Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài đến 4 ngày vừa qua là thời điểm mà nhiều gia đình về quê, đi du lịch..., kéo theo nhu cầu thuê ô tô tự lái tăng cao. Đây cũng là dịp mà các cơ sở kinh doanh xe ô tô tự lái tất bật chạy hết công suất để phục vụ khách hàng.
Giấy phạt "rơi vào đầu" bất cứ lúc nào
Theo khảo sát của PV VietNamNet tại nhiều cơ sở cho thuê xe tự lái ở Hà Nội trước dịp 2/9, lượng xe cho thuê của hầu hết các địa chỉ này đều đã "cháy" dù giá cao gấp khoảng 1,2-1,5 lần so với ngày thường, dao động từ 1-1,5 triệu/xe một ngày đối với các dòng ô tô phổ thông. Đồng thời, khách không được xé lẻ mà phải thuê ít nhất 3-4 ngày.
Xe kín lịch, giá cho thuê cao, thế nhưng kể cả sau khi thu đủ tiền của khách, chủ những cơ sở này vẫn chưa hết những nỗi lo.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Nguyễn Văn Trung - chủ một địa chỉ cho thuê xe tự lái có tiếng trên phố Khúc Thừa Dụ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước đây khách bàn giao xe mà không xước xát va chạm gì là xong, nhưng khoảng 1-2 năm nay khi việc xử phạt giao thông qua hệ thống camera (phạt nguội) được làm mạnh thì chưa phải trả xe, trả hết tiền đã là xong việc.
Theo anh Trung, khi khách thuê ô tô gây va quệt hay hư hỏng xe thì thiệt hại đã 'rõ như ban ngày' và người thuê hoàn toàn phải đền bù theo mức độ gây ra. Nhưng khi xe bị phạt nguội lại chỉ được biết sau đó khoảng một vài tuần, thậm chí cả tháng, lúc đó khách đã thanh toán hợp đồng từ lâu và việc yêu cầu khách quay lại giải quyết hậu quả là khá nan giải.
"Nhiều khách đi rất ẩu và bị vi phạm giao thông trong quá trình thuê xe, phổ biến nhất là vượt đèn đỏ và chạy quá tốc độ. Có những lỗi bị phạt tiền đến cả chục triệu và phải giam bằng lái. Khi liên hệ với khách thì không phải ai cũng hợp tác ngay. Không ít trường hợp mình từng phải đứng ra đóng tiền phạt trước cho được việc rồi đòi khách sau. Những lúc như thế mất thời gian và công sức lắm", anh Trung nói.
Còn anh Dương Ngọc Duy, giám đốc một công ty chuyên cho thuê xe tự lái tại khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, với đặc thù ở cơ sở anh có nhiều xe góp chung nên không phải khi nào giấy thông báo vi phạm cũng về trụ sở của công ty mà sẽ đến nơi đăng ký thường trú của chủ xe.
"Đợt nghỉ lễ 30/4 năm vừa rồi, trong số hơn 30 đầu xe của chúng tôi có đến 4 xe dính lỗi phạt nguội. Có xe giấy báo đến tay tôi chỉ sau 1 tuần, nhưng có xe không có thông báo, phải đến lúc đi đăng kiểm sau đó vài tháng mới phát hiện ra. Dù vẫn giữ liên lạc với khách nhưng lúc đó họ thường lấy lý do nọ kia để kéo dài thời gian", anh Duy kể.
Rút kinh nghiệm trong dịp Quốc khánh 2/9 vừa rồi, anh Duy chủ động trao đổi với người thuê xe về những rủi ro gặp phải trên đường để hạn chế việc giấy thông báo vi phạm "rơi vào đầu", đồng thời thường xuyên tra cứu phạt nguội trên các cổng thông tin như của Cục Cảnh sát giao thông hay Cục Đăng kiểm,... để kịp thời xử lý.
Những ông chủ cho thuê xe tự lái như anh Trung, anh Duy đều nhận định, đây là ngành dịch vụ "ra tiền" nhưng ngày càng lắm rủi ro, nhất là với những cơ sở quy mô lớn và cho thuê xe diện rộng.
Phạt nguội từng là vấn đề khiến nhiều bên cho thuê xe tự lái đau đầu sau khi khách đã trả xe. (Ảnh minh hoạ)
Chiêu "trói" khách không chỉ bằng giấy trắng mực đen
Theo tìm hiểu, trong các hợp đồng thuê xe tự lái hiện nay, các đơn vị làm dịch vụ đều đã thêm điều khoản ràng buộc trách nhiệm với khách hàng về vấn đề phạt nguội.
Ngoài các vấn đề liên quan đến tình trạng phương tiện, số km, lượng xăng,... hợp đồng còn ghi rõ ngày giờ lấy/trả xe, thậm chí có cả ảnh khách và xe làm căn cứ trong trường hợp chiếc xe đó không may dính phạt về sau.
"Càng trao đổi kỹ trước khi thuê và có các điều khoản trói buộc thì sau này khi xảy ra những vấn đề phát sinh sẽ càng dễ nói chuyện với nhau. Khách hàng phải cũng vui vẻ chấp nhận và chính những điều khoản đó phần nào giúp người sử dụng xe cẩn thận và có trách nhiệm hơn ", anh Đỗ Thành Công - quản lý của một cơ sở cho thuê xe tự lái tại quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Văn Trung tỏ ra "chắc cú" hơn khi hầu như chỉ cho người quen hoặc khách ở gần nhà thuê xe. Với khách vãng lai, anh thoả thuận luôn là sau khi trả xe vẫn giữ lại của khách thêm 5 triệu đồng để "làm tin", đề phòng xe bị phạt nguội. Số tiền này sẽ trả lại cho khách hàng sau khoảng hơn 1 tháng nếu xe không dính lỗi gì.
"Với khách hàng quen thì không sao, nhưng với khách lạ thì phải áp dụng chiêu này. Thực ra cực chẳng đã mới phải làm như vậy bởi nếu không "trói" chặt thì đến khi gặp vấn đề, chúng tôi sẽ rất mất thời gian để đi giải quyết và đi đòi tiền", anh Trung nói.
Ở chiều ngược lại, nhiều khách hàng khi thuê xe tự lái cũng rất có ý thức và chủ động tra cứu lỗi vi phạm của mình trong thời gian thuê xe, nếu có vấn đề gì có thể phối hợp với chủ xe để giải quyết sớm.
Theo một số chuyên gia pháp lý, việc vi phạm giao thông và bị xử lý bằng phạt nguội thì lái xe sẽ là người phải chịu trách nhiệm (đi nộp phạt, giữ giấy phép lái xe,...).
Khi đã có giao kèo bằng văn bản giữa hai bên mà khách cố tình không thực hiện đúng điều khoản hợp đồng trong việc khắc phục lỗi vi phạm do mình gây ra, các cơ sở cho thuê xe tự lái hoàn toàn có thể khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc đưa nhau ra toà thường rất mất thời gian, tiền bạc nên các bên đều hết sức tránh.
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng ngoài tuân thủ những điều khoản chặt chẽ trong hợp đồng thuê xe, khách hàng cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm và kỹ năng lái xe của mình để tránh những rủi ro không đáng có cho cả hai bên.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!