Tôi, thế hệ 5X đời đầu, thường hay hoài cổ. Biết tính tôi, anh bạn cùng học một thời đã gửi cho một video qua Zalo. Tôi vội mở ra xem thì thấy các đoạn nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ 20 mà bây giờ ít có dịp được nghe lại.
“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”, kèm theo là nhạc hiệu chương trình Thời sự, Sân khấu truyền thanh, Tiếng thơ, Kể chuyện cảnh giác...
Tôi thích thú mở đi mở lại nhiều lần và đêm ấy, những hồi ức về radio - nói theo tiếng Việt dân quê tôi gọi là “cái đài” - lại hiện về trong tâm trí tôi với cả một thời để nhớ.
Khám phá một chân trời mới
Quê tôi đất trung du nổi tiếng với “rừng cọ đồi chè”, thập kỷ 60-70 của thế kỷ 20 vẫn còn nghèo và lạc hậu lắm. Lứa chúng tôi hầu hết chưa từng trông thấy chiếc ô tô, chỉ nghe tiếng còi tàu u u tận bên kia sông Hồng. Người quê tôi nghe quen tiếng tàu, phân biệt được tàu hàng và tàu khách. Do vậy, họ thường dựa vào tiếng tàu khách chạy theo quy luật để đoán giờ giấc. Ví dụ tàu khách xuôi chạy qua lúc 6h sáng hay tàu ngược vào 16h, tàu xuôi vào 21h... Còn khái niệm nghe đài xem ra chỉ là giấc mơ xa vời.
Khoảng năm 1961, chúng tôi vào học cấp 1. Trường cách nhà khoảng 2km. Một buổi đến trường, chúng tôi phát hiện hiện tượng “lạ” - nhà ông K. xóm bên bỗng dựng lên 2 cây tre to cao chừng 7-8m ở sau mái nhà. Đầu 2 cây tre được nối với nhau bằng một sợi dây, đến gần ước chừng to gần bằng đầu đũa ăn cơm. Một đầu dây được thòng xuống mái nhà, chúng tôi thắc mắc, tò mò không biết nó là gì.
Ngay buổi trưa, trong bữa cơm, tôi đem chuyện kể cho cả nhà nghe. Anh trai tôi lúc ấy đang là giáo viên cấp 1 dạy cùng trường với con ông K.. Anh giải thích cho cả nhà: đó là đài thu thanh Galen. Sợi dây trên 2 cây tre là sợi dây bằng đồng đỏ để thu sóng phát thanh từ Hà Nội. Nhưng âm thanh nó phát ra nhỏ lắm, chỉ dăm bảy người ngồi xung quanh thật trật tự mới lắng nghe được. Nghe anh giải thích, tôi tò mò lắm và ước ao nhà mình cũng có cái đài đó.
Bẵng đi chừng nửa năm, quê tôi lúc đó 100% gia đình đã vào hợp tác xã nông nghiệp và hình thành các đội sản xuất theo xóm. Xóm tôi có khoảng gần 20 hộ. Nhà tôi được cái rộng rãi, có sân gạch, lại ở trung tâm nên ông đội trưởng thường mượn để làm nơi hội họp.
Ông đội trưởng khoảng gần 40 tuổi, tính tình vui vẻ, trẻ trung, có uy tín với dân. Những năm ấy thực phẩm còn khó khăn, mỗi năm dịp Quốc khánh 2/9, hợp tác xã lại mổ lợn hoặc mổ trâu để bà con xã viên ăn mừng.
Năm đó, như thường lệ, các gia đình lại được chia phần thịt trâu. Lũ trẻ chúng tôi háo hức chờ đợi, và lại càng háo hức hơn khi biết tin ông đội trưởng đã liên hệ với hợp tác xã bên để mượn được cái đài thu thanh cho cả đội nghe mừng Quốc khánh. Lại nghe nói đài này của nước Ba Lan hiện đại lắm, có thể cho mấy chục người nghe được, không như cái đài Galen rè rè.
Rồi ngày ấy đã đến, chiều đó ông đội trưởng cử 2 thanh niên cùng ông đi mượn đài. Vì nhà tôi là trụ sở nên đài tất nhiên để ở nhà tôi. Tôi cũng cảm thấy hãnh diện với đám bạn.
Khoảng gần 19h, mấy đứa bạn tôi đã có mặt lăng xăng quét sân, xếp ghế giúp người lớn. Một lúc sau, tôi thấy ông đội trưởng và 2 thanh niên đã về. Một người khệ nệ vác 1 bao tải gai. Anh đặt xuống và cẩn thận lôi ra một vật hình hộp to như cái vali màu cánh gián, thì ra đó là cái đài. Còn người kia xách một vật như cái đèn bão.
Tôi nhìn kỹ đúng là một cái đèn dầu, phía trên bình dầu bằng kim loại là cái bóng đèn trong vắt, chỉ khác đèn dầu thông thường là phía trên bóng thuỷ tinh được chụp thêm một cái chụp gồm những cánh khế bằng kim loại, chúng được nối với nhau bằng những sợi dây điện xanh đỏ, nhỏ xíu.
Tôi tò mò hỏi ông đội trưởng vì sao lại mượn cả đèn dầu. Ông cười rồi giải thích cho mọi người cùng nghe: “Đèn dầu phát ra điện để đưa vào cho đài nói, cũng như có cơm người ta ăn rồi mới nói được”.
Giờ phát sóng sắp đến. Ông đội trưởng quẹt que diêm xoè lửa. Một tay ông nâng cái bóng đèn và cả phần chụp trên rồi châm lửa, ngọn đèn sáng lên như đèn bão bình thường.
Khoảng 1 phút sau, ông quay sang bật núm ở bên trái. Sau một tiếng “tách” rồi những tiếng sột soạt từ trong đài phát ra, mọi người hồi hộp lắng nghe. Một làn điệu chèo rõ dần. Ông đội trưởng lại đưa tay sang vặn núm bên phải. Tôi nhìn thấy chiếc kim nhỏ màu đỏ sau mặt kính trên vỏ đài chạy từ từ qua những chữ số chi chít, âm thanh bỗng rõ dần, vang xa, cảm tưởng như đứng tận ngoài cổng nhà tôi vẫn nghe rõ.
Đêm đó và 2 đêm sau, nhà tôi đông vui như hội. Già trẻ, gái trai chăm chú nghe các chương trình của đài đến tận khi phát thanh viên nói: “Buổi phát thanh đến đây là hết. Thân ái chào các bạn”. Mọi người lục tục đứng dậy, đốt đuốc ra về và không ngừng bình luận chương trình của đài. Bọn trẻ có đứa buồn ngủ từ lúc nào lăn ra chiếc chiếu dưới sân đánh một giấc.
Bà con về hết, anh tôi ra thu dọn sân, thấy vậy liền bế chúng vào giường cho ngủ. Một lúc sau gia đình chúng hớt hải đốt đuốc sang bế về.
Nửa năm sau - khoảng giữa năm 1963, sự kiện gây “chấn động” xóm tôi là ông Dung, trạm trưởng trạm y tế xã mua được cái đài do Việt Nam sản xuất. Cái đài vỏ gỗ màu nâu cánh gián, bắt sóng chỉ bằng cái cần ăng-ten sáng bóng có thể rút ra rút vào theo ý muốn.
Ông cẩn thận mang tấm vải xanh ra ông thợ may đầu làng may một cái túi vừa vặn cái đài. Túi chỉ để hở ra 2 núm của đài và phần cần ăng-ten. Túi có dây đeo quàng qua cổ. Hàng ngày cứ nghe thấy tiếng đài qua đường là biết ngay ông trạm trưởng đi làm hoặc đi về. Dân làng ngưỡng mộ ông lắm. Tôi thì ước ao bao giờ nhà mình có được cái đài như thế mà nghe… Ôi cũng chỉ là mơ là ước!
Khoảng đầu năm 1964, anh trai tôi là giáo viên cấp 1, vốn cũng có sở thích nghe đài, lần mò mua lại được cái đài Orionton cũ của một người quen ở thị trấn. Tôi vui lắm. Nhà tôi lại trở thành trung tâm của những thính giả yêu đài. Tối nào cũng có 3-4 ông hàng xóm đến uống nước chè. Các tối thứ 7 thì đông hơn vì có chương trình “Sân khấu truyền thanh” vui lắm.
Có một ông khoảng gần 60 tuổi ở cách xa nhà tôi khoảng nửa cây số, hầu như ít khi bỏ tối nào. Ông thích nhất chương trình ngâm thơ, đến nỗi thuộc giọng ngâm của từng nghệ sĩ. Ông vanh vách nói về Linh Nhâm, Châu Loan.
Lúc đó thời bao cấp, hàng hoá khó khăn, muốn mua pin chạy đài phải có sổ, mà chỉ cán bộ nhà nước mới được phân phối. May anh tôi cũng có sổ mua hàng nhưng pin vẫn không đủ dùng vì loại đài Orionton của Hungary khá tốn pin. Do vậy, pin thường để dành cho tối thứ 7.
Chiếc đài đó cũng đã gắn bó với một thời tuổi trẻ của tôi, nhất là thời kỳ chống Mỹ.
Nghe đài, tôi đã khám phá ra một chân trời mới. Tôi biết thêm nhiều thứ bổ sung cho kiến thức tôi đang học phổ thông. Tôi cũng rất thích các chương trình ca nhạc và thường nhẩm theo lời hát. Tôi học được một số bài hát từ chương trình của đài như: Chiếc gậy Trường Sơn, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Đường cày đảm đang...
Năm 1970, tôi vào bộ đội rồi hành quân đi B. Những ngày hành quân gian khổ trên Trường Sơn, nhiều lúc ba lô nặng trên vai, vừa đi tôi vừa lẩm bẩm bài hát Chiếc gậy Trường Sơn, nhẩm đi nhẩm lại quên đi cái mệt từ lúc nào.
Sau năm 1975, tôi cũng như nhiều người lính trẻ khác, may mắn nguyên vẹn trở lại quê hương. Tôi không quên kiếm lấy một chiếc radio hiệu National nho nhỏ. Suốt những năm sau này, tôi coi đó là kỷ niệm của một thời áo lính, nhưng rất tiếc khoảng 20 năm sau, nó quá cũ nát, đem đi sửa, thợ lắc đầu ngao ngán. Tôi đành chia tay với nó.
Đến lúc về hưu năm 2011, biết tôi hay nghe đài, các con đã trang bị cho tôi một chiếc đài nhỏ nhưng hiện đại, có cả chỗ cắm thẻ nghe ca nhạc. Thời 4.0 hiện đại, phương tiện nghe nhìn phong phú, tivi, điện thoại thông minh thu hút cánh trẻ và cả người già. Song tôi vẫn thích nghe đài vì xem ra nội dung tuyên truyền phong phú hơn, người nghe lại không nhất thiết phải ngồi cố định trước màn hình.
Tôi có thể nghe đài ngay khi làm một việc gì đó. Buổi tối người già ít ngủ, tôi cắm tai nghe, nằm nghỉ, nghe một bản nhạc, một bài hát để thư giãn. Có đài, tôi cảm thấy cuộc sống người cao tuổi phong phú hơn, sống vui, sống khoẻ hơn.
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |
Độc giả Ngô Văn Sơn