Tháng 10/2023 vừa qua, ĐH Kinh tế TP.HCM vừa chuyển từ trường đại học thành đại học. Trước đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã chính thức chuyển lên thành ĐH Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, một số trường ĐH khác cũng đang trong lộ trình chuyển đổi mô hình để trở thành đại học.
Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Thị Kim Phụng (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT), cho hay, hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam chủ yếu là các cơ sở đào tạo chuyên ngành/đơn lĩnh vực hoặc mới phát triển đa lĩnh vực trên nền tảng của cơ sở đào tạo đơn lĩnh vực.
Phần lớn các cơ sở đào tạo trong hệ thống được thành lập để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp... được đầu tư nhỏ lẻ, rất khó để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cũng khó gánh vác những nhiệm vụ chiến lược của quốc gia, khu vực.
Chính vì vậy, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã quy định 2 hướng phát triển, “chuyển trường đại học thành đại học; liên kết các trường đại học thành đại học” và giao Chính phủ cụ thể hoá định hướng đó để phát triển nhiều cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực trong toàn hệ thống.
“Chủ trương này nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống gồm nhiều trường đại học chuyên ngành/đơn lĩnh vực để tạo cơ chế cho những trường đại học lớn mạnh có có lộ trình phát triển thành các đại học đa lĩnh vực, có thể cộng các nguồn lực (về nhân lực, cơ sở vật chất, thế mạnh, đối tác hợp tác...) đủ khả năng nhận nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu liên ngành để phát triển ở tầm quốc gia, khu vực, quốc tế; có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia; có cơ hội/đủ điều kiện nhận được những chính sách đầu tư phát triển tương xứng với năng lực của mình... và có thể tham gia vào các bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới để nâng cao uy tín của giáo dục đại học Việt Nam.
Phát triển thành đại học cũng là sự khẳng định trường có đủ năng lực đào tạo với quy mô lớn và trình độ cao; đồng thời, là sự phát triển về nhân lực và năng lực quản trị, quản lý”, bà Phụng nói.
Tuy nhiên, theo bà Phụng, để phát triển thành đại học, có lẽ khó khăn lớn nhất với các trường hiện nay của Việt Nam là việc đạt được và duy trì các điều kiện cứng mà Luật quy định. Việc “Có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người” hoặc “Có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học” không phải dễ, nhất là các điều kiện mở ngành, duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng của ngành đào tạo ngày càng được nâng cao.
“Hầu hết các trường đều xuất phát từ trường chuyên ngành/đơn lĩnh vực nên việc đầu tư mở thêm các ngành mới thuộc các lĩnh vực khác đòi hỏi phải có chiến lược, lộ trình hợp lý, thời gian cần thiết, có nguồn lực đủ mạnh và cân bằng giữa các giải pháp đầu tư trước mắt và lâu dài...
Việc hình thành tư duy, tiếp cận quan điểm, nâng cao năng lực tự chủ đại học trong quản trị, quản lý cả ở phương diện quản lý nhà nước và quản trị nhà trường cũng vẫn còn là khó khăn, cả về cơ chế, chính sách, sự đồng bộ của các văn bản pháp luật; quan điểm và những chỉ đạo trực tiếp của một số cơ quan quản lý còn chưa kịp đổi mới...
Nếu nhận thức phát triển lên đại học là lên một tầm cao mới về năng lực và chất lượng thì cũng rất khó đối với đa số trường công. Bởi họ phải giải quyết mâu thuẫn giữa việc cần nguồn lực đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng đào tạo với việc bị cắt hoặc giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước, hoạt động phụ thuộc vào học phí nhưng phải giữ mức học phí thấp trong thời gian dài và tăng nguồn thu bằng mở rộng quy mô tuyển sinh...”, bà Phụng chia sẻ.
TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chia sẻ: “Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới phân biệt “trường đại học” với “đại học” thành 2 chủ thể khác nhau, chứ ở các nước thực ra chỉ là một”.
Chưa kể, theo ông Phương, cũng là “đại học” nhưng 2 đại học mới chuyển lên từ trường đại học (ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng đã có sự khác biệt so với 5 đại học vốn có trước đây (2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng) - đó là ở cơ cấu quản trị. Thực tế hiện nay đang cho thấy sự kết nối giữa các trường thành viên trong các đại học vốn có trước đây còn lỏng lẻo.
“Với các đại học trước đây, tuy gọi là một đại học nhưng các trường thành viên có sự độc lập nhất định, có quyền tự chủ như: Có hệ thống quản lý như một trường đại học bình thường, có mã tuyển sinh riêng, có con dấu riêng, logo riêng... Chính vì vậy, dẫn đến việc cùng trong một đại học có rất nhiều bằng.
Bản thân mỗi trường thành viên cũng lại cố gắng thể hiện mình là khác biệt so với tổng thể của đại học. Chưa kể, các trường thành viên (theo thiết kế ban đầu là chuyên sâu vào một mảng, lĩnh vực nhất định) đã có những sự chồng lấn khi có những ngành đào tạo giống nhau như Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Công nghệ của ĐH Quốc gia Hà Nội; hay Trường ĐH Kinh tế và Trường Quản trị kinh doanh,...
Câu hỏi đặt ra như vậy có thực sự đó là một liên kết chặt chẽ hay chỉ một liên minh có tính tượng trưng giữa các đơn vị độc lập? Nhìn tổng thể, sẽ thấy vai trò của đại học lớn rất mờ nhạt”.
Trong khi đó, theo cấu trúc của các đại học mới chỉ có một logo, bằng tốt nghiệp có tên một đại học. Như vậy, mô hình đại học như ĐH Bách khoa Hà Nội hay ĐH Kinh tế TP.HCM có tính nhất quán cao hơn, mang tính ‘một đại học duy nhất’ khi các trường thành viên thực sự là một phần của đại học lớn.
Tuy nhiên, theo ông Phương, mô hình đại học “theo kiểu mới” này cũng chưa cho thấy những thay đổi rõ rệt.
Ông Phương dẫn chứng ngay như ĐH Bách khoa Hà Nội sau một năm chuyển lên từ trường đại học, cũng chưa nhìn thấy độ linh hoạt, tính nhanh nhạy của nhà trường thay đổi cụ thể ra sao. “Cũng có thể vì quá mới, chưa nhìn thấy được hệ quả của việc thay đổi. Đâu đó cũng có người bảo rằng có những cái mới bên trong, tôi không phản đối, song sự thay đổi ở tầm hệ thống chưa có gì rõ rệt”, ông Phương nói.
Để tránh việc lên đại học chỉ để tạo danh tiếng, theo ông Phương cách đơn giản là đừng gượng ép phân biệt giữa “đại học” và “trường đại học”.
“Đừng để phân biệt tên gọi làm chúng ta dị biệt với các nước trong hội nhập quốc tế. Điều quan trọng là trường đại học có thật sự khẳng định được mình hay không. Cái tên không giúp nâng tầm một trường đại học”, ông Phương nói.
“Các trường đại học cũng không nên quá nao núng, lo lắng đua nhau trở thành đại học. Điều tôi trăn trở là đôi khi chỉ vì dư luận xã hội, phụ huynh, thí sinh nghĩ rằng cái tên “đại học” là đẳng cấp hơn “trường đại học” đua nhau vào đó, dẫn đến việc các trường đại học chạy đua danh xưng cho kỳ được.
Muốn vậy, ngay bản thân những nhà lập pháp cũng cần phải định hình khái niệm “đại học” và “trường đại học” là không có gì khác nhau để từ đó không đưa ra những quy định mang tính phân biệt đối xử về mặt pháp lý. Muốn cả hệ thống tiến lên, cần những giải pháp căn cơ hơn, chứ không phải chỉ ‘thay tên đổi họ’ còn lại bản chất vẫn thế”.
Bà Kim Phụng cho rằng cần khẳng định: Không phải những trường đại học không có định hướng hay không đủ điều kiện chuyển đổi thành đại học là những trường không mạnh, không phát triển, là trường “hạng hai”.
“Quan trọng nhất là chất lượng và hiệu quả hoạt động, là sự đánh giá của thị trường lao động đối với sản phẩm đào tạo của trường, là sự lựa chọn của người học, là việc làm và sự thăng tiến của cựu sinh viên, là uy tín của đội ngũ giảng viên và tính hữu ích của các công trình khoa học, công nghệ được công bố; sự phát triển bền vững của trường...”.
Khi phát triển thành ĐH, ngoài việc phải thực hiện đủ những điều kiện cứng của pháp luật (“Có ít nhất 03 trường thuộc trường đại học; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người” hoặc “Có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học”) thì những trường đã chuyển đổi thành đại học hay đang thực hiện lộ trình chuyển đổi thành đại học càng cần phải không ngừng nâng cao chất lượng thực chất.
“Đề án chuyển đổi mô hình từ trường thành đại học và những đánh giá, báo cáo, tổng kết hàng kỳ sau chuyển đổi cần phải giải trình thuyết phục các câu hỏi: Chuyển đổi lên đại học thì người học được lợi gì, cộng đồng xã hội được lợi gì so với trước đây? Chất lượng được nâng cao như thế nào? Chính sách huy động đa dạng các nguồn lực để phát triển, trong đó, nâng cao tỷ trọng các nguồn thu ngoài học phí ra sao? Chính sách thu hút, phân phối hiệu quả theo hướng ưu đãi và trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ giảng viên và nhà khoa học danh tiếng, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh ra sao? Việc nâng cao chất lượng đầu vào/đầu ra, quản lý chất lượng trong quá trình đào tạo và việc làm/độ thăng tiến của người học được nâng cao thế nào...
Những vấn đề này là việc của tất cả các trường, nhưng khi đã chuyển đổi thành đại học cần chú trọng hơn để việc chuyển đổi là thực chất chứ không chỉ “bình mới, rượu cũ”.