Khi nhớ về chuyến bay định mệnh năm 2020, ông Masud, một lãnh đạo ngân hàng có tiếng ở Pakistan, tin đã có những điềm báo và quyết định đổi chỗ ngồi trên máy bay đã giúp ông thoát chết kỳ diệu trong tai nạn hàng không cách đây hơn 3 năm.
Ông Masud chỉ mới nắm quyền lãnh đạo Ngân hàng Punjab vài tuần trước thảm kịch, sau những thành tích ấn tượng ở American Express, Citibank, Barclays và những ngân hàng khác. Doanh nhân này được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Punjab giữa lúc Pakistan đang áp đợt phong tỏa đầu tiên nhằm phòng chống đại dịch Covid-19.
Ông Masud từng cố gắng điều hành ngân hàng bằng các cuộc họp qua video trực tuyến từ nhà riêng ở Karachi. Tuy nhiên, ông sau đó vẫn phải bay tới Lahore để trực tiếp điều hành ngân hàng và cuối tháng 5 dự kiến bay về nhà ở Karachi dịp nghỉ lễ Eid vào cuối tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.
Vào sáng ngày 22/5/2020, lẽ ra ông Masud phải đáp chuyến bay sớm, nhưng do có thói quen dậy muộn nên ông đã đổi vé của mình sang chuyến bay muộn hơn, vốn là chuyến bay bổ sung để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao dịp lễ Eid.
Trợ lý mới không biết ông Masud thích ngồi ở cạnh lối đi trên máy bay, nên đã đặt chỗ cho ông cạnh cửa sổ. Song, ông Masud đã yêu cầu người này đổi lại chỗ ngồi sang ghế 1C theo đúng sở thích của mình.
Thủ tục lên máy bay và cất cánh diễn ra ngay sau 13h chiều và nhanh chóng một cách khác thường. “Mọi thứ dường như vội vàng hoặc đúng giờ, như thể có điều gì đó sắp xảy ra”, ông Masud nhớ lại.
Trên máy bay, nhà lãnh đạo ngân hàng vẫn làm việc và không thấy có gì bất thường cho đến khi máy bay tới điểm hạ cánh ở Karachi. Thay vì đáp xuống, chiếc Airbus A320 của hãng hàng không quốc gia Pakistan (PIA) đã đập mạnh vào đường băng 3 lần và cất cánh trở lại để tìm cách tiếp đất lần nữa.
Hiện trường rơi máy bay chở khách Airbus A320 của hãng PIA vào ngày 22/5/2020. Ảnh: AP
Song, máy bay rốt cuộc rơi xuống một khu dân cư gần đó, khiến 97 hành khách và thành viên phi hành đoàn cùng một người dưới mặt đất thiệt mạng. Ông Masud là một trong 2 người duy nhất có mặt trên chuyến bay xấu số đã may mắn thoát chết.
Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy, máy bay đã hạ cánh nhanh và dốc bất thường, nhiều khả năng do các phi công đang bị phân tâm vì cuộc thảo luận về Covid-19. Các điều tra viên cũng phát hiện, tổ lái đã hạ thấp càng hạ cánh khi còn 16km trước khi tiếp đất, nhưng không hiểu vì lí do gì lại nâng bộ phận này lên khi chỉ còn khoảng 8km nữa. Những va chạm mà hành khách cảm nhận được là do phần động cơ máy bay bị chà sát vào đường băng lúc hạ cánh không thành công.
Ông Masud chia sẻ với tờ Telegraph rằng, ông từng không quá lo lắng cho đến khi nhận thấy phản ứng của các tiếp viên hàng không ngồi gần mình. Họ đang khóc và cầu nguyện.
Các phi công đã cố gắng đưa máy bay quay lại, nhưng cú va chạm với mặt đất đã làm động cơ hư hại nghiêm trọng và chúng ngừng hoạt động khi máy bay quay đầu. Ông Masud kể, vào thời điểm đó, cửa buồng lái bật mở và ông có thể thấy máy bay sẽ không thể vượt qua sự cố.
"Đó là lúc tôi nhận ra máy bay đang tăng tốc. Tôi nhận thấy mọi chuyện giờ đã kết thúc. Chuyến bay sẽ không thể qua khỏi. Mọi chuyện đã an bài”, vị lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Ông Masud tiết lộ, bản thân không theo các nghi lễ tôn giáo nhưng có niềm tin tâm linh mạnh mẽ và thường nói chuyện một mình. “Tôi than thở với Chúa trời kết cục bi thảm. Nhưng bằng cách nào đó, tôi nhận được phản hồi của Người rằng, tôi rồi sẽ ổn và sẽ sống sót”, ông Masud nói.
Ông Masud (phải) thời điểm được cứu và đưa ra khỏi hiện trường vụ rơi máy bay ngày 22/5/2020. Ảnh: NTV/UNPIXS
Thực tế, ông Masud đã ngất đi trước khi máy bay lao xuống khu dân cư ở Karachi. Doanh nhân này tin, ông đã sống sót nhờ ghế của mình bị bắn văng ra khỏi máy bay trong lúc va chạm. Ông Masud và chiếc ghế dường như đã va vào một tòa nhà 3 tầng trước khi rơi xuống capô của một chiếc xe hơi dưới mặt đất. Ba người ở trong xe đã giúp cứu sống ông.
Ông Masud được đưa ra khỏi hiện trường tai nạn với một cánh tay bị gãy và các dây chằng đầu gối bị đứt. Theo ông, việc ngất xỉu đã giúp bản thân tránh được sang chấn tâm lý vì tai nạn. Song, ông phải chịu đựng cảm giác tội lỗi dày vò, vì ý nghĩ mình vẫn còn sống trong khi những người khác thì không.
Ông Masud ban đầu từng tránh gặp mặt gia đình của các nạn nhân và người sống sót còn lại trong chuyến bay. Tuy nhiên, về sau, trong lúc dưỡng bệnh, ông tự hứa với bản thân sẽ hồi phục và một trong những việc cần làm là bay trở lại. Ông quyết định di chuyển bằng máy bay của cùng hãng hàng không, trên cùng một tuyến đường và lại ngồi ghế 1C như chuyến đi định mệnh. Ông đã bay hàng chục lần kể từ đó.
Những trải nghiệm khó quên cũng thôi thúc ông Masud thành lập một quỹ giúp nâng cao nhận thức về sự an toàn của hành khách và vận động cho các luật mới khi cần thiết.
Ông Masud trở lại làm việc tại ngân hàng, nhưng cho biết thảm kịch đã thay đổi cách nhìn của bản thân. Ngân hàng Punjab hiện chi nhiều hơn cho các lĩnh vực nghệ thuật và vị lãnh đạo ngân hàng này quả quyết, ông quan tâm nhiều hơn đến những việc tác động tích cực đến cuộc sống của mọi người. Ông tâm sự bản thân đang cố gắng làm thật nhiều việc tốt để cảm tạ việc mình đã “tai qua, nạn khỏi”.
>> Đọc chuyện lạ thế giới trên báo VietNamNet