Trong phiên chất vấn ngày 5/7, HĐND TP. Hà Nội sẽ làm rõ những vấn đề liên quan đến công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan nhà nước thuộc thành phố.
Trước đó, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm khi thảo luận ở tổ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số chính là quá trình chuyển đổi nhận thức, đổi mới tư duy, thông minh hóa với dữ liệu được kết nối; là sự hỗ trợ của công nghệ để thông minh hóa sản phẩm và dịch vụ... tạo ra năng suất lao động, hiệu quả cao hơn, đột phá trong quá trình phát triển.
Theo ông Hải, thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung cơ bản của chuyển đổi số như: Số hóa thực thể (định danh cá nhân, đất đai, nhà cửa, định vị, bản đồ số) phục vụ người dân, doanh nghiệp; Số hóa quy trình (phương thức phối hợp các hoạt động trong hệ thống); Rà soát, xây dựng cơ chế, hoặc kiến nghị những quy định không thuộc thẩm quyền của UBND thành phố; Chuyển đổi số, chính là thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ với 3 nền tảng hướng tới hình thành 3 trụ cột (chính quyền số - kinh tế số - xã hội số).
Trong báo cáo giám sát về quá trình chuyển đổi số trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội ghi nhận nhiều chỉ tiêu về mức độ ứng dụng CNTT trong điều hành công việc cơ quan hành chính, giải quyết thủ tục hành chính đã tăng so với chỉ tiêu chung của Chính phủ.
Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội cho rằng, các nhiệm vụ về chuyển đổi số đều được thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, tuy nhiên nhiều nhiệm vụ còn nằm rải rác ở những văn bản khác nhau, còn chồng chéo về nhiệm vụ giữa các cơ quan, chưa có tính hệ thống theo nhóm lĩnh vực, đồng thời chưa đề ra được các giải pháp đột phá; chưa cụ thể hoá nhiệm vụ cấp quận, huyện, xã phường. Vì vậy, còn một số nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số chưa có căn cứ để xác định việc hoàn thành.
Đi vào vấn đề cụ thể, đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội cho biết, việc số hoá, lưu trữ dữ liệu đang được các ngành, đơn vị của thành phố hoàn thiện, đồng bộ với việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành như tư pháp, giáo dục, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hoá - du lịch… nhằm phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.
Các nền tảng cho phát triển chính quyền số được TP. Hà Nội đẩy mạnh triển khai. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã hoàn thành kết nối trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử. Các cơ quan, đơn vị trong thành phố sử dụng hoàn toàn chữ ký số. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính của thành phố được thực hiện trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).
Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội kiến nghị Thành uỷ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị của thành phố phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính gắn với việc thực hiện công tác chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát mong muốn HĐND TP. giao UBND TP. Hà Nội rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của thành phố để báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành xem xét sớm ban hành các cơ chế chính sách, quy định và hướng dẫn thực hiện.