Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn ngành tư pháp, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến… giảm thời gian đi lại, chi phí thực hiện, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Sở Tư pháp chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn ngành, ban hành các chính sách về CNTT, xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT vào hoạt động hằng năm.

Bên cạnh những ứng dụng, phần mềm phổ biến được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thống nhất áp dụng như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice, địa chỉ thư điện tử công vụ, thực hiện giải quyết hồ sơ, TTHC trên phần mềm cổng DVC của tỉnh liên thông với cổng DVC quốc gia…

Triển khai một số phần mềm thuộc lĩnh vực tư pháp như hộ tịch, lý lịch tư pháp (LLTP), hoạt động trợ giúp pháp lý, đấu giá, công chứng. Việc thực hiện các phần mềm ngày càng ổn định và phát huy hiệu quả tích cực. 

Hạ tầng, trang thiết bị CNTT tại các phòng chuyên môn, các đơn vị được quan tâm đầu tư nhằm phục vụ tốt quá trình chuyển đổi số và công tác quản lý Nhà nước. Việc ứng dụng chữ ký số, sử dụng hộp thư điện tử công vụ được Sở chú trọng, chỉ đạo thực hiện trong toàn cơ quan, đơn vị.

Hệ thống hội nghị trực tuyến được lắp đặt và triển khai thực hiện ổn định. Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) toàn ngành khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice, 100% văn bản đi, đến (trừ văn bản mật) được gửi trên môi trường điện tử, trên 90% hồ sơ công việc được xử lý trực tuyến, 100% trao đổi văn bản điện tử (có ký số) giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên phần mềm, 100% sử dụng chữ ký số trao đổi văn bản điện tử của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng.

Đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức an toàn thông tin mạng cho CBCCVC về các lỗ hổng bảo mật, tác hại của các phần mềm mã độc. 

Sở tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, các địa phương tận dụng ưu thế của Internet, mạng xã hội để triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên một cách thiết thực, hiệu quả.

Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp có địa chỉ https://sotuphap.caobang.gov.vn/ được quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin hoạt động của ngành; đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; thông tin, tuyên truyền các nội dung pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tin hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật… để tuyên truyền kịp thời, rộng rãi đến CBCCVC và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn tỉnh, thu hút hàng nghìn lượt truy cập.

Xây dựng, tạo lập chuyên mục “Chuyển đổi số”, đăng tải các nội dung tuyên truyền chuyển đổi số trên Trang thông tin điện tử. Đồng thời, duy trì hệ thống phản ánh kiến nghị, thường xuyên cập nhật và kịp thời trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền.

Tạo thuận lợi cho người dân

Ngành tư pháp có 2 phần mềm liên quan trực tiếp trong giải quyết TTHC là hệ thống quản lý hộ tịch và LLTP do Bộ Tư pháp quản lý. Hiện nay, 2 phần mềm này kết nối với Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC của tỉnh và hệ thống một cửa của tỉnh.

Từ năm 2010, Sở Tư pháp chính thức đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) LLTP dùng chung của Bộ Tư pháp để xây dựng CSDL LLTP và cấp phiếu LLTP tại địa phương; chuẩn hóa thông tin LLTP, cung cấp tiện ích hỗ trợ trong việc tiếp nhận, thu thập, xử lý thông tin LLTP. 

Đến nay, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp đã được đơn giản hóa. Sở có 133 TTHC, trong đó, 119 TTHC được cung cấp DVC trực tuyến (93 TTHC được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình, 26 TTHC được cung cấp DVC trực tuyến một phần); 14 TTHC hồ sơ được tiếp nhận trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính.

Các TTHC trong lĩnh vực LLTP và lĩnh vực hộ tịch sau khi tiếp nhận trên Cổng DVC/Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, hồ sơ sẽ được chuyển về hệ thống quản lý LLTP dùng chung và hệ thống thông tin quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp (gọi tắt phần mềm đăng ký hộ tịch) để cán bộ, công chức xử lý hồ sơ.

Sau khi có kết quả cán bộ, công chức in bản giấy trả kết quả cho người dân và chuyển bản điện tử cho bộ phận tiếp nhận một cửa để số hóa hồ sơ giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, phục vụ việc tạo CSDL quốc gia về dân cư.

Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn người dân kê khai phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn người dân kê khai phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Nhờ ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ công dân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp DVC trực tuyến giúp giảm thời gian đi lại, giảm giấy tờ và chi phí thực hiện của tổ chức, công dân; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn cao.

Giám đốc Sở Tư pháp Bàn Thanh Hiền cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục rà soát, duy tu, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT trong hoạt động tại đơn vị, đảm bảo vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả các ứng dụng phần mềm đã triển khai; quan tâm, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao kiến thức, trình độ CNTT cho đội ngũ CBCCVC toàn ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số và công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; nâng cao hiệu quả thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những hiệu quả, lợi ích mang lại khi sử dụng DVC trực tuyến để người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện…

Qua đó, nâng cao chất lượng thực hiện các nội dung cải cách hành chính, nhiệm vụ chuyển đổi số, hướng tới xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh. 

Theo Lam Giang (Báo Cao Bằng)