Năm 2023 được chọn là năm dữ liệu số quốc gia với mục tiêu phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Để khai thác dữ liệu số hiệu quả, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cùng người dân trong tỉnh đã sáng tạo và linh hoạt trong quản lý dữ liệu, tích cực khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sáng tạo, linh hoạt trong chuyển đổi số
Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình là đơn vị y tế đầu tiên trong tỉnh áp dụng phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt với quyết tâm cải tiến thủ tục khám chữa bệnh nhằm mang lại sự an toàn, giảm chờ đợi cho người bệnh và giảm áp lực công việc cho cán bộ, nhân viên.
Từ tháng 9/2022, đơn vị triển khai thí điểm, đến nay, sau hơn 1 năm, cán bộ, nhân viên, đặc biệt là người bệnh đến khám và điều trị rất phấn khởi vì sự tiện lợi. Chỉ cần sử dụng 1 thẻ khám chữa bệnh thông minh giống như thẻ ngân hàng là người bệnh có thể thanh toán tất cả các dịch vụ trong bệnh viện; có thể đặt lịch khám bệnh, kiểm tra hồ sơ bệnh án, trả kết quả ngay trên điện thoại.
Từ khi triển khai đến nay, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình đã phát hành được 4.544 thẻ, số tiền thu qua thẻ khoảng 170 triệu đồng.
Ông Bùi Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Việc khám và điều trị tại Bệnh viện hiện nay chủ yếu ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng trong chuyển đổi số (CĐS), nhờ đó đã khai thác tối đa dữ liệu số trong hoạt động khám chữa bệnh.
Hiện tại, cùng với ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình đang triển khai hệ thống bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, bác sĩ đi buồng bệnh dùng máy tính bảng chỉ định các y lệnh trực tiếp thay cho cầm bệnh án giấy... Đây có thể coi là bước đột phá trong khám và điều trị của Bệnh viện.
Người bệnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Thái Bình.
Với các doanh nghiệp (DN), CĐS đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động. Để trở thành DN số và tận dụng được những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các DN trong tỉnh không ngừng đổi mới và sáng tạo.
Tại Chi nhánh Công ty TNHH Bao bì Hương Sen (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh), để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Công ty không ngừng đổi mới phương pháp quản lý và đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Bá Ngọc Trượng, Giám đốc sản xuất của Công ty, hiện tại hầu hết các công đoạn trong Công ty đều tự động hóa bằng máy móc hiện đại, lao động thủ công dần được thay thế bằng máy móc giúp DN giảm nhân công, cạnh tranh được về giá thành, giảm chi phí, nâng cao năng suất.
Chẳng hạn, tại bộ phận dệt của Công ty, trước đây nếu sản xuất 10.000 hàng cần 5 lao động. Hiện nay, với máy móc hỗ trợ chỉ 1 lao động lành nghề có thể đảm nhiệm, qua đó tiết kiệm gần 400 triệu đồng/năm chi phí nhân công.
Công ty đang triển khai quản lý dữ liệu bằng phần mềm thay vì nhập dữ liệu bằng phương pháp thủ công, giảm hao phí phát sinh, qua đó mang lại lợi nhuận tối đa cho DN.
Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị
Chủ đề của ngày CĐS quốc gia năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Về chủ đề này, tại hội nghị tổng kết công tác CĐS quốc gia năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: Sự khác biệt căn bản của CĐS chính là tạo và khai thác dữ liệu để sinh ra giá trị mới.
Năm 2023 là dữ liệu số sẽ tập trung vào các vấn đề gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, đồng thời cần quan tâm đến an toàn dữ liệu.
Chi nhánh Công ty TNHH Bao bì Hương Sen (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh) đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tại Thái Bình, từ khi thực hiện chương trình CĐS quốc gia, việc tạo lập, kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu giữa các cơ quan của tỉnh, huyện và các địa phương được triển khai đồng bộ, tạo tiền đề thúc đẩy CĐS nhanh trên cả 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Theo tổng hợp của Sở Thông tin và Truyền thông, trong lĩnh vực chính quyền số, tính đến tháng 9/2023 mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% sở, ban, ngành thuộc tỉnh, 100% UBND cấp huyện và cấp xã; 51,72% người dân có danh tính số/tài khoản định danh điện tử. Toàn tỉnh có 817.250 người sử dụng thẻ căn cước công dân đi khám chữa bệnh; có 835.987 lượt sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong hoạt động kinh tế số, đã hỗ trợ 11 DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng website; hỗ trợ 5 DN quảng bá thông tin, hình ảnh, sản phẩm trên website uy tín của Bộ Công Thương; hỗ trợ 18 DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; hỗ trợ 3 đơn vị ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh, 3 DN, hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và nước ngoài.
Hoạt động xã hội số đã xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 97%; đã nhập được 1.567 sổ dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: Việc khai thác tốt dữ liệu số mang lại hiệu quả rất lớn, góp phần tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố tập trung truyên truyền về CĐS nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức và DN về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của CĐS, coi CĐS là nền tảng phát triển trong mọi lĩnh vực.
Bên cạnh đó, không ngừng thúc đẩy phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt hơn người dân và DN.
Theo Nguyễn Cường (Báo Thái Bình)