"Cây tử thần"
Tại vùng đất thép Củ Chi (TP.HCM) ai cũng biết loài cây củ chi. Một thời, loại cây này mọc dày khắp vùng đất nằm ở phía Tây Bắc TP.HCM.
Cây củ chi mọc trên vùng đất thép nổi tiếng có độc tính mạnh, được xếp vào loại độc dược hạng A. Vỏ, lá, hạt, thân cây củ chi đều rất độc. Thế nên người dân địa phương thường gọi vui củ chi là cây tử thần.
Đây cũng là lý do cây củ chi bị người dân chặt hạ khiến cho chúng gần như biến mất hoàn toàn tại vùng đất mang tên mình. Hiện nay, tại Củ Chi còn rất ít “cây tử thần” đại thụ. Trong số này, cây củ chi tại khu nhà mồ của ông Nguyễn Tấn Tới (ấp Phú An, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) là to, cao, nhiều tuổi nhất.
Các cụ cao niên địa phương cho biết, từ khi sinh ra họ đã thấy cây củ chi này đứng sừng sững trong khu nhà mồ từng được trang trí như một công viên thu nhỏ. Nhiều người khẳng định, có thể cây đã ngoài 200 tuổi và là biểu tượng của vùng đất này.
Do già cỗi, cây củ chi bị mục ruỗng từ gốc lên quá nửa thân cây. Tuy vậy, những năm trước, cây vẫn xanh um cành lá. Mùa khô, cây ra trái. Mỗi khi chín, trái củ chi ngả sang màu cam đậm, trông rất đẹp mắt.
Đáng tiếc hiện nay, cây củ chi đại thụ này đứng trước nguy cơ biến mất mãi mãi. Cách đây ít ngày, thân cây chính bị lửa thiêu trụi, cháy đen. Do đã mục ruỗng, lửa cháy lan vào trong thân, khiến cây trông như một cột than khổng lồ.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Chi bộ ấp Phú An (xã Phú Hòa Đông) cho biết: “Cách đây ít hôm, khi đi ngang qua khu nhà mồ ông Nguyễn Tấn Tới, tôi phát hiện cây củ chi cổ thụ bị đốt cháy.
Có lẽ ai đó khi đốt rác, lá khô đã không cẩn thận để lửa cháy lan, bén vào gốc cây. Lửa cháy lan vào trong thân cây đã mục ruỗng làm cho cây chết và gần như không thể cứu. Tôi đã báo cáo sự việc lên cấp trên. Ai cũng tiếc nuối vì đây là cây củ chi đại thụ, quý hiếm nhất của vùng này”.
Trước đó, ông Hồng tình nguyện chăm sóc, bảo vệ cây quý. Cách thời điểm phát hiện cây bị đốt cháy ít hôm, ông Hồng còn thuê người đến cưa, cắt tỉa những cành lớn bị mưa, gió quật gãy, sâu bệnh.
Ông lo sợ việc để quá nhiều cành lớn, tán rộng thân cây vốn đã mục ruỗng sẽ không chịu nổi và đổ gãy khi gặp mưa to gió lớn. Sau khi cắt tỉa, ông chưa kịp vui mừng vì thấy cây bắt đầu đâm chồi, tươi tốt trở lại thì phát hiện cây bị đốt cháy đen.
“Rất may một thân củ chi mọc chung gốc với cây bị cháy không bị ảnh hưởng bởi khói lửa. Hiện tại, thân cây này vẫn xanh tốt. Hi vọng nó sẽ phát triển tốt để thay thế cây vừa bị đốt cháy”, ông Hồng chia sẻ.
Nơi trú ngụ của cặp rắn thần
Nằm trong khuôn viên nhà mồ của nhà tư sản giàu nhất vùng vào những năm trước 1975, cây củ chi đại thụ mang nhiều câu chuyện li kì, bí hiểm. Ngoài chuyện cây lớn, cành lá tỏa bóng khắp một góc nghĩa địa, xưa kia gốc củ chi từng là nơi nhiều người tìm đến quyên sinh.
Đa phần các nạn nhân đều đến gốc cây này để nhai hạt, lá, vỏ thân cây với mục đích tự kết liễu cuộc đời mình. Nổi tiếng và được nhiều người biết hơn cả là giai thoại đôi tình nhân đến gốc cây nhai lá để tự sát vì bị gia đình cấm cản chuyện yêu đương.
Ngoài ra, gốc củ chi già này cũng gắn với giai thoại trở thành nơi trú ngụ của cặp rắn lớn. Tương truyền, xưa kia có một cặp rắn không biết từ đâu tìm đến quấn ở gốc củ chi đại thụ.
Mỗi ngày, đôi rắn lớn nằm phơi nắng trên phần đất nhô lên như ổ mối ở gốc củ chi. Những năm đó, người dân đến khu nhà mồ ông Nguyễn Tấn Tới vẫn thấy đôi rắn đùa giỡn với nhau trên nền đất rụng đầy lá, trái củ chi.
Sau đó, có lẽ không thích sự hiện diện của con người nên đôi rắn chui vào bọng cây củ chi sinh sống. Từ khi có đôi rắn đến trú ngụ, người dân không ai dám đến gần gốc cây củ chi để cạo vỏ, nhặt trái đem bán cho người làm thuốc.
Bà Nguyễn Thị Tuyến (SN 1959, ấp Phú An, xã Phú Hòa Đông) kể: “Chuyện này tôi được ông bà xưa kể lại. Cặp rắn ấy to lắm. Nó còn có mào nữa nên người xưa nghĩ đó là rắn thần.
Mỗi năm đến kỳ cúng lễ ở nghĩa địa, người ta lại thấy cặp rắn trườn từ gốc cây lên những cành lớn rồi nhìn xuống. Bẵng đi một thời gian, người ta không còn thấy cặp rắn ấy nữa”.
Cũng theo bà Tuyến, cây củ chi trong khu nhà mồ của ông Nguyễn Tấn Tới rất nổi tiếng và là biểu tượng của địa phương. Tuổi thơ của bà và những người dân tại đây đều ít nhiều gắn bó với gốc cây này. Thế nên khi phát hiện cây bị đốt cháy, bà rất buồn và tiếc nuối.