Chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Ninh Bình. Chương trình làm việc của Bộ TT&TT với mục tiêu giải đáp, khai mở các vấn đề cụ thể mà địa phương gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là 1 trong 3 khâu đột phá để xây dựng địa phương.
Ưu tiên cho chuyển đổi số được thực hiện xuyên suốt từ chủ trương, quan điểm chỉ đạo đến điều hành trong thực tiễn. Tuy nhiên khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác quản trị điều hành cũng còn nhiều lúng túng khi tỉnh chưa có chiến lược tổng thể về số hóa, tích hợp và khai thác mà chỉ mới chỉ triển khai thực hiện ở từng ngành, từng lĩnh vực riêng rẽ; việc triển khai ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào một số ngành, lĩnh vực chưa biết bắt đầu từ đâu. Do đó, Bí thư Ninh Bình cho rằng, buổi làm việc là cơ hội để trao đổi, gợi mở cách làm, hướng đi cho tỉnh trong lĩnh vực mới; giải quyết các vấn đề lớn trong thực tiễn và cụ thể hóa thành các bước đi cho từng lĩnh vực.
Thay đổi nhận thức và cách tiếp cận chuyển đổi số cho cán bộ địa phương
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác đã dành phần lớn thời gian để đi vào giải đáp các vấn đề cụ thể, cùng địa phương gỡ vướng cho từng ngành, lĩnh vực khi triển khai chuyển đổi số.
Thay đổi tư duy, cách tiếp cận về chuyển đổi số được Bộ trưởng nhắc xuyên suốt khi tiếp nhận, giải đáp những câu hỏi của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương – những người “ngoại đạo” về CNTT đang tìm kiếm lời giải cho bài toán của mình bằng công nghệ số.
Theo ông Lê Hữu Quý, Bí thư Thành ủy Thành phố Ninh Bình, khi triển khai xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số cho người dân, địa phương này muốn thí điểm phần mềm quản trị dữ liệu đất đai để cho người dân có thể sử dụng trong các giao dịch. Tuy nhiên, thực tế lại đang vướng mắc về cơ sở dữ liệu đất đai nên vài năm nay chưa làm được.
Trả lời vấn đề này, người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, dữ liệu là gốc rễ. Do đó, ngoài việc ban đầu là xây dựng nền tảng làm công cụ thì việc triển khai cơ sở dữ liệu cần phải thực hiện ngay. Bộ TT&TT và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ xây dựng phần mềm, địa phương cần lựa chọn các dữ liệu đã có để triển khai trước, đồng thời cần rút ngắn thời gian hoàn thành cơ sở dữ liệu so với kế hoạch thì mới khả thi. Địa phương trao quyền nhập dữ liệu xuống đến các đơn vị phường, xã. Phải giải các bài toán ở cấp cơ sở thì dữ liệu sẽ được triển khai nhanh hơn.
Với băn khoăn có thể ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản trị cán bộ hay không và phải triển khai ra sao, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Cách tốt nhất hiện nay là sử dụng các nền tảng số để đào tạo cán bộ, Đảng viên. Với các hệ thống này, cán bộ, Đảng viên tự vào tự học và thi, hệ thống tự cấp chứng chỉ điện tử. Cách tiếp cận này giúp cho việc đào tạo duy trì lâu dài, liên tục.
Nhiều địa phương như Huế, Đà Nẵng đã triển khai rất tốt các ứng dụng công nghệ số để người dân tương tác trực tiếp với chính quyền. Ninh Bình có thể học hỏi và xây dựng các phần mềm như vậy và đưa thêm các tính năng có thể giải được các yêu cầu, bài toán của mình. “Tỉnh có thể xây dựng một ứng dụng để cho người dân có thể tương tác hai chiều, nhưng nó phải xuất phát và giải được bài toán cụ thể của địa phương. Doanh nghiệp có thể giúp triển khai, nhưng địa phương cần xem các tính năng có đáp ứng được nhu cầu người dân hay không. Quan trọng là phải thúc đẩy người dân sử dụng ứng dụng này", Bộ trưởng nói.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh chia sẻ: “Các gợi mở của Bộ trưởng đã giúp tỉnh Ninh Bình có tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới”.
Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, để thực hiện chuyển đổi số thành công phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, cần nhất để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tốt hơn. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ TT&TT trong công tác quản lý cán bộ, tạo nền tảng số để tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với Đảng và chính quyền; tạo sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thành – bại của chuyển đổi số địa phương phụ thuộc vào người đứng đầu
Thời ứng dụng CNTT và chuyển đổi số có rất nhiều điểm khác biệt căn bản. Do đó, khi tiếp cận với chuyển đổi số thì cần tư duy khác đi. “Đừng tư duy theo hướng CNTT mà cần tư duy khác đi, đó là phải giải bài toán của mình bằng công nghệ số. Nếu viết phần mềm chuyển đổi số nhưng người dân không dùng thì đó là vô nghĩa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Vai trò của người đứng đầu địa phương trong thời chuyển đổi số cũng cần được các địa phương nhận thức lại. “Chuyển đổi số là sự thay đổi, ở đây là thay đổi cơ chế hoạt động. Đã là việc mới, không nằm trong quy định thì việc phải đẩy lên cấp trên. Tôi mong muốn anh em mình nhận thức đúng rằng câu chuyện chuyển đổi số của tỉnh là việc của những người đứng đầu”.
Thời ứng dụng CNTT thường chú trọng đến vai trò của Giám đốc CNTT, ở các địa phương là Giám đốc sở TT&TT – những người có chuyên môn phụ trách lĩnh vực này. Nhưng bước sang thời chuyển đổi số, người đứng đầu sẽ có vai trò quyết định và quan trọng nhất vì chuyển đổi số là phá hủy đi cái cũ để tạo ra giá trị.
Chuyển đổi số phải bắt đầu từ lãnh đạo tỉnh. Các lãnh đạo sở, ngành phải tuân thủ theo các quy định cũ. Người có thể thay đổi cơ chế, hệ thống chỉ có thể là người đứng đầu địa phương. “Công cuộc chuyển đổi số của tỉnh tập trung vào 2 người là Bí thư, Chủ tịch tỉnh. Thành hay bại là ở hai người này. Đó là việc phải chỉ ra và tháo gỡ thể chế. Phải thay đổi thể chế như thế nào để chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Đây là điểm khác biệt, là kinh nghiệm rất lớn của chuyển đổi số”, Bộ trưởng Bộ TT&TT chốt lại.
Duy Vũ