Xem clip:

Ông Lê Văn Càng (49 tuổi, ngụ Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ, Cần Thơ) cho biết, cách đây ít tuần, con trâu đực 2 năm tuổi được ông mua từ một người dân ở An Giang, đặt tên là “Pháo”. Cha mẹ con trâu này đều có màu đen bình thường nhưng “Pháo” có da toàn thân màu hồng, lông trắng.

“Con trâu này khả năng cao là đột biến, khá hiếm ở miền Tây. Phải mất thời gian khá lâu, thông qua các chủ buôn tôi mới biết đến con trâu này. Lúc đến mua, chỉ cần nhìn qua là tôi ưng ngay, bộ lông mượt, ánh mắt linh hoạt và khoang khoáy (xoáy trên mình trâu) rất đẹp. Nhiều ngày di chuyển bằng xe tải qua tỉnh như An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, rồi đi thuyền tôi mới đưa được con trâu cập bến Cồn Sơn”, ông nói và từ chối tiết lộ số tiền mua trâu.

W-trau-hiem-6.jpg
Cỏ tươi, rơm khô là món ăn yêu thích của "Pháo". Ảnh: Trần Tuyên

Hằng ngày, trâu được tắm 2 – 3 lần và ăn no. Ngoài cỏ voi là thức ăn chủ lực, ông cho trâu ăn thêm rơm khô được tích trữ từ trước đó. Phân trâu được tận dụng nuôi trùn quế, bón cây cảnh, hạn chế tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Càng, nuôi “Pháo” cũng như "chăm con mọn". Chuồng trại cần thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ. Ban ngày chủ phải gãi lưng, xoa đầu, nói chuyện để trâu hiểu ý mình. Tối đến, cần căng kín màn chống muỗi cho trâu.

W-trau-hiem-3-1.jpg
Ông Càng căng màn bao quanh chuồng trâu, giúp tránh muỗi vào ban đêm. Ảnh: T.T
trau-hiem-2-1.jpg
Trâu có da màu hồng, sức khỏe không kém cạnh trâu đen. Ảnh: Trần Tuyên

“Pháo rất hiền. Làm nông nghiệp mấy chục năm nên tôi hiểu rất rõ tập tính của con trâu. Chỉ 1 – 2 tuần là có thể huấn luyện chúng cho du khách cưỡi trên lưng”, ông Càng chia sẻ.

Bình quân mỗi ngày có hơn 100 lượt khách ghé thăm nhà vườn của ông Càng, nhưng từ ngày có “Pháo”, lượng du khách đã tăng lên gấp đôi.

W-trau-hiem-4-1.jpg
Du khách thích thú đến gần vuốt ve, leo lên lưng trâu, chụp hình kỷ niệm. Ảnh: T.T
W-trau-hiem-7-1.jpg
Giờ đây, "Pháo" như thành viên trong gia đình của ông Lê Văn Càng. Ảnh: T.T

Ông Nguyễn Trọng Ngữ, Phó hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) cho biết, trâu màu hồng còn có tên gọi khác là trâu bạch tạng, thuộc dạng đột biến hiếm gặp. Người nuôi thường rất quý và chăm sóc trâu rất kỹ. Về khả năng hoạt động, tuổi thọ, trâu bạch tạng không khác mấy so với trâu đen.

Ông Càng tham gia Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cồn Sơn từ năm 2020. Ông bắt đầu với mô hình làm bánh dân gian Nam bộ rồi tới sáng tạo tiết mục “xiếc ếch” độc đáo. 

“Ở Cồn Sơn có rất nhiều điều thú vị như cá lóc bay, cá bú bình… Tôi học cách làm từ những nhà vườn đó rồi áp dụng huấn luyện cho ếch. Dựa vào tập tính của ếch mà trong quá trình cho ăn, thay nước tôi sẽ tập cho nó bay qua vòng”, ông Càng nói.

Theo ông Càng, phải tạo nên sự khác biệt mới thu hút được khách du lịch tới tham quan. Chính từ đó, người đàn ông này nảy ra suy nghĩ tìm nuôi thú cưng độc, lạ.

Hợp tác xã (HTX) du lịch nông nghiệp Cồn Sơn rộng hơn 70ha được thành lập năm 2015 với mục tiêu chủ yếu sản xuất nông nghiệp, kết hợp phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản địa phương; bảo tồn và phát huy các hoạt động đặc trưng của nông thôn, giá trị văn hóa vùng sông nước. 

Đến nay HTX đã có hàng chục hộ là thành viên liên kết cung cấp các sản vật, loại rau, trái cây, thủy - hải sản… để phục vụ du khách. Thông thường từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm là mùa rộ trái cây, trùng thời điểm mùa hè nên có nhiều du khách đến trải nghiệm ở vùng ĐBSCL.

Khi đến Cồn Sơn, du khách có thể trải nghiệm tát mương bắt cá, mò ốc, hái rau, chèo xuồng, trải nghiệm làm nông dân, xem cá lóc bay, xiếc ếch,… Nơi đây cũng đang hình thành các homestay, phát triển thêm cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.