Thị trường chứng khoán ngày mùng 5 của tháng mới ghi nhận áp lực bán gia tăng khiến VN-Index quay đầu giảm điểm, cho dù nhiều cổ phiếu ngành thép bứt phá ngay từ đầu phiên giao dịch.
Nhóm cổ phiếu lớn có sự phân hóa mạnh, khiến VN-Index biến động giằng co. Chốt phiên 5/9, VN-Index giảm 3,16 điểm xuống 1.277,35 điểm. Thanh khoản vẫn khá yếu.
Thị trường ghi nhận nhóm cổ phiếu thép tăng ấn tượng như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long tăng gần 3%; Tôn Hoa Sen (HSG) tăng hơn 4%; Thép Nam Kim (NKG), Thép Tiến Lên (TLH), VGS tăng mạnh.
Nhóm cổ phiếu phân bón cũng tăng ấn tượng.
Trong nhóm cổ phiếu trụ cột VN30, Bảo Việt (BVH), Masan (MSN), Vinamilk (VNM) tăng mạnh.
Một số cổ phiếu khác cũng ghi nhận sắc xanh như Vingroup (VIC).
Ngược lại, nhóm cổ phiếu “họ FLC” liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết như FLC, AMD, HAI, KLF, ART... đồng loạt giảm sàn và xuống đáy mới sau loạt tin xấu được công bố trước kỳ nghỉ lễ 2/9. GAB vẫn tiếp tục không có giao dịch.
Trong phiên giao dịch 5/9, cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC giảm sàn xuống 3.720 đồng/cp. Hôm 31/8 Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9.
Cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược H.A.I giảm sàn xuống 1.700 đồng/cp. Hôm 31/8 HoSE cũng quyết định đình chỉ giao dịch hơn 182,68 triệu cổ phiếu này kể từ ngày 9/9.
Ba cổ phiếu “họ FLC” khác là ART, KLF và AMD cũng giảm sàn, xuống tương ứng 4.000 đồng, 2.400 đồng và 2.340 đồng/cp. GAB trong khi đó vẫn tiếp tục không có giao dịch trong khoảng 6 tháng qua và ở nguyên mức giá 196.400 đồng/cp. GAB bị đưa vào diện cảnh báo kể từ 9/9.
Các cổ phiếu FLC, HAI, ART, AMD và KLF đều giảm khoảng 80-90% kể từ đỉnh ghi nhận hồi đầu tháng 1.
Cũng trong phiên giao dịch ngày 5/9, 568 triệu cổ phiếu ROS chính thức bị hủy niêm yết trên HoSE vì doanh nghiệp này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các cơ quan chức năng nhận thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, cổ phiếu ROS chưa được giao dịch trên UPCoM. HNX sẽ xem xét hồ sơ sau khi có kết luận của cơ quan chức năng.
Hôm 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thi hành các quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Xây dụng FLC Faro (ROS) và các công ty có liên quan.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2014 đến năm 2016, Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch Tập đoàn FLC và nguyên chủ tịch Chứng khoán BOS) đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros (ROS).
Sau khi 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, nhóm này đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Tính tới hết ngày 12/8 - khi ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đình chỉ giao dịch - cổ phiếu này chốt ở mức 2.510 đồng/cp. So với đỉnh cao gần 160.000 đồng/cp (giá điều chỉnh), ROS đã rớt vài chục lần.
Đến thời điểm này, ROS vẫn chưa công bố thông tin BCTC kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, BCTC quý I và quý II/2022. Đồng thời, ROS cũng chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, chưa có đủ số lượng thành viên HĐQT tối thiểu, chưa có người đại diện theo pháp luật…
ROS được xem là một cổ phiếu "lạ thường" nhất sàn chứng khoán và là yếu tố giúp ông Trịnh Văn Quyết vào cuối 2017 trong tích tắc trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) nếu tính tài sản dựa trên số lượng và giá các cổ phiếu mà ông Quyết nắm giữ khi đó.
Trong 4 năm xuất hiện trên sàn, cổ phiếu này đã khuynh đảo thị trường chứng khi lọt vào rổ VN-30 và sau đó ghi nhận chuỗi ngày tăng “bất tận”, qua đó giúp cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, giàu nhất trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016 và đầu 2017.
Sang 2017, cổ phiếu ROS tiếp tục tăng giá, giúp tài sản của ông Quyết có lúc lên trên 50 nghìn tỷ đồng và trở thành tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam, nhưng không được Tạp chí danh tiếng Forbes công nhận.
M. Hà