt lợi nhuận mà công ty đạt được. Ngoài lãi suất trả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp còn phải chi phần trăm hoa hồng rất lớn cho đội ngũ nhân viên sale.
Trước đó, hồi tháng 11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Mỹ Hạnh (1980), chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Mỹ Hạnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, bà Hạnh đưa thông tin sai sự thật về dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh ở nhiều địa phương, huy động hơn 1.200 tỷ đồng của nhiều cá nhân rồi chiếm đoạt.
Trong trường hợp Sen Tài Thu, doanh nghiệp này huy động được một lượng lớn tiền có lẽ từ khoản lợi nhuận cao và danh tiếng của doanh nghiệp này.
Còn với sâm Ngọc Linh Mỹ Hạnh hay Tâm Lộc Phát, giới đầu tư bị lừa có lẽ bởi lãi suất rất cao và những màn phô trương, quảng bá rầm rộ trên cả những tờ báo chính thống, mượn hình ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng…
Gần đây, vụ việc phụ huynh cho Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) vay vài nghìn tỷ đồng, mỗi người từ 2-15 tỷ đồng, rồi không đòi được cũng là câu chuyện về niềm tin và ham lời cao. AISVN cam kết với các phụ huynh cho trường vay tiền sẽ đổi lại được miễn học phí 12 năm học, có tổng giá trị khoảng 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, trường sau đó rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, không có tiền trả lương cho giáo viên.