Chỉ hơn một tháng sau khi chính thức được Forbes gọi tên trong danh sách tỷ phú USD giàu thứ hai Việt Nam, vượt qua cả tỷ phú thép Trần Đình Long, ông trùm bất động sản Bùi Thành Nhơn có sự dịch chuyển về tài sản.
Theo đó, ngày 11/5, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland, đã chuyển nhượng 106,7 triệu cổ phiếu Novaland (NVL) trị giá khoảng 8.300 tỷ đồng sang công ty riêng Novagroup dưới mục dích “góp vốn vào doanh nghiệp''.
Trước đó, ông Nhơn nắm giữ hơn 276 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 14,164% vốn điều lệ. Sau khi giao dịch, tổng lượng nắm giữ cổ phiếu NVL của ông Nhơn giảm còn 169,5 triệu đơn vị, tương đương 8,7% vốn điều lệ.
Novagroup của ông Nhơn nâng lượng sở hữu tại Novaland từ 520,5 triệu cổ phần (tỷ lệ 26,7%) lên 627,2 triệu cổ phần (tỷ lệ 32,167%).
Lãnh đạo rất nhiều doanh nghiệp cũng có động thái cổ phiếu sang công ty riêng. Hồi giữa 2021, nhiều lãnh đạo cấp cao của CTCP Thế giới số (Digiworld) và người liên quan đã chuyển quyền sở hữu cổ phiếu DGW đang nắm giữ cho doanh nghiệp do chính họ sở hữu.
Hay tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng để một số lượng lớn cổ phần Vingroup tại công ty riêng. Tuy nhiên, cuối năm 2017, sau khi bất ngờ bị nguyên chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vượt lên giành vị trí giàu nhất trên thị trường chứng khoán tính theo giá trị cổ phiếu, ông Vượng đã chuyển tài sản từ công ty riêng về sở hữu cá nhân.
Trong vài tuần cuối 2017, Forbes liên tiếp có sự điều chỉnh lớn về khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC), đã có thêm hàng tỷ USD. Tính trung bình, cứ vài ngày, ông Phạm Nhật Vượng lại có thêm 100 triệu USD.
Trên thực tế, nhiều tháng trước đó, các tính toán của Forbes đều thấp hơn hàng tỷ USD so với khối tài sản của ông Vượng tính theo số lượng và giá cổ phiếu VIC của đại gia giàu có số 1 Việt Nam này.
Sở dĩ tài sản của ông Vượng tăng nhanh là vì gần đây các số liệu cho thấy tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam còn gián tiếp nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu VIC. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017, ông Phạm Nhật Vượng nắm gần 724 triệu cổ phiếu Vingroup - VIC (tương đương 27,5% vốn). CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam nắm hơn 880 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 33,4%.
Trong khi đó, ông Vượng đang sở hữu 92,88% CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Như vậy, khi đó ông Vượng trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 60% cổ phần tại Vingroup, tương đương với hơn 1,54 tỷ cổ phiếu VIC.
Thị trường chứng khoán có rất nhiều cá nhân gián tiếp sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên sàn hoặc đã chuyển cổ phần về các công ty riêng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không VietJet (VJC), trực tiếp nắm giữ 47,5 triệu cổ phiếu VJC, nhưng gián tiếp nắm giữ hơn 193 triệu cổ phiếu VJC thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (bà Thảo nắm giữ 100% cổ phần công ty này). Bên cạnh đó, bà Thảo còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico (Sovico Holdings). Sovico Holdings đang sở hữu hơn 41 triệu cổ phiếu VJC (tương đương 7,85% vốn điều lệ Vietjet Air)…
Đại gia Hồ Xuân Năng (Năng Do Thái) cũng chỉ nắm giữ gần 6 triệu cổ phiếu VCS nhưng gián tiếp (thông qua CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh) nắm giữ hơn 121 triệu cổ phần VCS.
Ông Nguyễn Đức Tài nắm giữ hơn 17 triệu cổ phần Thế Giới Di Dộng (MWG) nhưng gián tiếp nắm giữ hơn 51,5 triệu cổ phần MWG thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới bán lẻ).
Ông Trần Lê Quân (MWG), ông Nguyễn Duy Hưng (SSI, PAN), ông Lê Phước Vũ (HSG), Trần Lệ Nguyên (KDC), vợ chồng ông Hồ Hùng Anh (MSN, Techcombank),... cũng gián tiếp sở hữu một khối lượng lớn cổ phần cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Vài năm gần đây, nhiều doanh nhân siêu giàu đã chuyển về công ty riêng. Không ít đại gia âm thầm rút vào hoạt động kín đáo sau những sóng gió như đợt 2012-2013 và 2021-2022 hiện nay.
Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang gần như không trực tiếp nắm giữ cổ phần tại Masan nhưng vẫn là phó và chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này.
Trên thực tế, việc chuyển cổ phiếu sang công ty riêng giúp thuận tiện cho việc quản lý, thậm chí có thể được lợi hơn về thuế. Điều đó cũng cho thấy sự chuyên nghiệp hơn của các doanh nhân Việt. Đây cũng là cách mà nhiều tỷ phú trên thế giới, như Bill Gates, đã làm từ lâu.
Chưa thấy rõ động lực
Theo BSC, diễn biến của VN-Index hôm 18/5 hình thành nên cây nến Doji, cho thấy thị trường đang có sự lưỡng lự, thêm vào đó khối lượng giao dịch vẫn còn khiêm tốn, chưa thấy được động lực cho đà tăng điểm. Đà tăng của thị trường vẫn phải chờ kiểm chứng thêm từ một đên hai phiên giao dịch nữa.
Theo MBS, thị trường tiếp tục cho thấy nỗ lực phục hồi dù có áp lực bán trong phiên chiều 18/5. Độ rộng thị trường vẫn ở trạng thái tích cực sang phiên thứ 2 liên tiếp nhờ dòng tiền ưu tiên hoạt động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Thanh khoản thị trường ở mức thấp ở 2 phiên tăng chưa phải là dấu hiệu đáng ngại về dòng tiền. Hôm 18/5 là phiên T+3 đầu tiên của lượng cổ phiếu bắt đáy ở phiên VN-index giảm về ngưỡng 1.180 điểm về tài khoản, việc thanh khoản không tăng cho thấy nhà đầu tư đang có sự kỳ vọng thị trường sẽ còn tiếp tục phục hồi trong các phiên tới.
Ngày 19/5, lượng hàng từ phiên chỉ số Vn-Index giảm về ngưỡng 1.170 điểm sẽ về tài khoản, do vậy nhà đầu tư muốn giải ngân mới sẽ chờ thêm tín hiệu để xuống tiền, đây cũng là yếu tố khiến thanh khoản thị trường thấp ở phiên hôm 18/5. Nhìn chung, thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt nhất kể từ phiên 25/4, VN-Index nhiều khả năng sẽ thử thách ngưỡng 1.260 điểm trong các phiên sắp tới.
Chốt phiên giao dịch chiều 18/5, chỉ số VN-Index tăng 12,39 điểm lên 1.240,76 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội giảm 5,6 điểm xuống 309,84 điểm. Upcom-Index giảm 1,16 điểm xuống 94,73 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 16,0 nghìn tỷ đồng, trong đó có 13,8 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.
V. Hà