Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt đã có những chia sẻ với PV. VietNamNet về những biến động của thị trường chứng khoán năm qua và triển vọng trong năm 2024.
Một năm sóng gió
Chứng khoán năm 2023 ghi nhận nhiều thăng trầm, nhưng chung cuộc chỉ số VN-Index tăng hơn 11% lên trên ngưỡng 1.100 điểm. Ông có đánh giá như thế nào về TTCK trong năm vừa qua?
Ông Lê Quang Trí: Năm 2023 là năm mà thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua nhiều biến động và diễn biến phức tạp. Sở dĩ có tình trạng này là do trước đó TTCK đã trải qua một năm 2022 suy giảm mạnh. Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố khách quan bên ngoài tác động đến chứng khoán Việt Nam như: sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát dai dẳng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài của các nước lớn và căng thẳng địa chính trị gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới.
Những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến TTCK Việt Nam. Trong nửa đầu năm, TTCK giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm khá nhiều so với năm 2022. Trong quý III/2023, thanh khoản thị trường đã tăng nhanh trở lại. Tuy nhiên, trong quý cuối năm, thanh khoản lại giảm.
Dù vậy, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng so với cuối năm 2022.
Trong năm 2023, khối ngoại bán ròng gần 1 tỷ USD cổ phiếu Việt. Trừ năm 2022 khối này mua ròng do cổ phiếu xuống đáy, lũy kế từ 2020 tới nay các NĐT nước ngoài bán ròng 3 tỷ USD. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này? Dự báo của ông về dòng tiền của khối ngoại trong năm 2024 như thế nào?
Việc nhà đầu tư ngoại bán cổ phiếu có thể xuất phát từ những lo ngại về sự ảnh hưởng của các sự kiện quốc tế như chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), biến động của lãi suất, tỷ giá leo thang, giá dầu...
Trong năm 2023, Việt Nam đi ngược thế giới trong điều hành lãi suất. Đây cũng có thể là yếu tố khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn. Hơn nữa, TTCK đã có một khoảng thời gian đi lên kéo dài từ cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Giai đoạn cuối năm 2023 vừa rồi cũng trùng hợp với diễn biến cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư chủ động cũng như các quỹ hoán đổi danh mục ETFs.
Dù vậy, với việc chỉ chiếm chưa tới 10% giá trị giao dịch toàn thị trường, động thái bán ròng của khối ngoại trong năm 2023 được xem chủ yếu tác động tới tâm lý của nhà đầu tư trên TTCK.
Trong năm 2024, chúng ta có thể kỳ vọng khối ngoại sớm gia tăng giải ngân trở lại, nhất là khi Fed hạ lãi suất dự kiến, bắt đầu vào đầu quý II/2024.
TTCK tiếp tục lỡ hẹn với hệ thống giao dịch công nghệ Hàn Quốc KRX. Việc chậm trễ này liệu có ảnh hưởng xấu tới thị trường hay không?
Cá nhân tôi cho rằng việc chậm trễ này sẽ không có nhiều ảnh hưởng. Tác động từ câu chuyện KRX có thể chỉ mang tính tâm lý ngắn hạn và nếu như có tác động chủ yếu sẽ xảy ra ở nhóm cổ phiếu chứng khoán. Trước đó, nhóm cổ phiếu này đã có một nhịp tăng khá mạnh và dài.
Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng chậm. Theo ông điều gì đang cản trở quá trình lên hạng và các cơ quan quản lý cần tháo gỡ vấn đề nào?
Theo kết quả xếp hạng của FTSE Russell vào tháng 9/2023, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market).
Sở dĩ TTCK Việt Nam còn chậm chưa được nâng hạng vì nhiều vướng mắc, mà theo đánh giá chung của phần lớn các tổ chức quốc tế, gồm 2 nhóm vấn đề: yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Các cơ quan quản lý cũng cần tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin giao dịch để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, nâng cao vốn hóa thị trường và chú ý đến chất lượng của những sản phẩm trên thị trường.
- Trong năm 2023, hoạt động thanh lọc làm sạch TTCK và tăng cường minh bạch thông tin được thực hiện quyết liệt. Nhiều vụ án thao túng đã được khởi tố. Số lượng tài khoản chứng khoán ảo bị loại bỏ. Hoạt động này, theo quan điểm của ông, sẽ tác động TTCK trong tương lai ra sao?
Việc các cơ quan quản lý triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thậm chí là quyết liệt với mục tiêu làm minh bạch, trong sạch, xác lập kỷ luật, kỷ cương trong TTCK như thời gian gần đây là một trong những bước đi đúng và điều này cũng góp phần làm cho TTCK trong tương lai tốt hơn.
Việc minh bạch TTCK sẽ giúp tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước và góp phần tích cực trong lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam trong tương lai.
Nhiều cơ hội hơn trong năm 2024
- Gần đây, nhóm cổ phiếu trụ cột có tín hiệu hút dòng tiền. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nhiều mã cũng đã tăng trước đó. Ông có đánh giá như thế nào về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn?
Trong năm 2024, nhiều ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực. Đó là ngành sản xuất, xuất khẩu, xây dựng hạ tầng và đầu tư công. Ngoài ra, các nghành như chứng khoán, thép, công nghệ thông tin, hóa chất, dầu khí... cũng hứa hẹn mang đến những cơ hội lớn.
Về lợi nhuận, trong năm 2024, bức tranh sẽ có nhiều màu sắc. Nhưng nhìn chung, 2024 sẽ là năm TTCK Việt Nam có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư hơn năm 2023.
- Ông đánh giá như thế nào về triển vọng 3 nhóm cổ phiếu: ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong năm 2024?
Trong năm 2024, dự báo lợi nhuận của các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản sẽ khó đột biến. Việc khơi thông nguồn vốn đang là bài toán đau đầu cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong giai đoạn khó khăn này.
Nhóm bất động sản có thể sẽ khởi sắc hơn từ nửa cuối năm 2024. Các doanh nghiệp có quỹ đất và năng lực triển khai dự án tốt… sẽ được các NĐT quan tâm nhiều hơn.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng đối mặt với khả năng lợi nhuận tăng trưởng chậm do tăng trưởng tín dụng chậm kéo dài từ 2023 và nguy cơ nợ xấu tăng lên. Cũng như bất động sản, nhiều khả năng ngành ngân hàng sẽ khó có chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2024.
Với nhóm cổ phiếu chứng khoán, 2024 có thể là một năm thăng hoa khi lãi suất cho vay đầu ra của các ngân hàng bắt đầu giảm, thanh khoản TTCK được kỳ vọng sẽ tăng lên khi hệ thống KRX đi vào hoạt động cùng với đó là việc Việt Nam quyết tâm sớm nâng hạng vào năm 2025...
Việt Nam ghi nhận kinh tế tăng trưởng hơn 5% trong năm 2023. Chính phủ đã và đang đẩy nhanh nhiều giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất gần đây cũng giảm nhanh. Vậy theo ông, triển vọng nền kinh tế và TTCK trong năm 2024 sẽ ra sao?
Những khó khăn gần đây đang dần được giải quyết. Nhìn chung nền kinh tế Việt Nam năm 2024 có triển vọng tốt hơn. Việc Fed đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm 2024 cũng sẽ là một trong những động lực hỗ trợ cho kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2024...
TTCK cũng được cho là đang vào một chu kỳ tăng giá mới, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho NĐT. Với mức P/E hiện quanh mức 13,2 lần, TTCK 2024 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
- Xin cảm ơn ông!