Nghiên cứu của các chuyên gia từ Đại học RMIT cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong triển khai dự án về chính phủ điện tử trên thế giới chính là nguồn nhân lực (Ảnh minh họa: RMIT Việt Nam) |
Thông tin từ Đại học RMIT Việt Nam cho hay, các chuyên gia nghiên cứu từ Đại học RMIT nhận định, dù được biết đến với lợi ích nâng cao năng suất, hiệu quả và tính minh bạch trong hệ thống quản trị công, số hóa lĩnh vực công tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức đặc thù có thể cản trở quá trình phát triển dự án.
Chính phủ điện tử (e-government) là việc ứng dụng CNTT và Truyền thông trong hệ thống công nhằm cải thiện tính hiệu quả và trải nghiệm người dùng với các dịch vụ công qua việc thay thế thủ tục hành chính trên giấy tờ bằng nền tảng số.
Theo các chuyên gia nghiên cứu của Đại học RMIT, dù chính quyền đã rất nỗ lực triển khai sáng kiến chính phủ điện tử như một khâu quan trọng trong kế hoạch xây dựng thành phố thông minh suốt hai thập kỷ vừa qua, việc duy trì hệ thống tại Việt Nam vẫn đầy thách thức.
Nghiên cứu của các chuyên gia từ Đại học RMIT cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong triển khai dự án về chính phủ điện tử trên thế giới chính là nguồn nhân lực. Các vấn đề nghiêm trọng như thiếu hụt nhân sự có kỹ năng và kiến thức, xung đột lợi ích, nhân viên phản đối thay đổi, cũng như cam kết của các bên liên quan trong thực hiện mục tiêu và tầm nhìn của tổ chức tác động tiêu cực lên quá trình phát triển dự án và kết quả thực tế.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế RMIT Việt Nam, chia sẻ hiểu biết của ông về chính phủ điện tử tại Việt Nam với các chuyên gia trong ngành và các chuyên gia quốc tế tại hội thảo quốc tế về Quản lý và lãnh đạo hiệu quả chính quyền lần thứ 6 (Ảnh RMIT Việt Nam cung cấp) |
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết: “Phát triển chính phủ điện tử và duy trì hệ thống này đòi hỏi sự hợp lực của cả nội bộ và các bên liên quan ngoài tổ chức, như lãnh đạo các cấp, thủ trưởng các cơ quan, chuyên viên công nghệ thông tin, nhân viên vận hành, người dân và doanh nghiệp”.
“Những vấn đề trong việc phát triển chính phủ điện tử được nêu trên rất dễ xảy ra tại Việt Nam. Nếu không đề xuất được những phương án hiệu quả, chính phủ điện tử Việt Nam sẽ khó lòng đi xa hơn”, Tiến sĩ Trung khuyến nghị.
Nghiên cứu về chính phủ điện tử do các chuyên gia nghiên cứu từ Đại học RMIT thực hiện gồm Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung; Phó giáo sư Robert McClelland; Giáo sư Mathew Nkhoma; Tiến sĩ Abbott Harron và giảng viên Đại học Monash Tiến sĩ Stephen Perryman. Nghiên cứu đã được trình bày và thảo luận cùng với các chuyên gia đầu ngành và đại diện các đại học khác tại hội thảo quốc tế về quản lý và lãnh đạo hiệu quả chính quyền được tại hội thảo Quốc tế về Quản lý và lãnh đạo hiệu quả chính quyền lần thứ 6.
Liên quan đến việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực, cuối năm ngoái, trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, Bộ TT&TT đã chính thức khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử. Chương trình nhằm trang bị cho các học viên kiến thức chuyên sâu về CNTT, những bài học hay về triển khai Chính phủ điện tử trên thế giới và Việt Nam.
Chia sẻ tại lễ khởi động, đại diện Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) cho biết, lợi ích lớn nhất của chương trình đào tạo 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử là sẽ tạo thành một mạng lưới tham gia từ trung ương đến địa phương, để từ đó tương đương tri thức của 10.000 chuyên gia CNTT.