Biến cố xô ngã cuộc đời giảng viên trẻ
Năm 2016, thạc sĩ Đặng Hoàng An (31 tuổi, Long An) đang giảng dạy ở Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Đó là một công việc mơ ước mà chàng trai tỉnh lẻ có được sau chuỗi ngày nỗ lực.
Hoàn cảnh gia đình vốn quá khó khăn, cho nên khi có công việc ổn định, anh An dốc hết tâm sức làm việc với hi vọng đỡ đần bố mẹ.
Ngay khi nhiệt huyết tuổi trẻ hừng hực, nam thạc sĩ gặp phải biến cố rơi lầu khiến đôi chân không thể đi lại.
Trong chương trình Gõ cửa thăm nhà, thạc sĩ Hoàng An kể lại vụ tai nạn một cách nghẹn ngào: “Thời điểm đó, nhà của cha mẹ tôi ở quê bị một người phụ nữ tâm thần thiêu rụi. Để làm chỗ dựa tinh thần cho cha mẹ, tôi làm việc ở TP.HCM nhưng vẫn tranh thủ về quê”.
Cứ sáng sớm, anh An chạy xe lên TP.HCM dạy học, đến chiều tối lại chạy về nhà ở Long An. Việc này khiến anh thiếu ngủ trong một khoảng thời gian dài. Sức khỏe yếu dần nhưng anh không hề hay biết.
Cùng lúc này, anh An phát hiện cơ thể có những vết bầm bất thường. Anh đến bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh tiểu cầu thấp.
Uống thuốc được 1 tháng, trong một lần về nhà trọ nghỉ trưa, anh An bị hạ canxi, ngất xỉu, rồi rơi tự do từ lầu 2 xuống đất. Các bạn cùng nhà trọ đều đi làm nên không ai phát hiện sự việc.
Đến chiều cùng ngày, anh An tự tỉnh dậy. Theo quán tính, anh đứng dậy, định trở lên lầu thì thấy chân đau, sưng to. Tuy nhiên, anh chủ quan không đi bệnh viện thăm khám mà tự uống thuốc giảm đau.
Qua hôm sau, vết thương sưng tấy, đau nhức khiến anh An không đi nổi. Anh nhập viện điều trị thì phát hiện bị chấn thương tủy.
Sau thời gian dài nằm viện, anh An thất vọng khi nhận được thông báo không còn cách nào điều trị từ bệnh viện.
Ngày xuất viện, nam thạc sĩ cứ nằm riết trên giường bệnh không muốn về nhà. Anh hi vọng bác sĩ sẽ cứu được đôi chân của mình. Thế nhưng, tia sáng cuối cùng cũng biến mất, anh đành thu mình sống trong mặc cảm.
“Ngay cả trở mình, tôi cũng không tự làm được. Mỗi lần uống thuốc, ăn uống, cha phải ngồi sau đỡ, còn mẹ đút cho tôi từng muỗng”, thạc sĩ Hoàng An rơi nước mắt.
Thức tỉnh từ sự hi sinh của bố mẹ
Bà Khấu Thị Điệp, mẹ của anh An chia sẻ: “Sau 1 tuần nhập viện, An mới gọi nhờ tôi lên chăm. Tôi hoảng hốt hỏi con bị gì thì An nói con bị bệnh, chứ không nói bị té. Đến bệnh viện, tôi thất thần khi thấy tình trạng của con. Thế nhưng, tôi cố nén nước mắt, động viên con cố gắng điều trị”.
Dù được mẹ dìu đỡ nhưng 2 chân của anh An vẫn không di chuyển nổi. Anh quay qua hỏi mẹ: “Con bị tàn phế rồi hả mẹ?”. Không đợi câu trả lời, anh khóc không ngừng, ướt cả vai áo của mẹ.
Bà Điệp động viên con trai: “Con cố gắng lên, điều trị sẽ hết mà con. Con đừng nghĩ quẩn, đừng bỏ cha mẹ nha con”.
Sau khi xuất viện, anh An xin nghỉ việc ở trường đại học, về quê sống cùng bố mẹ. Anh không gặp bất cứ ai, thậm chí, anh từ chối ngồi xe lăn, chỉ nằm bất động trên giường.
Bố mẹ anh nghe ai chỉ dẫn ở đâu có bác sĩ, thầy thuốc tốt thì đều đưa con đến thăm khám. Hình ảnh bố mẹ lo lắng, tiều tụy, chạy vạy khắp nơi khiến anh An thức tỉnh.
“Tôi nhớ có lần cha ẵm tôi trên tay, đi vào con đường ruộng rất nhỏ. Tôi cảm nhận được từng nhịp đập của trái tim cha. Tôi biết cha mệt nhiều lắm nhưng vẫn không buông tay. Và rồi, những giọt mồ hôi trên trán cha rơi xuống gò má tôi. Hơi nóng của nó giúp tôi bừng tỉnh, tự nhủ mình không được bỏ cuộc, phải cố gắng lên”, thạc sĩ Hoàng An chia sẻ.
Hít sâu, nén sự nghẹn ngào, anh An nói tiếp: “Mẹ tôi làm công việc quét lá ở công ty. 22h mỗi ngày, khi người ta đi ngủ, mẹ lại dầm mưa đi làm. Sáng về đến nhà, mẹ chạy vào phòng xem tôi thế nào, rồi lo cơm nước.
Lúc tôi lên cơn co giật, suýt tắt thở, mẹ khóc thét: “An ơi, con bỏ mẹ hay sao?”. Mẹ nói chỉ cần tôi còn sống, còn hiện hữu trên cõi đời thì cha mẹ có làm cả đời cũng ráng lo cho tôi”.
Không để bản thân trượt dài trên nghịch cảnh, nam thạc sĩ lén lên YouTube xem chia sẻ của các nhân vật truyền cảm hứng. Anh nhận ra có người còn bất hạnh hơn mình mà vẫn làm được nhiều điều vĩ đại.
Anh chấp nhận ngồi vào xe lăn, tập vật lý trị liệu, tập ngồi, học đả thông huyệt đạo… Dần dà, đôi chân của anh có thể cử động, tự đẩy xe lăn.
Ngoài ra, anh An còn tự trồng một khu vườn sen đá nho nhỏ. Anh gọi đó là góc nhỏ thư giãn. Anh thích nhìn chúng lớn lên, cảm nhận sự sống hiện diện quanh mình.
“Dù đã lấy lại được sự tự tin nhưng sâu bên trong vẫn còn sự tự ti nhất định. Thế nên, tôi chỉ ở nhà, đi chùa và tham gia các hoạt động thiện nguyện, ít khi đi ra ngoài.
Hiện tại, tôi làm cộng tác viên tư vấn tâm lý trên sóng radio của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, Đài Phát thanh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nếu các trường học hoặc một số đơn vị mời thì tôi sẽ đến đó trong vai trò người truyền cảm hứng”, thạc sĩ Hoàng An cho biết.
Dù thu nhập không bằng ngày trước nhưng anh An tự tin mình có thể tự lo, không phải là gánh nặng của gia đình.