Lời tòa soạn: Để thúc đẩy chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, phát triển kinh tế số và hình thành các công dân số, việc phổ cập chữ ký số cá nhân là một nhiệm vụ quan trọng. Với mong muốn giúp độc giả biết về những lợi ích để từ đó chọn dùng chữ ký số khi chuyển hoạt động lên mạng, VietNamNet thực hiện tuyến bài “Làm gì để mỗi người dân có 1 chữ ký số?”
Miễn phí chỉ là cách khuyến khích sử dụng trong giai đoạn đầu
Ngày 18/5, cùng với việc công bố tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của tỉnh, Sở TT&TT Yên Bái cũng đã ký kết hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng để triển khai cung cấp miễn phí chứng thư số cho người dân Yên Bái.
Với gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho công dân được khai trương từ trung tuần tháng 4 tại số 2 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), từ nay đến cuối năm 2023, vào các dịp cuối tuần người dân Thủ đô và khách tham quan phố đi bộ hồ Gươm được giới thiệu về vai trò, lợi ích của chữ ký số trong giao dịch điện tử và được cấp miễn phí chữ ký số.
Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), dưới sự kêu gọi của Bộ TT&TT, thời gian qua, các CA công cộng đã có nhiều chính sách miễn, giảm giá dịch vụ như miễn phí dùng chữ ký số từ xa cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, để thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục và y tế, một số CA công cộng đã giảm giá dịch vụ cho bác sĩ, giáo viên, với mức giá khoảng 50.000 đồng/năm sử dụng. Ngoài ra, chữ ký số từ xa cũng đã được cung cấp theo các gói cước trả trước, ký theo lượt, gói cước ngắn hạn với giá chỉ từ 300 đồng/lần ký khi thực hiện các giao dịch trực tuyến khác.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ nhiệm, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cho rằng, việc cung cấp chữ ký số với giá hợp lý cho người dân là một yếu tố quan trọng, thậm chí có thể miễn phí trong giai đoạn đầu để khuyến khích sử dụng. Bên cạnh đó, các CA công cộng cũng đã xây dựng các gói cước thu phí theo lượt ký một cách hợp lý.
“Đa số các thành viên của Câu lạc bộ đều thống chủ trương này và đã đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trong thời gian qua để khuyến khích người dân đăng ký và sử dụng chữ ký số cá nhân”, ông Nguyễn Khơ Din chia sẻ thêm.
Chia sẻ quan điểm ở góc nhìn của chuyên gia viễn thông, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay, việc phổ cập dịch vụ Internet hay smartphone trước đây đã bắt đầu từ nhu cầu liên lạc cũng như các nhu cầu khác của người dân, và được cộng hưởng bởi sự sẵn sàng cùng giá dịch vụ phù hợp với chi tiêu của đại đa số người dân.
Tương tự, để phổ cập chữ ký số cá nhân, ông Vũ Thế Bình nhận định, việc "kích cung" thông qua miễn phí chữ ký số sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài. Điểm mấu chốt vẫn là các chính sách "kích cầu", tức là tạo thuận lợi cho người dân bằng cách phổ biến các dịch vụ trực tuyến, trong đó có các dịch vụ cần đến chữ ký số cá nhân.
Giải pháp nào để chữ ký số đến được với nhiều người dân?
Bàn về giải pháp để phổ cập chữ ký số cá nhân, là người đã nhiều năm gắn bó với lĩnh vực chữ ký số, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phân tích, các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng cho cá nhân đều đã sẵn sàng cung cấp hàng triệu chữ ký số theo yêu cầu.
Tuy nhiên, để chữ ký số có thể sử dụng được thì cần có những hệ thống chấp nhận chữ ký số đó, chẳng hạn hệ thống giao dịch cửa chứng khoán, hành chính, dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ, các địa phương. Tiếp đó, còn cần có sự đồng hành về mặt chính sách giống như trước đây triển khai dịch vụ khai thuế qua mạng, Tổng cục thuế có chính sách, có lộ trình và đến thời điểm nào chỉ nhận tờ khai điện tử và không nhận tờ khai giấy.
“Tương tự như vậy, để chữ ký số được phổ cập tới mọi người dân, tôi nghĩ rằng cần kết hợp nỗ lực của cả đơn vị cung cấp dịch vụ, chính sách của Nhà nước và sự đồng hành của các đơn vị xây dựng những hệ thống chấp nhận chữ ký số”, ông Ngô Tuấn Anh nêu quan điểm.
Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn cũng cho rằng, để chữ ký số phổ cập được tới mọi người thì cần phải làm đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý. Cần khuyến khích các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến các các tổ chức xã hội về việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử, dần tiến tới bắt buộc sử dụng trong mọi giao dịch điện tử.
Song song đó, các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cần đầu tư để phát triển và duy trì dịch vụ đảm bảo an toàn và uy tín với người dùng. Đặc biệt, cần có sự quyết tâm của các nhà phát triển, cung cấp sản phẩm CNTT để tích hợp một cách triệt để việc sử dụng chữ ký số trong các hoạt động nghiệp vụ trên phần mềm, dịch vụ. Ngoài ra, một yếu tố không kém phần quan trọng là cần nâng cao nhận thức và kỹ năng của người dân về lợi ích, cách thức và điều kiện sử dụng chữ ký số.
Một lần nữa nhấn mạnh rằng việc "kéo" ở phía nhu cầu tạo thuận tiện cho người dân tốt hơn là "đẩy" ở phía cung ứng chữ ký số, ông Vũ Thế Bình chia sẻ: "Khi có nhiều hơn dịch vụ được cung ứng hoàn toàn trực tuyến thay thế cho việc đến trực tiếp, và cần chữ ký số cá nhân, thì tự khắc nhu cầu sẽ tăng lên và người dân sẽ dùng".
Ông Vũ Thế Bình cũng đề xuất, trước tiên Nhà nước có thể thúc đẩy bằng cách đẩy mạnh các dịch vụ công hoàn toàn trực tuyến và thúc đẩy những dịch vụ cần đến chữ ký số cá nhân: “Đây là những hoạt động kích cầu hợp lý để người dân quan tâm và trang bị cho mình chữ ký số cá nhân”.