Tin dữ tương tự như đoàn tàu hỏa vậy, bao giờ cũng đến cả dãy một lúc. Đối với Konami, nó được bắt đầu với những tin đồn về sự ra đi của nhà sản xuất nổi tiếng Kojima Hideo, người mà có vẻ như sẽ “đường ai nấy đi” với Konami sau khi Metal Gear Solid V được phát hành. Tiếp theo là thông tin rằng hợp đồng ràng buộc đạo diễn Guillermo del Toro và diễn viên Norman Reedus với kế hoạch đầy tham vọng đưa Silent Hills (tựa game del Toro làm việc cùng Kojima) trở lại của công ty đã bị cắt bỏ, như vậy dự án này dường như đã bị khai tử trong im lặng. Cuối cùng, công ty đã rút khỏi sàn chứng khoán New York, một hành động đầy hoang mang xung quanh những sự kiện rùm beng về Kojima, MGS và Silent Hills.
Rốt cuộc là đang có chuyện gì xảy ra vậy? Konami là một trong những công ty tiên phong của ngành game console Nhật Bản, được sáng lập vào cuối thập niên 60 của thế kỷ 20 dưới vai trò là một công ty sản xuất “hộp nhạc”, danh tiếng của Konami đi lên với tư cách một trong những công ty hàng đầu thế giới về game arcade vào thập niên 80, với sự phát hành của NES năm 1985, trở thành một trong những nhà phát triển bên thứ 3 thành công nhất cho console của Nintendo.
Kể từ đó có được vị trí phát hành bên thứ 3 vững chắc trên thế giới, với những tựa game đình đám như Metal Gear Solid, Silent Hill và Pro Evolution Soccer/ Winning Eleven mang lại thành công cả trong nước và quốc tế - điều mà vẫn thường lảng tránh các công ty hàng đầu của Nhật Bản. Trụ sở của Konami được đặt tại một trong những tòa tháp hiện đại nhất ở khu vực thị trường cao cấp của Nhật Bản, Tokyo Midtown; có một cửa hàng dưới tầng hầm tràn ngập đồ lưu niệm về game, nơi đã trở thành điểm dừng quen thuộc cho các tín đồ game khi đi tham quan Tokyo.
Làm thế nào mà một công ty lừng lẫy như thế lại kết thúc từ bỏ sàn chứng khoán New York, nhà phát triển nổi tiếng nhất và sự trở lại đầy kỳ vọng của tựa game được yêu thích nhất của họ, chỉ trong khoảng thời gian chóng vánh 1 tháng? Trả lời ngắn gọn thì rất đơn giản, đó là điều xảy ra khi một nhà phát hành console không còn thấy việc kinh doanh này xứng đáng với thời gian và sự đầu tư của họ. Sau 30 năm trong ngành console (Konami bắt đầu phát hành trên NES năm 1985), những tin xấu xung quanh Konami trong tháng này là hệ quả của việc họ đang rút ra khỏi ngành công nghiệp đã làm nên tên tuổi của mình – và điều đó đã gây ra nhiều chuyện không mấy tốt đẹp.
Tuy nhiên, trước khi đi vào những chuyện đó, hãy xem xét một thông tin của Konami mà không liên quan trực tiếp đến quá trình chuyển đổi kinh doanh đang diễn ra của công ty – việc xóa tên khỏi danh sách trên sàn chứng khoán New York. Mặc dù việc loại bỏ cổ phần của Konami khỏi sàn giao dịch có vẻ như là một tin lớn , thực tế nó chỉ là một thay đổi kỹ thuật tương đối nhỏ. Sàn giao dịch chính của Konami, không mấy ngạc nhiên, chính là sàn chứng khoán Tokyo, cho tới bây giờ, công ty vẫn xuất hiện trên danh sách giao dịch tại London và New York. Trong năm vừa qua, hơn 97% giao dịch cổ phần của Konami diễn ra ở Tokyo, hơn 2% ở London và chỉ 0,3% là ở New York. Vậy nên không có lý do gì để tốn tiền hỗ trợ một lượng giao dịch nhỏ như vậy ở New York. Cổ phần của Konami vẫn được duy trì lưu động ở Tokyo và London, vậy nên việc rút khỏi sàn chứng khoán New York không phải là một hành động nhằm duy trì bảo mật của công ty hoặc che đậy trước những tin xấu gần đây.
Bỏ qua câu chuyện về sàn chứng khoán New York, hãy nhìn vào những vấn đề thực sự đáng quan tâm – sự ra đi của ông Kojima và việc khai tử đề án Silent Hills. Bề ngoài, đây có vẻ như là một thay đổi vô cùng đột ngột trong chính sách của Konami, tuy nhiên thực tế là không phải như vậy. Konami đã dần giảm thiểu sự đầu tư của họ vào việc phát triển console trong vòng ít nhất là 5 năm trở lại đây. Hãy nhìn vào bảng thông báo tài chính công khai của Konami từ năm 2010 dưới đây.
Điều bạn thấy ở đây là phần trăm thị phần mà từng đơn vị kinh doanh của Konami đóng góp vào tổng lợi nhuận của công ty. Thanh màu xanh lá cây ở giữa là việc kinh doanh các câu lạc bộ fitness của Konami ở Nhật Bản – một mạng lưới rộng lớn các phòng gym, câu lạc bộ fitness và trung tâm thể thao, giờ đây chiếm khoảng 35% tổng lợi nhuận của công ty. Thanh đỏ và da cam ở trên là “Game & Hệ thống” (thực sự có nghĩa là hệ thống các máy đánh cờ bạc và casino, chứ không phải video game) và Pachinko. Sẽ là hợp lý nếu kết hợp hai thứ đó vào một hạng mục (Konami đã không làm điều này, bởi lẽ sẽ là hơi thật thà quá nếu xét tới bản chất cờ bạc của pachinko, khi cờ bạc là phạm pháp ở Nhật Bản), như vậy sẽ cho bạn một hạng mục duy nhất có sự tăng trưởng ổn định và chiếm hơn 20% tổng lợi nhuận của công ty.
Cuối cùng là mảng “Giải trí Kỹ thuật số” màu xanh lam lớn ở dưới đáy. Trong năm 2014, lần đầu tiên mảng này chiếm ít hơn nửa lợi nhuận của Konami. Còn trong dự tính 9 tháng đầu năm kinh tế hiện tại của năm 2015, con số này chỉ còn là 43,6%, giảm đều trong một khoảng thời gian dài; trong khi chỉ mới năm 2009, nó vẫn còn tới hơn 60% lợi nhuận của Konami đến từ “Giải trí Kỹ thuật số”.
Tuy nhiên, 43% vẫn là con số thành phần lớn nhất trong công việc kinh doanh của Konami; kể cả nó có đi xuống, thực chất Konami vẫn là một công ty video game, đúng không? Về cơ bản điều này là chính xác – nhưng như vậy là bỏ qua thực tế rằng những gì cấu thành nên mảng xanh to đùng trên đã thay đổi mạnh mẽ qua nhiều năm. “Giải trí Kỹ thuật số” là một mớ hỗn độn lớn mọi công việc kinh doanh video game của Konami; game console, đúng vậy, nhưng ngoài ra còn có cả game arcade, game mobile, game xã hội,…
Đọc những báo cáo tài chính của Konami từ năm 2010, một điều rõ ràng là mảng game mobile và game xã hội đã phát triển mạnh mẽ, đều đặn qua từng năm. Những báo cáo tài chính gần đây nhất của công ty nhấn mạnh thành công của những game như Professional Baseball Dream Nine, Dragon Collection và CROWS X WORST – tất cả đều là những tựa game mobile thành công trong thị trường Nhật Bản – và một số tựa mobile có được thành công ngoài quốc tế như PES Manager hay Star Wars: Force Collection.
Mặc dù các game mobile và xã hội của Konami tiếp tục thành công (như game bài Yu-Gi-Oh!, cũng thuộc mảng “Giải trí Kỹ thuật số”), lợi nhuận tổng quan từ “Giải trí Kỹ thuật số” vẫn tiếp tục giảm – cả xét riêng về lượng tiền yên lẫn về phầm trăm đóng góp vào tổng lợi nhuận của công ty. Sụt giảm về doanh số game arcade chắc chắn là một phần lý do của sự đi xuống này; nhưng bên cạnh đó lợi nhuận từ game console cũng giảm rõ rệt khiến cho mảng game mobile dù vẫn tiếp tục phát triển cũng không thể kéo lại được.
Không có gì là bất ngờ với sự giảm sút của doanh số phần mềm console nếu như nhìn vào lịch phát hành của Konami. Điều này có thể ít người nhận ra, song Konami gần như không phát hành một game console nào nữa. Nhìn vào lịch phát hành quốc tế năm 2012, Konami tung ra gần nửa tá tựa game console, bao gồm cả những bản làm lại HD của Silent Hill hay Zone of the Enders, bên cạnh đó có cả một số tựa game bản mới của Silent Hill, Pro Evolution Soccer, game phát triển ngoại từ Rebellion của Anh Quốc (NeverDead) và Gaijin Entertainment của Nga (Birds of Steel, Blades of Time).
Năm 2013, Konami phát hành 2 game là Metal Gear Rising: Revengeance và Pro Evolution Soccer 2014. Năm 2014, cũng chỉ có 2 game được tung ra (một PES nữa và Castlevania: Lords of ShadowII) và một bản demo của MGSV. Kể cả thêm vào những game chỉ phát hành ở Nhật Bản, tình hình cũng không khá khẩm hơn là mấy; từ 1 đến 2 game bóng chày hàng năm, thế là hết. Cho tới thời điểm này của năm 2015, Konami không phát hành bất cứ một thứ gì trên toàn thế giới; trên thế hệ console mới cũng chỉ có Pro Evolution Soccer là game duy nhất được phát hành đầy đủ.
Từ bảng báo cáo tài chính và lịch trình phát hành của Konami, có thể thấy rõ ràng rằng trọng tâm và tình cảm của công ty đã không còn được đặt vào game console nữa. Giờ đây khu vực phát triển mạnh nhất của công ty là các máy đánh bạc và phần mềm casino; phần lợi nhuận ổn định nhất đến từ các câu lạc bộ fitness; thành công nhất trong mảng giải trí kỹ thuật số là game mobile. Trong bối cảnh này, một tựa game console “bom tấn” như Metal Gear Solid V (hay Silent Hills) không còn là trụ cột chống đỡ cho cả công ty nữa, mà giống như những “tàn dư” từ thời đại trước của Konami. Vậy nên cũng dễ hiểu khi Kojima bỏ đi khi ông nhận thấy không còn có tương lai ở đây nữa, Konami không còn là công ty mà ông thành lập studio Kojima Productions của mình nữa.
Konami vẫn sở hữu những IP tốt nhất trong ngành; Metal Gear Solid, Silent Hill và Castlevania đều là những tựa game tuyệt vời, và một vài game arcade lâu đời của công ty đã trở thành những biểu tượng game được biết đến nhiều nhất. Ngoài ra còn có các game thể thao chất lượng như Pro Evolution Soccer và Power Pro Baseball, có liên hệ mật thiết với các tựa game mobile và game xã hội, chúng là nền tảng cho thành công của những tựa game sau này. Các nhà điều hành của Konami chắc chắn ý thức được rõ giá trị của những tựa game và IP của họ, vậy nên dù có rút khỏi mảng game console, chúng cũng sẽ chưa bị “chôn” ngay. Khả năng cao là công ty sẽ bán chúng cho các nhà phát hành khác, với mục đích thu về khoản lợi nhuận tối đa có thể mà không phải trực tiếp tham gia vào công việc tốn kém, phức tạp, khó khăn để phát triển và phát hành các game console “bom tấn” nữa.
Mặc dù chưa chính thức công bố rút khỏi mảng game console, song không thể có chuyện sự đi xuống của công ty trong mảng này là do “sơ suất”. Đây là một sự rút lui có chủ ý và đã được lên kế hoạch, dù công ty có giữ lại mảng game console thể thao hay không vẫn chưa chắc chắn, song khá rõ ràng là Konami đã rút khỏi cuộc chơi với vị thế là một nhà phát hành console AAA hàng đầu.
Theo Trí Thức Trẻ