Nếu bên đó là nhà mình, là nơi chôn rau cắt rốn, tôi sẽ ào qua ngay để ôm lấy từng người, ngắm nhìn những khung cảnh xưa. Nhưng đó là nơi tôi đóng quân một thời. Hơn 40 năm rồi, lớp cũ chắc người còn, kẻ mất. Có còn ai nhớ và mong tôi trở về.
Biết thế nhưng không hiểu sao, hơn 40 năm qua, tôi vẫn luôn nhớ về nơi này và lặn lội về đây. Dường như có điều gì đó rất mơ hồ, nhưng hối thúc mãnh liệt khiến tôi trở về.
Ngày trở về
Con sông chảy về ngã bảy Phụng Hiệp, Cần Thơ bắt nguồn từ đâu, tôi không biết. Chỉ biết khi là anh lính 19 tuổi, môi đỏ như môi con gái, tóc xoăn, xanh ngồng như cỏ, tôi đã đặt chân lên mảnh đất này, đi trên con đường đầy những bông hoa dại trắng li ti dọc đôi bờ.
Lúc buồn, lặng nhìn dòng sông lúc vơi, lúc đầy với cơ man bèo lục bình... tôi lại thấy lòng nguôi ngoai với bao cảm xúc bâng khuâng thuở đầu đời.
Năm đó, ngay sau chiến tranh nên cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền không sầm uất, tấp nập như bây giờ. Nhưng nhà nào sát mặt sông cũng trổ một cây cầu ra bán hàng. Nhà bán tre, nứa, lá; nhà bán lu, bán thẩu; nhà bán xăng, bán nhớt... nên ngã bảy hồi đó cũng nhộn nhịp với những cửa hàng, cửa hiệu đơn sơ, mộc mạc.
Hầu hết anh em trong tiểu đội của tôi là người Hà Nội, vừa tốt nghiệp phổ thông là nhập ngũ nên tuổi đời đều xấp xỉ đôi mươi. 12 chàng lính trẻ đóng quân trong 3 nhà dân liền kề. Ngoài giờ canh gác, làm nhiệm vụ, hễ ở nhà là đùa nghịch như một đám trẻ.
Tôi ở nhà chú, thím Năm. Chú Năm là người Hoa, gầy đen như thỏi sắt, nói tiếng Việt lơ lớ. Thím Năm người chính đất Phụng Hiệp béo tốt, phúc hậu, lúc nào cũng cười nói xởi lởi. Thi thoảng, thím Năm cất công xay bột, giã chuối hấp cả mẹt bánh, lại nạo dừa khô chưng nước cốt béo ngậy, đãi cả tiểu đội đặc sản sông nước miền Tây.
Chú thím tốt bụng hồn hậu là thế, nhưng cô con gái duy nhất tên Phi Vân, tuổi như bọn tôi, cũng cỡ 19 - 20, mặt lúc nào cũng lạnh tanh, khinh khỉnh. Cả ngày, cô ấy chẳng thèm nói một câu với đám lính trẻ. Ngay cả khi có cậu nào đó cả gan tếu táo, trêu ghẹo, cô cũng chỉ đưa đôi mắt nhỏ và dài thừa hưởng của người cha liếc xéo một cái rồi ngoắt người bỏ đi. Phi Vân đang học Văn khoa.
Ngay sát tường nhà thím Năm là nhà thím Bảy. Nhà thím Bảy có 3 cô con gái. Chị cả tên Phi Phượng, bằng tuổi Phi Vân. Cô thứ hai Thủy Phượng vừa tuổi 16 trăng tròn. Cô em út chừng 2-3 tuổi.
Tôi để ý Thủy Phượng ngay từ hôm đầu mới tới. Cô bé có nước da trắng hồng, đôi môi đỏ như son, nổi bật trên khuôn mặt trắng mịn, đôi mắt đen với hàng mi cong. Thủy Phượng đang học đệ tam, tương đương với lớp 8 ngoài Bắc.
Hàng ngày sau giờ học, cô bế đứa em gái bên sườn nhìn các anh bộ đội họp hành, chơi đùa. Thi thoảng, cô lén nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Ai trêu một câu là cô cười bẽn lẽn, đỏ mặt cắp em chạy mất hút. Cái ngày ấy tính đến bây giờ cũng đã hơn 40 năm, bằng già nửa đời người mà đôi khi tôi vẫn như nhìn thấy Thủy Phượng với đứa em gái bé bỏng lúc nào cũng đèo đẽo bên sườn.
Thủy Phượng thường mặc bộ đồ trong nhà, màu hồng nhạt có những chấm màu trắng nhỏ li ti như những bông hoa dại nở đầy trên những rìa cỏ dọc bờ sông.
Một hôm, sau giờ học về, em loay hoay ngồi làm bài bên cái bàn nhỏ kê dưới gốc cây chùm ruột ngay dưới hiên nhà. Cái cây chỉ cao xấp xỉ mái hiên, gầy gò, mỗi cành èo uột vài chiếc lá bé xíu mà lúc lỉu quả xanh, quả đỏ như những trái xoan bám đầy các cành tuốt đến tận ngọn cây.
Cô bé mồm ngậm cái bút bi, oằn người trên ghế, mắt chăm chăm nhìn vào cuốn bài tập trước mắt mà mãi chẳng viết nổi một dòng. Thấy vậy tôi ghé nhìn vào. Thì ra là một bài toán hình học. Chưa đọc hết đầu bài, tôi đã có ngay cách giải.
Định bày cho Thủy Phượng thì cô sinh viên Văn khoa từ trong nhà bước ra hỏi: "Em học bài mà sao cứ nhấp nhổm như bị kiến cắn thế?". Cô bé nhăn nhó cầu cứu: "Em gặp bài toán khó quá, Hai bày cho em đi". Mũi cô sinh viên Văn khoa chợt hửng lên, rồi chỉ vào tôi giọng thách thức: "Cưng nhờ anh Tư bộ đội chỉ cho. Mà thôi, ảnh quen cầm súng, chứ hồi nào tới giờ có cầm sách, cầm bút đâu mà bày. Để lát rảnh Hai bày cho".
Tôi nghe máu nóng dồn lên mặt nhưng vẫn cố điềm tĩnh ngồi xuống, chỉ cho Thủy Phượng hiểu được cách giải của bài toán trong vòng 5 phút. Cô bé không giấu được vẻ ngạc nhiên reo lên: "Ôi, anh Tư giỏi quá. Không như chị Hai nói đâu nha".
Từ hôm đó, Thủy Phượng quấn quýt tôi hơn và Phi Vân cũng nhìn các anh bộ đội không còn bằng ánh mắt chảnh chọe nữa.
Hồi chúng tôi đóng quân ở ngã bảy cũng là dịp cái Tết đầu tiên sau chiến tranh. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những bông mai vàng, loại hoa đặc trưng cho những ngày Tết phương Nam.
Hồi đó, khi vừa nhìn thấy những bông hoa vàng rực khoe sắc trên những cành cây mũm mĩm và sum sê lá, tôi đã thầm so sánh với hoa đào miền Bắc bật nở cánh thắm trên những cành gầy guộc, khẳng khiu. Tôi thấy, hoa đào hợp với không khí Tết miền Bắc trong cái lạnh se sắt. Còn hoa mai mơn mởn sắc lá xanh, hoa vàng hợp với cái Tết ở miền Nam rực rỡ nắng.
Rung động đầu đời
Năm đó, năm hòa bình đầu tiên nên đơn vị tổ chức Tết to tại hội trường mượn của phường. Bộ đội đóng ở nhà dân nào mời luôn cả gia đình đó cùng tham gia. Chú thím Năm kêu không hợp nơi đông vui, nên cử Phi Vân đi thay. Nhà thím Bảy thì kêu Thủy Phượng góp mặt.
Phi Vân khi đó đã thân thiện hơn với mấy anh bộ đội. Cô mặc bộ xường xám truyền thống đỏ chót của người Hoa. Chúng tôi đã đông đủ hết ngoài sân mà chưa thấy Thủy Phượng đâu. Lát sau, em bước ra từ khung cửa quen thuộc mà ai cũng ngỡ ngàng. Không còn là Thủy Phượng trẻ con trong bộ đồ ở nhà, mà là một thiếu nữ xinh đẹp nổi bật trong chiếc áo dài xanh thẫm. Một vùng da trắng nõn lộ nơi tà áo xẻ khiến tôi ngẩn ngơ.
Những người lính trẻ đều mở to mắt nhìn, khiến cô bé e thẹn, mặt đỏ bừng. Vì nơi tổ chức phía bên kia thị trấn, nên chúng tôi phải ngồi đò vượt qua ngã bảy sông. Thủy Phượng ngồi cạnh tôi trước ánh mắt ganh tỵ và lời chọc ghẹo của các anh bộ đội. Càng bị trêu, em càng nép vào tôi. Mỗi khi đò chao nghiêng, em càng bám vào cánh tay tôi siết chặt. Người tôi nóng bừng và tim đập thình thịch.
Đây là lần đầu tiên, tôi ngồi sát một cô gái. Cảm nhận được hơi nóng từ cơ thể thanh tân đó truyền sang người mình, thật sự tôi luống cuống và bối rối lắm. Nhưng trước ánh mắt của chỉ huy và đồng đội, tôi phải vờ ngó lơ và lạnh tanh. Đâu biết cái tuổi đôi mươi còn trong veo, những va chạm cơ thể dù thoáng qua cũng khiến con tim tôi bồi hồi và cơ thể rung lên biết bao nhiêu cảm xúc.
Đêm đó về, tôi ngủ mơ. Tôi mơ đã chạm vào em và môi mình chạm vào bờ môi đỏ thắm như cánh đào của em. Sáng dậy, tôi nằm bâng khuâng, mơ màng ngắm dòng sông trôi qua khung cửa sổ nơi gác xép nhà chủ thì nghe tiếng Thủy Phượng gọi: "Anh Tư, anh Tư xuống em bảo nè".
Tôi vội bước xuống, Thủy Phượng vẻ nôn nóng đã chờ ngay dưới chân cầu thang. Em dúi vội vào tay tôi mảnh giấy rồi quay đầu chạy. Hai bím tóc dày nhảy nhót trên bờ vai.
Trở lại gác xép, tôi mở tờ giấy ra coi. Cả trang giấy chỉ vẻn vẹn dòng chữ viết nắn nót bằng màu mực tím học trò: "Anh Tư. Em thương anh”. Tôi lặng người. Niềm hạnh phúc ngập tràn. Tôi ấp tờ giấy còn ấm nóng bàn tay em lên ngực mình. Từ đó, tôi luôn giữ mảnh giấy trong túi áo nơi ngực trái của mình. Người lính trẻ chưa một mối tình đầu, thấy trái tim mình như được sưởi ấm.
Đêm đó, tôi đi dọc bờ sông nơi đơn vị đóng quân. Mảnh trăng cuối tháng mỏng, bạc hình lưỡi liềm soi xuống dòng sông lấp loáng. Bỗng có người ôm choàng lấy mình từ phía sau. Tôi giật mình. Bàn tay tôi chạm vào vòng tay con gái ấm mềm. Giọng con gái nhẹ thoảng nhưng âm thanh cất lên vui thánh thót: "Em làm anh Tư bất ngờ hả?".
Thì ra là Thủy Phượng. Tôi ngây người, nín thở cố giữ cho khoảnh khắc đó kéo dài hơn.
Từ hôm đó cứ thỉnh thoảng, chúng tôi lại đi bên nhau, chẳng nói năng gì. Chỉ bàn tay nắm lấy bàn tay. Những cây dừa bên đường xoải những tàu lá dài vỗ vào nhau theo gió. Nước cũng theo gió va những đợt sóng vào bờ. Tận khi đến gốc bình bát trước cửa nhà chúng tôi mới dừng lại. Thủy Phượng lại vòng tay ôm tôi từ đằng sau...
Nhà tâm lý học lâm sàng Meg Jay cho rằng, tuổi đôi mươi là điểm phát triển ngọt ngào để chúng ta lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai. Đó là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Khi ấy, chúng ta không chỉ có sức khỏe, có khao khát cùng sự sục sôi của tuổi trẻ, mà còn có cả những giấc mơ đẹp và những kỷ niệm tuyệt vời. Báo VietNamNet mở diễn đàn Tuổi đôi mươi để cùng độc giả ôn lại những khoảnh khắc khó quên về thời điểm chuyển tiếp đặc biệt trong cuộc đời này. Bài viết liên quan xin gửi về: bandoisong@vietnamnet.vn. |