Chiều 5/7, tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu quan tâm, đặc biệt trong đó là quá trình chuyển đổi số trên địa bàn Thủ đô.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, từ năm 2021 trở lại đây, công tác chuyển đổi số đã được thành phố quan tâm triển khai. Tuy nhiên, kết quả triển khai chưa đạt được tương xứng với tiềm năng, nguồn lực của thành phố.
Điều đó đúng như đánh giá của đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội, công tác chuyển đổi số của thành phố trong 2 năm qua còn triển khai chậm, xếp hạng của thành phố nằm ở nhóm địa phương cuối bảng.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, nhận thức được những hạn chế đó, từ năm 2022, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt tập trung chỉ đạo, bắt đầu từ việc Ban Cán sự Đảng UBND TP đã tham mưu cho Thành ủy ban hành Nghị quyết 18 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngay sau khi Nghị quyết 18 ra đời, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của thành phố.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cho biết, đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của thành phố.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số được ghi nhận trong thời gian gần đây. Cụ thể, Hà Nội là một trong các tỉnh thành đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống dữ liệu dùng chung toàn thành phố đã hoàn thành (Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính 3 cấp).
TP Hà Nội cũng đã ban hành các quy định, quy chế để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin an toàn, hiệu quả.
Về hạ tầng số, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đã giao Sở TT&TT tập trung hoàn thành Trung tâm Dữ liệu chính của Thành phố để sớm đưa vào khai thác, sử dụng.
Về phát triển dữ liệu, UBND TP Hà Nội đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thành phố và chuẩn bị ban hành danh mục dữ liệu mở thành phố là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan Nhà nước và chia sẻ với công dân tổ chức trong thời gian tới.
Đồng thời, TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu Thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của thành phố. Đây là 2 hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan Nhà nước.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, chuyển đổi số là vấn đề ‘sống còn’ của Thủ đô và cũng không cứ có tiền là làm được. Việc chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào nhận thức của người đứng đầu các sở ngành, quận huyện.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, nếu cơ quan, đơn vị nào suy nghĩ phải có cán bộ mới chuyển đổi số thành công là sai. Theo ông Trần Sỹ Thanh, chuyển đổi chính trong mỗi cán bộ của Thủ đô.
“Chuyển đổi số có khối lượng công việc không nhỏ trong khi đây là những nhiệm vụ mới, khó, đặc biệt với quy mô rất lớn của thành phố 10 triệu dân. Nhưng với quyết tâm chính trị, TP Hà Nội chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”, ông Trần Sỹ Thanh nói.