Người thầy dạy hai đời vua
Về xã Đông Thanh hỏi đền thờ - lăng mộ Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi (hay còn gọi là Lăng Quận Nghi) thì ai cũng biết. Bởi đây không chỉ là nơi tín ngưỡng, mà còn là nơi lui tới của những người hiếu học trong vùng.
Theo sử sách để lại, Tướng công Nguyễn Văn Nghi sinh ra trong một gia đình khoa bảng, cha và anh của ông đều là những người giữ trọng trách trong triều.
Năm Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (1554) dưới đời vua Lê Trung Tông, ông đỗ Nhất giáp khoa. Là người đoan chính, trọng khuôn phép, ông được Trịnh Kiểm tin cậy giao cho làm Hiệu lý Viện hàn lâm.
Năm 1556, khi Lê Anh Tông lên ngôi, ông được cử vào cung dạy học cho vua, được vua Lê trọng dụng. Đến năm sau, lại được thăng chức Cấp sự bộ khoa kiêm quản lý tài chính, lần lượt giữ qua các chức Tả thị lang bộ binh, tống kí lục chính dinh.
Đến năm 1580, thời Lê Thế Tông, ông sang làm Tả thị lang bộ lại, vào hầu vua trong điện Kính diên, kiêm học sĩ Đông các. Lê Thế Tông còn trẻ, lại mời ông ra làm thầy dạy.
Đến khi ông mất, thọ 69 tuổi được đích thân nhà vua truy tặng Thượng thư bộ Công, gia thăng Thái Bảo.
Theo sử sách, đền thờ Nguyễn Văn Nghi được xây dựng từ năm 1617 niên hiệu Hoàng Định thứ 18 đời vua Lê Kính Tông (1600-1619). Đến năm 1628, con trai thứ hai của ông là Binh bộ thượng thư Đăng quận công Nguyễn Khải đã mở rộng thêm quy mô kiến trúc.
Cháu ngoại của ông là Lê Khắc Tuy- tri phủ Hà Trung cùng dân 14 xã trong huyện Đông Sơn tu bổ hoàn chỉnh vào tháng 9 năm 1632, đền thờ được tôn tạo đúng vị trí ban đầu.
Khi còn sống, ông giương cao đạo học chốn quê hương và tích cực hỗ trợ cho các nho sinh trong vùng, ban tiền, ban của để họ có thể tiếp tục theo đuổi sách thánh hiền. Tới khi ông mất, đền thờ được dựng lên. Mỗi khi có chuyện liên quan tới học hành thi cử, người dân lại đến kính ông, thắp một nén nhang trước lúc lên đường. Những người theo đạo Nho, ra vào cửa Khổng sân Trình đều xem ông như bậc thầy học lớn để noi theo.
Khu đền thờ bằng đá 'độc nhất vô nhị'
Khu đền thờ - lăng mộ Nguyễn Văn Nghi với tổng diện tích gần 4ha bao gồm nhiều thành phần kiến trúc với chức năng khác nhau được bố trí theo kiểu "Nội công ngoại quốc", gồm 2 vòng thành khép kín: Thành đất (thành ngoại) ở ngoài, thành đá (thành nội, rộng tới 16.000m2) ở trong.
Bên trong thành nội là các cụm kiến trúc gỗ được xây dựng theo hình chữ "Công", chữ "Tam", chữ "Nhị" và "Nhất" rất tiêu biểu cho lối kiến trúc thời hậu Lê.
Đường dẫn từ thành ngoại vào trong khu nội viên được lợp đá tảng, hai bên là hàng chó đá, ngựa đá, voi đá và tượng thần hộ pháp.
Hai chiếc bia đá rộng hơn 2,5m đối xứng hai bên, một chiếc bao gồm cả phần mái che cũng được đục nguyên khối không tách rời. Trên tấm bia là từng con chữ và hoa văn được khắc tinh tế.
Cổng vào hình mái vòm, bên trên có khắc ba chữ "Tướng công môn". Tường đá bao bọc cao tới gần 2m, bề rộng 1,5m dựng bằng hai hàng đá tảng, ở giữa đổ đất nện, phía trên là những phiến đá hình mai rùa úp xuống. Tính chiều dài bao phủ của tường thành nội cũng đến cả cây số, nhưng do nhiều lý do, một phần của tường thành đã bị chuyển ra làm cầu cống nên mất mát không ít.
Ông Nguyễn Xuân Lọc, người trông đền cho biết, cứ đến ngày lễ, Tết, nhất là ngày nhà giáo, ở đền lúc nào cũng rộn rã tiếng người. Người đến đây cũng chẳng phải vì cầu danh, cầu lợi mà là đến để tri ân một người thầy lớn, đạo học lớn của vùng. Vào các kỳ thi đại học, các cháu học sinh thường đến thắp nén hương để cầu được những điều tốt đẹp nhất trong thi cử.