Ở nước ta, nông nghiệp đã được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QÐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Những năm gầy đây, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm mở rộng thị trường, quảng bá và tiêu thụ nông sản.
Tại Sơn La, tỉnh từng bước số hóa các dữ liệu thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, nông thôn mới, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp; công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao; canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh; tế bào quang điện; sử dụng người máy (robot) thay cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi; sử dụng các thiết bị bay không người lái và các vệ tinh.
Tỉnh xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp.
Công tác phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh được chú trọng. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý bảo hộ các sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng trên toàn tỉnh đối với 241 mã số vùng trồng và 37 cơ sở đóng gói.
Tỉnh triển khai ứng dụng nhật ký điện tử, cấp tài khoản nhật ký điện tử Farm Diary cho 161 vùng trồng sử dụng để cập nhật thông tin về tình hình sản xuất tại vùng trồng; thực hiện cấp mã số vùng trồng trên hệ thống Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về trồng trọt, các bước đăng ký cấp, cập nhật thông tin cho các tổ chức, cá nhân đều được thực hiện qua hình thức trực tuyến.
Tại Phú Thọ, bắt đầu từ tháng 11/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai kế hoạch thực hiện mô hình “Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ” nhằm mở rộng thị trường, quảng bá và tiêu thụ nông sản.
Để thực hiện nội dung chuyển đổi số, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng hệ thống phần mềm hoạt động đa nền tảng phục vụ công tác chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng, vận hành phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp hoạt động trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng “Agritech- Chuỗi nông nghiệp số” cho thiết bị di động, các tính năng đều được minh họa bằng biểu tượng/hình ảnh, dễ sử dụng cho mọi người dân.
Mô hình đã lựa chọn 50 cơ sở sản suất và sản phẩm OCOP để thực hiện chuyển đổi số gồm các lĩnh vực: trồng trọt có 30 cơ sở, chăn nuôi có 13 cơ sở, thủy sản có ba cơ sở, chế biến nông lâm sản có bốn cơ sở.
Các sơ sở tham gia chuyển đổi số được cấp mã số, hướng dẫn cài đặt trên hệ thống, được sơ đồ hóa và định vị GPS cơ sở sản xuất; quản lý và cập nhật đầy đủ quy trình sản xuất, vật tư đầu vào, đầu ra, nhật ký điện tử sản suất theo thời gian thực; mã hóa và xuất code tem truy xuất nguồn gốc QR kết nối với dữ liệu đầu vào cho từng sản phẩm. Tính đến nay, có 43 đơn vị đang thực hiện tham gia áp dụng phần mềm chuyển đổi số...
Tại Bình Phước, những năm gần đây, bức tranh nông nghiệp số của tỉnh đã và đang phát triển mạnh mẽ. Công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, hình thành những mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa ở mức thông minh, xây dựng được một số cơ sở dữ liệu lớn cho lĩnh vực lâm nghiệp, internet kết nối vạn vật (IoT) đã đi vào thực tiễn sản xuất.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng được một số phần mềm chuyên dùng như: Quản lý lập địa, Tự động hóa chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quản lý rừng bền vững. Tỉnh cũng hình thành được những vùng nguyên liệu có quy mô lớn, với năng suất, sản lượng nông sản gia tăng. Nông nghiệp công nghệ cao đang từng bước đi vào hệ thống, theo chiến lược của tỉnh.
Sản phẩm nông nghiệp khá phong phú về chủng loại; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc được áp dụng trên nhiều mặt hàng nông sản; nhiều nông sản đã được cấp giấy chứng nhận Việt Gap, Global Gap và OCOP.
Sở hữu trí tuệ được chú trọng, chất lượng nông sản, thương hiệu nông sản được cải thiện; gia tăng được sức cạnh tranh nông sản; thị trường nông sản được mở rộng.
Một số trái cây được xem như biểu tượng của ngành nông nghiệp, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường nông sản toàn cầu. Hệ thống quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp dần kiện toàn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mạnh dạn trong đổi mới sáng tạo.
Bình Phước xác định để nông nghiệp số thực sự "cất cánh" phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh cần hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu vật lý ảo, làm cơ sở để ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT) vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp (hệ thống cảm biến tạo dữ liệu đầu vào liên tục theo thời gian; internet kết nối thông tin các đối tượng; ứng dụng thông minh tự động hóa phân tích dữ liệu theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp)...
Bên cạnh đó, Bình Phước sẽ tăng cường ứng công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo (AI) để thay thế con người; sử dụng thiết bị không người lái trong canh tác nông nghiệp để gia tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản; thay đổi phương thức quản trị truyền thống sang phương thức quản trị số doanh nghiệp...
Thực tế cho thấy khó khăn và thách thức trong việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp ở các địa phương hiện nay còn rất lớn, cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới.
(Ảnh: Như Thủy - Cổng TTĐT Sơn La)