XEM CLIP:

Tới thăm gia đình ông Nguyễn Bá Tân (SN 1958, trú xóm 5, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) vào một buổi trưa nắng nhẹ giữa tuần. Thấy khách tới nhà, ông niềm nở tiếp đón, vui vẻ khoe “chiến tích” chiếc chổi đót vừa hoàn thành trong sáng nay.

Vươn lên làm chủ cuộc sống

Bại liệt đôi chân sau một trận sốt kéo dài từ khi mới một tuổi, cậu bé Tân không thể đứng lên bằng đôi chân, việc di chuyển phải nhờ đôi bàn tay và đầu gối.

“Ngày đó, bố mẹ đưa tôi đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ từ tỉnh đến Thủ đô chữa trị. Nhưng rồi họ cũng phải ngậm ngùi gạt nước mắt, đưa con về quê, chấp nhận số phận”, ông Tân chia sẻ

Thương con suốt ngày quẩn quanh trong nhà, năm 8 tuổi, bố mẹ xin cho ông đến trường. Từ khi đi học, dù nắng hay mưa, ông đều được cha bế lên xe đạp chở đến lớp, cách nhà khoảng 1km. Hết lớp 7, vì trường quá xa nhà, cha già yếu nên đành chấp nhận nghỉ học.

Người đàn ông khiếm khuyết 2 chân, giàu nghị lực Nguyễn Bá Tân. Ảnh: Trần Tuyên

Chia sẻ về ước mơ, hạnh phúc của một con người, ông Tân thổ lộ: “Với tôi và nhiều người bị khuyết tật khác thì ước mơ, khát khao lớn nhất chỉ là có một cơ thể hoàn chỉnh như mọi người bình thường, có thể tự lo cho bản thân, để được tự tin, thoải mái làm những gì mình thích”.

Tuy nhiên, ông hiểu rằng cuộc sống này sinh ra không phải ai cũng may mắn như nhau, có người sinh ra lành lặn, có người sinh ra đã bị dị tật, khuyết tật. Có người sinh ra lành lặn nhưng do các tai nạn, thương tích đã làm cho họ bị khuyết tật…

Nhìn cha mẹ ngày càng già đi, ông Tân tự nhủ mình phải cố gắng, vượt lên số phận, phải sống lạc quan cho cha mẹ yên tâm.

Bại liệt từ lúc 1 tuổi, việc di chuyển phải nhờ đôi bàn tay và đầu gối. Ảnh: Trần Tuyên

“Tôi xin gia đình đi học nghề may, thế nhưng ngày đó, cơm ăn ba bữa phải lo từng ngày lấy đâu ra tiền theo học. Đánh liều bò đến các nhà may gần nhà học lỏm, rất may tôi được mọi người tận tình giúp đỡ”, ông Tân trải lòng.

Cha mẹ vay mượn đủ đường để ông Tân có được một chiếc máy may. Tiếng lành đồn xa, tiệm may của ông nhanh chóng đông khách, ông tự nuôi sống bản thân.

Chuyện tình đẹp như mơ

Năm 1991 (33 tuổi - PV), ông Nguyễn Bá Tân kết duyên cùng bà Lương Thị Từ, người bạn đồng niên, ở cùng xóm. Cảm thương hoàn cảnh của ông Tân, bà Từ nhận lời làm vợ, cho dù bị gia đình, người thân và bạn bè phản đối.

Hướng ánh mắt về phía chồng mình, bà Từ xúc động nói: “Tôi cảm phục ông ấy vì nghị lực sống, luôn luôn vươn lên, không ngại gian khó nên tôi đồng ý lấy ông. Cũng chính vì thế mà vợ chồng tôi càng yêu thương nhau hơn”.

Tranh thủ xay bột, kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Trần Tuyên

Tình yêu đơn hoa kết trái, ông bà sinh được 3 người con gái, tất cả đều đã tốt nghiệp đại học và công việc ổn định, con gái đầu nay đã lập gia đình. 

“Đầu những năm 2000, các mặt hàng công nghiệp tràn ngập thị trường, nghề may vá và đan lát không thể giúp gia đình cầm cự, tôi bàn vợ mua máy xay bột, phục vụ bà con trong vùng”, ông nhớ lại.

Bà Từ luôn chuẩn bị chu đáo mọi thứ trước khi chồng mình ra khỏi nhà. Ảnh: Trần Tuyên
Ảnh: Trần Tuyên

Khi nghề xay bột vắng khách, vợ chồng ông Tân quyết định chuyển sang đầu tư phát triển chăn nuôi gà. Ngày ngày, ông giúp vợ thái rau làm thức ăn cho gà. Di chuyển khó khăn nhưng ông vẫn gắng sức làm việc chăm sóc đàn gà, đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình.

Ông Tân luôn tin rằng cuộc sống không chỉ có duy nhất một cánh cửa. "Khi cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, quan trọng là mình có muốn và có dám bước qua hay không", ông nói.