Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động do đại gia Nguyễn Đức Tài làm chủ tịch giảm 1.100 đồng/CP, tương đương giảm 1,8% còn 61.500 đồng/CP. Đây cũng là phiên giảm thứ 5 liên tiếp và kể từ đầu tháng 7, cổ phiếu MWG giảm 10.000 đồng/CP, tương đương mức giảm 14%.
Với việc, ông Nguyễn Đức Tài đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 187,5 triệu cổ phiếu MWG, nếu tính riêng phiên ngày 15/7, tài sản của chủ tịch MWG giảm đi 206 tỷ đồng và giảm 1.875 tỷ đồng tính từ đầu tháng 7 đến nay.
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, khối tài sản ông Nguyễn Đức Tài đang nắm giữ có giá trị hơn 11.534 tỷ đồng.
Mới đây, nhiều người bất ngờ trước thông tin hàng loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX), thuộc sở hữu của MWG treo biển xả kho, đóng cửa. Trong đó, có khá nhiều cửa hàng BHX chỉ mới khai trương cuối năm 2021. Các cửa hàng dừng hoạt động nằm chủ yếu trong chuỗi BHX tại TP.HCM.
Tương tự, trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 15/7, cổ phiếu cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan đạt 101.200 đồng/cp giảm 9,6% so với cuối tháng 6. Với mức giảm này, giá trị vốn hóa của MSN còn 144 nghìn tỷ đồng, tụ giảm mất 15,4 nghìn tỷ đồng.
Trong quý I/2022, WinCommerce (WCM), thuộc sở hữu của Tập đoàn MaSan đã mở mới 109 điểm bán lẻ, là chuỗi quy mô lớn duy nhất có số lượng cửa hàng gia tăng đáng kể trong 4 tháng đầu năm 2022.
Kết quả, doanh thu quý I, WCM tăng 0,8% so với cùng kỳ và tăng 5,7% so với quý IV/2021. Với kế hoạch mở mới 300 cửa hàng trong quý II/ 2022 và kỳ vọng phát triển doanh thu tại các điểm bán hiện hữu, WCM dự kiến doanh thu trong quý II/2022 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021 và dự kiến đà tăng trưởng cao về cuối năm 2022.
Cùng chung số phận với 2 đại gia bán lẻ trong nửa đầu tháng 7, tuy quy mô nhỏ hơn, vốn hóa của PNJ và FPT Retail chỉ giảm 3,6 nghìn tỷ đồng và 2,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ, 2 doanh nghiệp này đã để mất tương ứng 12% và 20% giá trị trong tháng 7.
Điều các nhà đầu tư đang chú ý đến thị trường bán lẻ trong những tháng còn lại của năm 2022, khi chỉ mới bước sang quý 3 được nửa tháng, nhưng giá trị vốn hóa của các đại gia bán lẻ tụ giảm mạnh, trong khi toàn thị trường chỉ giảm 2% kể từ cuối tháng 6.
Không những vậy, sự sụt giảm về giá trị vốn hóa các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu còn đi ngược lại số liệu tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ Việt Nam 6 tháng đầu năm, được ghi nhận tăng trưởng 11,7%.
Theo báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng 8,2% so với cùng kỳ. Tính đến tháng 6, mức độ di chuyển của người Việt Nam đến các địa điểm bán lẻ và vui chơi giải trí đã phục hồi về mức trước dịch, đánh dấu sự trở lại giai đoạn tăng trưởng tiêu dùng Việt Nam sau 2 năm bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng vấn đề lạm phát của Việt Nam có thể được duy trì ở mức thấp hơn so với các nước khác (nhất là các nước châu Âu, châu Mỹ) và không ảnh hưởng nhiều đến tiêu dùng của người dân cũng là yếu tố hỗ trợ giúp ngành có thể quay trở lại quỹ đạo.
VNDirect cho rằng, ngành bán lẻ trong 6 tháng cuối năm sẽ hình thành ba xu hướng. Thứ nhất, sự chuyển hướng sang bán lẻ hiện đại rõ ràng hơn sau đại dịch, giúp các chuỗi bách hóa hiện đại tăng trưởng mạnh hơn.
Thứ hai, các nhà bán lẻ lớn đang không ngừng mở rộng sang các thị trường bán lẻ như dược phẩm hoặc thị trường mẹ và bé.
Cuối cùng, sự phục hồi của các công ty kinh doanh bất động sản bán lẻ nhờ dịch vụ được hồi phục.
VN-Index phục hồi.
Tuần qua, thị trường chứng khoán chịu anh hưởng thông tin tiêu cực về tin đồn lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị cấm xuất cảnh. Chứng khoán thế giới tụt giảm sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát tháng 6 vượt mức dữ báo.
Thanh khoản trong tuần này sẽ tăng so với bình quân của tuần trước, đạt mức cao nhất 3 tuần vừa qua khi chỉ số VN-Index ngày càng củng cố vùng đáy.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, có thể kỳ vọng VN-Index tiếp tục hồi phục trong tuần tiếp theo với mục tiêu quanh vùng kháng cự của xu hướng giảm giá hiện tại là 1.185-1.190 điểm.
SHS khuyên nhà đầu tư có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng khi giá đang giảm về vùng hấp dẫn.
Mở rộng từ bán lẻ điện thoại sang điện máy, thực phẩm tiêu dùng. Song cuộc hành trình vẫn chưa dừng lại khi ngày 10/1/2022 Thế Giới Di Động chính thức từ một đơn vị bán lẻ đồ công nghệ chuyển sang những cột mốc mới.