Vượt gần 500km bằng xe máy để gặp bạn gái
Lê Đức Hùng (SN 1984, thôn Trung Tâm, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Bích Ngọc (SN 1987, Cẩm Khê, Phú Thọ) quen nhau qua mạng xã hội. Do bị câm điếc bẩm sinh nên cả 2 nhanh chóng trở nên gần gũi, cảm mến lẫn nhau. Hàng ngày, Hùng và Ngọc thường gọi video để nói chuyện bằng ngôn ngữ riêng của họ.
Một tháng sau, Hùng rủ bạn (cũng bị câm điếc) chạy xe máy ra Phú Thọ để gặp Ngọc. Quá trình di chuyển, có lúc quá mệt phải ghé lại bên đường nằm nghỉ, người trên xe, người dưới đất. Do chưa bao giờ đi xa, lại không thể hỏi đường nên cả 2 đã đi lạc lên tận Thái Nguyên.
Bà Phạm Thị Thanh (66 tuổi, mẹ đẻ Hùng) cho biết: “Sau khi ở Phú Thọ về, Hùng đưa ảnh Ngọc cho bố mẹ xem và ra hiệu thích cô gái này. Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ là đi chơi vậy thôi, xa xôi thế làm sao mà đến với nhau được”.
“Tết năm 2017, Hùng đòi đi nhà Ngọc và ở lại Phú Thọ đúng tròn 1 tháng. Thấy 2 đứa rất yêu thương, quý mến nhau nên chúng tôi xin phép đến nhà Ngọc đặt lễ và đón con trai về. Điều bất ngờ là Ngọc không chịu rời xa, mà đòi đi cùng. Trước sự cương quyết của Ngọc, người mẹ cũng xuôi lòng để con gái vào Hà Tĩnh chơi”, bà Thanh nhớ lại.
Cũng theo bà Thanh, ngày rước dâu, mặc dù vào mùa hè nhưng trời lại nổi giông bão, tốc mái rạp cưới, xô đổ nhiều cây cối chắn ngang lối vào. Ai cũng ái ngại cho số phận nhiều trắc trở của con trẻ, rất may bạn bè và bà con lối xóm không quản ngại mưa gió, đến tham dự và chúc phúc rất đông.
Dù cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả nhưng Hùng và Ngọc luôn yêu thương, quấn quýt bên nhau. Những lúc rỗi, Ngọc theo Hùng ra đồng bắt ốc, bắt cá, hay những hôm Hùng đi làm về muộn, Ngọc vẫn cứ chờ cơm. Từ tình yêu chân thành, Hùng và Ngọc đã viết nên câu chuyện tình đẹp giữa đời thường, khiến ai chứng kiến cũng rất cảm động.
Chồng thả lươn bắt cá, vợ may nón lá mưu sinh
Hạnh phúc vỡ oà khi 2 cậu con trai bình thường, khoẻ mạnh lần lượt ra đời. Nhưng cũng kể từ đó, lương hưu của bà giáo Thanh trở nên eo hẹp bởi phải chi phí nhiều thứ. Hiểu được khó khăn của mẹ, Hùng đã nhờ người làm gần 100 ống trúm để bắt lươn, kiếm thêm tiền mua bỉm sữa cho con.
Hàng ngày, sau khi dắt bò ra đồng, anh tranh thủ đào giun làm mồi thả trúm. Do tật nguyền, trí nhớ không thật tốt nên Hùng không dám đi xa, chỉ loanh quanh với mấy ao hồ, đồng ruộng gần nhà nên không được là bao. Lần nhiều nhất được vài kg lươn, còn lại chỉ được 3 - 4 lạng.
“Mặc dù Hùng rất siêng năng, chăm chỉ nhưng nhiều khi đi thả ống trúm rồi không nhớ vị trí để lấy về nên mất hết. Có hôm người quen đi làm nhặt được hàng chục cái, biết là của Hùng bỏ quên nên họ gọi cho mẹ đến lấy về”, bà Thanh nhớ lại.
Ngoài thả ống trúm lươn, đêm đêm anh lại soi đèn đi bắt ốc, bắt cá rồi gom lại nhờ mẹ đưa ra chợ bán. Thương con tật nguyền, đêm hôm mò mẫm kiếm sống, lòng bà Thanh như thắt lại.
Chia sẻ khó khăn với gia đình, nhờ biết làm nón lá từ nhỏ, Ngọc đã nói mẹ đẻ gửi khuôn và nan từ Phú Thọ vào rồi mua lá cọ về may nón để bán. Mỗi ngày Ngọc làm được một chiếc nón nhưng phải bắt đầu từ sáng sớm và đến tận khuya mới xong. Do lâu ngày không làm nên đường kim mũi chỉ còn thô, tuy nhiên, nón của Ngọc được làm rất cẩn thận, mũi chỉ dày, chắc chắn, dùng cả năm chưa hỏng.
Cứ vài ngày bà Thanh lại mang nón ra chợ bán, có hôm bán được, cũng có hôm phải mang về. Người quen biết, thương tình thì họ trả cho 100.000 đồng/nón, còn người lạ thì trả lên trả xuống, có khi chỉ bán được 70.000 đồng. Những hôm như thế, bà Thanh phải bù thêm 30.000 đồng nữa để đưa về cho các con vui.
Gần đây, biết được hoàn cảnh của vợ chồng Hùng, nhiều người thương tình mua giúp động viên nên làm được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Bình quân mỗi tháng Ngọc làm được khoảng 20 chiếc nón, bán được khoảng 1.500.000 đồng, trừ chi phí còn lại trên 1.000.000 đồng.
Hiện tại, vợ chồng Hùng được hưởng trợ cấp xã hội 540.000 đồng/người/tháng, cùng với hơn 3 triệu tiền lương hưu của mẹ nên cuộc sống hết sức khó khăn. Vì thế, mặc dù đã 66 tuổi nhưng bà Thanh vẫn phải làm thêm 3 sào ruộng để có thêm lương thực.
“Hiện tại mới 1 cháu đi học thì chúng tôi lo được. Từ năm học mới này cháu thứ 2 vào mẫu giáo thì không biết xoay xở vào đâu. Nói dại, nếu bà có mệnh hệ gì thì không biết ai chăm lo cho con cháu”, bà Thanh ngậm ngùi trong nước mắt.