Những “nỗi đau” lớn khi chưa có chiến lược dữ liệu

Trao đổi tại phiên toàn thể ngày 18/8 của sự kiện Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã chia sẻ thực trạng về quản lý dữ liệu tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Phân tích thực trạng từ số liệu của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Văn Khoa cho hay, Việt Nam hiện đã có 10,6 nghìn tập dữ liệu mở, tuy nhiên con số này chỉ bằng 10% dữ liệu mở của Úc và 0,75% so với châu Âu. Khi chưa có chiến lược quy hoạch dữ liệu, các, tỉnh thành phố sẽ đối diện với những “nỗi đau” lớn.

{keywords}
Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa trao đổi trong phiên toàn thể của Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022.

Theo nghiên cứu của VINASA, chính quyền sẽ không kết nối được với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nếu thiếu chiến lược quy hoạch, chuẩn hóa. Từ đó, quá trình phân tích, khai thác dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện cán bộ viên chức hầu hết phải nhập trên nhiều phần mềm, ít sử dụng được nguồn dữ liệu cũ gây mất thời gian, khó quản lý, tra cứu.

Trong khi đó, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn khi tìm hiểu, tra cứu thông tin. Nguồn thông tin công khai tản mát, không có nguồn chính thống dẫn đến mất thời gian khi thực hiện dịch vụ công. Người dân và doanh nghiệp cũng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận đa dạng các dịch vụ thông minh.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng: “Chính quyền tỉnh, thành phố cần coi dữ liệu chính là sức mạnh. Khai thác dữ liệu triệt để sẽ là nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số”.

Lấy dẫn chứng tại Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Khoa phân tích, địa phương này hiện đứng trong top đầu cả nước về chuyển đổi số, chính quyền tỉnh đã chú trọng và có đầu tư bài bản để xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Tuy vậy, đến nay Thừa Thiên Huế mới khai thác được 5% dữ liệu vì chưa ban hành chiến lược, cổng thông tin có khá ít dữ liệu được đăng tải, phân bổ tản mát giảm hiệu quả khai thác và tái sử dụng. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế còn thiếu chuyên gia xây dựng mô hình để giải quyết các bài toán theo từng lĩnh vực. 

VINASA hiến kế quản lý và chia sẻ dữ liệu cho Huế

Trước thực tế về quản lý dữ liệu tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa đề xuất giải pháp hiệu quả, tập trung mô hình gồm 5 bước: xây dựng chiến lược, làm giàu dữ liệu, chuẩn hóa, hệ thống quản lý kho dữ liệu dùng chung và chia sẻ đến đúng bên sử dụng.

“Để thực hiện được mô hình trên cần nguồn lực tài chính, con người, thể chế, pháp lý… Từ đó, dữ liệu được công nhận, và sử dụng lâu dài”, ông Nguyễn Văn Khoa nói.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh sẽ đi sâu hơn vào công tác chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóa - di sản với mục tiêu nâng tầm các giá trị văn hóa - di sản, tạo ra những dịch vụ mới, các mô hình kinh tế mới.

{keywords}
Theo Chủ tịch VINASA, xây dựng chiến lược quy hoạch, khai thác hiệu quả sẽ giúp chính quyền các tỉnh, thành biến dữ liệu thành nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. (Ảnh minh họa: Internet)

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực mà Huế mong muốn, theo VINASA, việc xây dựng chiến lược quy hoạch, khai thác và chia sẻ dữ liệu cần cơ chế, chính sách được ban hành, áp dụng và cập nhật thường xuyên. Bên cạnh đó, Huế cần thu thập từ nhiều nguồn, coi dữ liệu là tài nguyên mới để đưa ra tiêu chuẩn cấu trúc thông tin, cách thức lưu trữ, chia sẻ hiệu quả. Hơn hết, cần có hệ thống quản lý kho dữ liệu dùng chung.

Chiến lược dữ liệu đúng đắn đi kèm bài toán hành động cụ thể sẽ giúp chính quyền có nền tảng để quản trị, lưu trữ và đưa quyết định dựa trên dữ liệu; người dân, doanh nghiệp chỉ cần đến một nơi có thể thực hiện tất cả các thủ tục. Dữ liệu của người dân, tổ chức từng khai báo được kế thừa, khai thác. 

Trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022, có nhiều doanh nghiệp công nghệ sẵn sàng đồng hành cùng Huế xây dựng chiến lược quản lý dữ liệu trong đó có FPT. Đại diện FPT IS, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Minh cho biết sẽ mang đến nguồn lực tốt nhất, những kinh nghiệm quý báu nhất để giải quyết những bài toán khó về dữ liệu tại tỉnh.

Trong chia sẻ tại phiên “Chuyển đổi số - Phát huy sức mạnh di sản - văn hoá tạo đà phát triển kinh tế số” vào chiều ngày 18/8, dựa trên kinh nghiệm triển khai nhiều dự án số hóa, chuyển đổi số dữ liệu thực tế tại các bộ, ngành, địa phương, cùng nhiều tập đoàn lớn trong nước, Phó Tổng giám đốc FSI Cao Hoàng Anh đề xuất phương án xây dựng nền tảng dữ liệu số du lịch toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm góp phần quản lý, bảo tồn, lan truyền văn hóa, di sản, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch.

“Việc ứng dụng công nghệ để xây dựng nền tảng dữ liệu số của ngành du lịch, tập trung hệ tài nguyên số, kho dữ liệu số dùng chung trong toàn ngành không chỉ phục vụ các cơ quan quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời mà còn giúp doanh nghiệp trong ngành mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến nhiều tiện lợi cho du khách”, ông Cao Hoàng Anh chia sẻ.

Vân Anh

Kiến tạo mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm

Kiến tạo mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Thừa Thiên Huế đã từng bước kiến tạo nên một mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số vì cuộc sống tốt đẹp hơn.