Sương mù thường xảy ra thường xuyên nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa đông. Sương mù dày đặc khiến việc lái xe gặp nhiều khó khăn do tầm nhìn bị cản trở. Vì vậy, làm thế nào để lái xe an toàn trong điều kiện này là điều mà các tài xế cần biết.

Dưới đây là 6 mẹo quan trọng giúp các tài xế lái xe an toàn trong điều kiện sương mù.

Sử dụng đèn sương mù

Hiện nay, đa số các dòng xe ô tô hiện đại đều đã trang bị đèn sương mù như là một tính năng tiêu chuẩn trên xe. Đèn sương mù được thiết kế để hỗ trợ tầm nhìn khi điều kiện thời tiết xấu, làm giảm khả năng quan sát đường phía trước của người lái.

den suong mu.jpg
Đèn sương mù có tác dụng tăng khả năng quan sát phía trước cho người lái. Ảnh minh họa 

Khác với hệ thống đèn chiếu sáng chính như pha/cos hay các loại đèn khác, đèn sương mù sẽ được bố trí ở vị trí thấp hơn ở phía đầu xe, gần với mặt đất. Nhờ đó, đèn sương mù phía trước có thể xuyên qua sương mù, mưa hoặc thậm chí bụi mà vẫn không gây chói cho các xe đi ngược chiều. 

Các chuyên gia ô tô đưa ra lời khuyên dành cho người lái xe là hãy học cách sử dụng đèn sương mù trong tình huống cần thiết. Tài xế có thể tìm thấy trên cần gạt phía sau vô lăng hoặc bên cạnh núm vặn mà họ thường dùng để bật tắt hệ thống đèn chiếu sáng thông thường.

Công tắc đèn sương mù phía trước thường được thể hiện bằng ký hiệu hình bóng đèn hướng sang trái, với các đường chỉ chéo xuống qua đường lượn sóng thẳng đứng. Trong khi đèn sương mù phía sau có đèn hướng theo hướng ngược lại, với các đường chỉ ngang thẳng qua đường lượn sóng.

Không sử dụng đèn pha

Đèn pha là đèn chiếu xa có cường độ ánh sáng mạnh và góc chiếu cao hơn, có tác dụng giúp người lái quan sát được chướng ngại vật từ xa. Do đó, không ít tài xe có suy nghĩ và thói quen bật đèn pha vì cho rằng đèn sáng hơn nên dễ quan sát hơn. 

bat den suong mu.jpg
Bật đèn pha khi đi trong sương mù còn gây tác dụng ngược với tài xế. Ảnh: omeWillem

Tuy nhiên, các chuyên gia ô tô lại đưa ra khuyến cáo rằng tài xế không nên sử dụng đèn pha khi lái xe trong điều kiện sương mù. Bởi khi sương mù dày đặc, ánh sáng của đèn pha sẽ không thể lọt qua được mà sẽ bị phản xạ ngược lại. Vì vậy, thay vì cải thiện, điều này có thể phản tác dụng trong việc tăng tầm nhìn. 

Bật điều hòa và chế độ khử sương mờ trên kính lái

Lời khuyên thứ 3 của các chuyên gia ô tô là đảm bảo chế độ điều hòa của xe được bật và thiết lập chế độ khử sương trên kính chắn gió. Lý do là bởi trời sương mù sẽ khiến nhiệt độ ngoài trời và trong xe chênh lệch với nhau, gây ra hiện tượng kính lái bị mờ.

Vi tri nut say kinh o to.jpg
Biểu tượng sấy kính lái ở khu vực điều hòa. Ảnh: THC

Điều quan trọng là phải lau sạch kính chắn gió trước khi khởi hành, sau đó hãy bật điều hòa ở nhiệt độ lạnh rồi từ từ tăng nhiệt độ khi không khí trong xe khô dần. Việc bật chế độ khử sương sẽ giúp luồng khí điều hòa thổi vào kính chắn gió và kính bên, từ đó hơi nước được bay hết và không ngưng tụ lại trên kính. 

Hạ cửa sổ xuống ở các giao lộ

Lời khuyên thứ 4 là hãy hạ cửa sổ xuống khi đến các ngã tư đường nếu tầm nhìn bị hạn chế. Khi sương mù cản trở tầm nhìn từ bên trong xe, việc hạ cửa sổ xuống có thể giúp tài xế di chuyển qua các ngã tư hoặc giao lộ một cách an toàn. Bằng cách giảm tốc độ, bạn có thể lắng nghe tiếng của các phương tiện giao thông đang tới gần để giúp ngăn ngừa mọi tai nạn.

Tránh phanh gấp, chuyển hướng đột ngột

Lời khuyên thứ 5 là khi lái xe ở trong đường sương mù, tài xế hạn chế phanh gấp và chuyển hướng đột ngột để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cho những người xung quanh. Việc này cũng đồng thời giúp các tài xế khác dễ dàng xử lý kịp thời, tránh gây ra các sự cố, rủi ro do va chạm giao thông gây ra.

Thực hiện theo quy tắc 2 giây

Cuối cùng, khi lái xe trong điều kiện khó khăn với tầm nhìn hạn chê, các chuyên gia ô tô đưa ra khuyến cáo người lái xe tuân thủ quy tắc 2 giây. Hai giây là thời gian đủ để người lái thấy xe trước thắng gấp, sau đó đạp phanh hoặc đánh lái để tránh. 

lai xe suong mu.webp
Luôn giữ khoảng cách an toàn khi lái xe trong điều kiện sương mù. Ảnh: The Sun

Để áp dụng quy tắc này, người lái phải cho xe phía trước đi qua một vật cố định như cột đèn hoặc biển báo đường rồi đếm đến 2 giây. Quy tắc này chủ yếu dành cho tài xế có độ tập trung cao. Nếu không, tài xế phải sử dụng quy tắc 4 giây để tăng thêm độ an toàn với phương tiện đi trước. 

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!