Mở thêm đường bay, chuẩn bị đón khách
Vietnam Airlines vừa thông báo sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 4/2023, qua đó khôi phục 9/10 đường bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước dịch.
Đó là các đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh sẽ mở từ tháng 3; giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô mở lại từ tháng 4. Đồng thời, hãng cũng tăng tần suất các chuyến bay giữa Hà Nội và TP.HCM tới Quảng Châu, Thượng Hải (khai thác từ đầu tháng 9/2022), lên 4 chuyến/tuần, thay vì chỉ 1-2 chuyến/tuần mỗi đường bay.
Trong khi đó, Vietjet Air đang khai thác các chặng TP.HCM đi Thâm Quyến, Hàng Châu, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Vũ Hán, mỗi tuần 6 chuyến. Từ 23/1, hãng khai thác thêm chặng Cam Ranh đi Tràng Sa, Thành Đô. Từ mùa hè, Vietjet dự kiến khai thác 85 đường bay, trong đó 60 đường bay đã có slot.
Năm 2019, Trung Quốc là thị trường nguồn lớn nhất đến Việt Nam với 5,8 triệu lượt khách, tăng 18% so 2018. Trong đó có 2,6 triệu lượt khách di chuyển bằng hàng không, chiếm 45% tổng khách từ Trung Quốc đến Việt Nam. Việc các hãng hàng không mở lại chuyến bay thường lệ từ TP.HCM, Hà Nội đến các thành phố của Trung Quốc là cơ hội để các công ty du lịch tiếp tục khai thác các tour inbound, outbound.
Theo dự báo các chuyên gia Ngân hàng HSBC tại báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam năm 2023, tỷ lệ khách Trung Quốc quay lại Việt Nam năm nay có thể đạt tỷ lệ 50-80%, tương ứng 3-4,5 triệu lượt.
Vẫn phải chờ
Trong khi các hãng hàng không đặt kỳ vọng lớn, công ty du lịch nỗ lực chuẩn bị đón khách Trung Quốc, thì còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ. Gây bất ngờ là thông tin Trung Quốc nối lại các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài tới 20 quốc gia được chọn từ ngày 6/2, nhưng không có Việt Nam.
Bà Ngô Lan Phương, Tổng giám đốc Công ty CP lữ hành quốc tế Kim Liên, cho rằng, điều này nằm ngoài dự tính của doanh nghiệp. Là một trong đơn vị đón lượng khách Trung Quốc lớn vào Việt Nam trước dịch (80.000-90.000 khách năm 2019), sang năm 2023, Kim Liên mới đón được những vị khách lẻ 2-3 người đi theo dạng cá nhân, thăm thân, kinh doanh…
Khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế từ 8/1, công ty cấp tập chuẩn bị, từ nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách Trung Quốc sau đại dịch đến xây dựng sản phẩm,... với mong muốn đón được các đoàn khách lớn thì nay lại nhận được tin không vui này.
“Không có đối tác chúng tôi không tổ chức được tour. Không có các đoàn khách Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, nguy cơ công ty rơi vào cảnh lỗ triền miên”, bà Phương lo lắng. Việc Trung Quốc mở cửa du lịch quốc tế là cứu cánh, bởi không ít đơn vị du lịch không thể chuyển đổi thị trường trong một sớm một chiều được.
Bà Phương băn khoăn, không biết doanh nghiệp du lịch Việt Nam phải chờ đến bao giờ.
Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, việc các doanh nghiệp chuẩn bị đón khách Trung Quốc chủ yếu là đơn lẻ, chưa có sự vào cuộc thực sự của các hiệp hội du lịch, cơ quan quản lý. Sau hội nghị mang tính chất khởi động về đón khách du lịch Trung Quốc tại Móng Cái (Quảng Ninh) ngày 9/1, cơ quan quản lý du lịch, các đối tác, doanh nghiệp du lịch hai nước... chưa có cuộc họp, buổi gặp gỡ nào để lên kế hoạch, bàn về cách thức đón khách hai chiều, chuẩn bị sản phẩm,...
Lãnh đạo một công ty du lịch phía Nam chia sẻ, tuy Trung Quốc đã mở cửa nhưng mới có vài chuyến charter đưa khách đến Khánh Hòa. Vì vậy, họ vẫn đang đợi thời gian phù hợp để sang Trung Quốc tìm hiểu nhu cầu của người dân, xúc tiến thương mại và tìm kiếm các điểm đến phù hợp.
Trong khi du lịch Việt Nam vẫn phải chờ đợi, thì Thái Lan và các nước trong khu vực dần lấn chiếm thị phần khách Trung Quốc. Ngay trong ngày 6/2, theo Bangkokpost, Thái Lan đã đón 13 chuyến bay với hàng trăm khách - những đoàn khách Trung Quốc đầu tiên sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Năm 2023, nước này dự kiến sẽ đón 5 triệu khách Trung Quốc trong tổng số 25 triệu khách quốc tế. Còn Việt Nam dự kiến đón 8 triệu khách quốc tế, chỉ bằng 1/3 Thái Lan.
Ở chiều ngược lại, ông Phạm Minh Tú - Tổng giám đốc Công ty du lịch chuyên đưa khách Việt Nam đi Trung Quốc, cho hay, đơn vị đang phối hợp với hãng bay đưa khách Việt Nam đi Phượng Hoàng Cổ Trấn, Trương Gia Giới vào ngày 28/3, với hình thức bay charter (thuê nguyên chuyến).
Với giá tour duy trì như trước dịch, việc tổ chức chuyến đi ban đầu mới mang tính chất thăm dò. Hai bên (du lịch - hàng không) đang thương lượng, cố gắng triển khai 2 chuyến/tuần, sau đó tùy số lượng khách sẽ có sự điều chỉnh.
Ông Phạm Minh Tú chia sẻ, ngày nào công ty cũng nhận được câu hỏi của khách về điểm đến, thủ tục visa, vé máy bay... “Hiện có một số khách lẻ đi Bắc Kinh, Quảng Châu nhưng chủ yếu là khách lẻ, visa thương mại đi dự hội chợ, chưa có đoàn lớn”, ông nói.
Trung Quốc mở lại tour du lịch tới 20 quốc gia, chưa có Việt Nam
Từ ngày 6/2, Trung Quốc nối lại các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài tới 20 quốc gia được chọn, theo Bộ Văn hóa và Du lịch nước này. Trong danh sách đó không có Việt Nam.
Việt Nam cần xóa định kiến ‘điểm đến giá rẻ’, đón khách giàu Trung Quốc
Trong suy nghĩ, khách Trung Quốc đang định vị Việt Nam là điểm đến giá rẻ, chất lượng kém. Ngành du lịch cần có sản phẩm chất lượng, dịch vụ thuyết phục, lựa chọn hấp dẫn với những vị khách vốn hào phóng chi tiêu này.
Xóa tour 0 đồng, coi khách Trung Quốc như khách Âu, Mỹ
Sau dịch Covid-19, đối tượng và hành vi của khách Trung Quốc rất khác. Du lịch Việt Nam cần xóa tour giá rẻ, tour 0 đồng bởi khách Trung Quốc chi tiêu ngày càng cao, đòi hỏi dịch vụ đáp ứng như khách Âu, Mỹ.