Đổi mới, sáng tạo
Với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ trong quản lý, quản trị kinh doanh; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm; bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử và bước đầu cho hiệu quả. HTX Nông dược Gotafarm là “quả ngọt” khởi nghiệp của chị Bùi Thị Duyên, xã Thụy Văn (Thái Thụy).
Đây là thành quả sau quá trình nhiều năm theo đuổi công việc khác nhau, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Tập trung vào nông sản và dược liệu sạch, chị Duyên rất quan tâm đến chuyển đổi số. Hiện tại, nhiều khâu trong quá trình vận hành HTX đã được số hóa, đặc biệt là kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm của HTX được bán trên website, facebook và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, sàn thương mại điện tử Thái Bình. Qua các kênh này, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của HTX hơn. Có thời điểm sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo chị Duyên, chuyển đổi số sẽ là hướng đi bền vững cho HTX trong thời gian tới.
Chị Nguyễn Thị Tâm là chủ một cửa hàng trên địa bàn thành phố Thái Bình, hội viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thái Bình. Bên cạnh hình thức bán hàng trực tiếp, chị Tâm tận dụng các nền tảng số như zalo, facebook, tiktok... phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Chị cho biết: Tôi lựa chọn hình thức bán hàng online vì không bị giới hạn về khoảng cách địa lý. Nhờ tận dụng triệt để các nền tảng online mà có những thời điểm xuất đi cả trăm đơn hàng.
Còn chị Phạm Thị My Ny, bán đồ gia dụng, đồ uống trên facebook cho biết: Tôi bán đồ trên facebook từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Lượng khách duy trì đều đặn đến bây giờ. Ngoài thu nhập từ công việc văn phòng thì việc bán hàng cho nguồn thu khá, nâng cao cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, chị Duyên, chị Tâm, chị Ny cùng nhiều thanh niên kỳ vọng sẽ có cơ hội tham gia vào các cộng đồng khởi nghiệp hữu ích, nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn về chuyển đổi số từ phía chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành. Đáng chú ý, nếu trong cộng đồng khởi nghiệp có các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng chuyển đổi số sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm quý báu thì sẽ giúp các mô hình kinh tế của thanh niên rút ngắn nhiều thời gian tiếp cận ứng dụng chuyển đổi số. Đồng thời, có sự hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý, hành chính, cách thức kết nối với các nguồn vốn để vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu.
Anh Đào Nhân Nghĩa, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) sử dụng phần mềm cho dê nghe nhạc và theo dõi dê trong cơ sở nuôi dê lấy sữa của mình.
Tạo môi trường thuận lợi
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi; 1 câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp, 1 câu lạc bộ Lương Định Của cấp tỉnh, 8 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện, 92 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp xã. Có thể thấy, phong trào khởi nghiệp đang diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên cũng gặp nhiều thử thách khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cốt lõi là chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi sự thay đổi để phù hợp trước sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật. Nhận thức được vai trò và tác dụng quan trọng của chuyển đổi số trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số... Các đơn vị trực thuộc, cấp cơ sở đã lập các trang facebook và website để thanh niên tiếp cận thông tin nhanh, kịp thời hơn. Đã có hàng nghìn thanh niên được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số, trọng tâm là nâng cao năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; kết nối thương mại điện tử, quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số.
Các sản phẩm của HTX Nông dược Gotafarm được bán online trên website và các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Theo anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn, chuyển đổi số vừa là cơ hội song cũng là thử thách để thanh niên đổi mới, sáng tạo. Trong quá trình khởi nghiệp của thanh niên, tổ chức đoàn sẽ đồng hành, làm cầu nối hỗ trợ về kiến thức, giống, vốn. Các cấp, ngành có liên quan phối hợp tạo điều kiện hơn nữa về vốn, cơ chế, chính sách cho thanh niên khởi nghiệp. Trong đó, ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình, giải pháp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ số, ứng dụng khoa học kỹ thuật... Với chủ đề năm 2023 “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số”, trong các nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh đoàn tập trung hỗ trợ thanh niên tham gia chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể một số hoạt động như hỗ trợ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn; tập huấn, phổ biến kiến thức quản trị doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, mạng internet. Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo điều kiện để thanh niên tập hợp vào tổ chức giúp nhau lập nghiệp vì mục tiêu: kiến thức, trí tuệ, làm giàu cho bản thân, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Theo Xuân Phương (Báo Thái Bình)