Con gái bị tuyên án tử hình vắng mặt "vì phản bội Tổ quốc" nhưng người mẹ vẫn kiên cường chịu đựng âm thầm, "sống để dạ, chết mang đi" bí mật về con là câu chuyện có thật trong một gia đình khá nổi tiếng ở vùng quê nghèo Xuân Trường, Nam Định. Đó là gia đình nữ Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thị Vân (1916-1995).

ngươi me.jpg
Bà Nhất Hợp, thân mẫu nữ Anh hùng Đinh Thị Vân 

Một người mẹ phi thường và một người con gái vĩ đại

Cho đến lúc nhắm mắt, mẹ của bà Đinh Thị Vân vẫn phải chịu tiếng xấu với đời là có con gái bỏ chồng, bỏ Đảng, trốn chạy vào Nam theo giặc.

Bị tiếng xấu mà bà không được phép thanh minh với bất cứ ai, kể cả người thân vì con gái Đinh Thị Vân của bà đang làm nhiệm vụ vô cùng đặc biệt, phụng sự Tổ quốc chống giặc ngoại xâm trong trạng thái bí mật.

Bà là Nguyễn Thị Quỳ, sinh năm 1896 tại làng Hạ Miêu, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Quê bà ở nhiều thế kỷ trước có tục rất lạ, sau lễ cưới con gái phải mang họ và tên chồng, chỉ được giữ lại cho mình chữ "Thị". Vì vậy, sau khi kết hôn với lương y Đinh Đức Hợp, bà được đổi tên là Đinh Thị Hợp. Ông Hợp từng thi đỗ đầu tỉnh Nam Định nên được gọi là ông Nhất Hợp. Ở làng, bà còn có tên là bà Nhất Hợp.

Bà cũng là thân mẫu của liệt sĩ Đinh Thúc Dự. Bà Hợp từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Đồng tiền Vàng và Chính phủ tặng Bằng có công với nước. Quê hương ca ngợi bà là người phụ nữ "Kiên trung, Hiền lương, Thục đức, Trấn uy vũ".

Theo ông Đinh Quang Tỉnh - một người cháu ruột, con anh trai bà Vân, nhờ tính ôn hòa, cách xử sự nhu thuận nhưng cương quyết của bà nên cơ đồ nhà ông Nhất Hợp chẳng mấy chốc đã hưng thịnh sau hàng loạt biến cố xảy ra trong gia đình.

nguoime.png
Thiếu tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thị Vân sau ngày thống nhất đất nước

Biến cố đó là cuối năm Tân Hợi (1911), chị ruột bà là Nguyễn Thị Mộc đột ngột qua đời, để lại 5 đứa con thơ dại. Sợ cảnh "dì ghẻ con chồng", đồng thời phải bảo toàn gia tộc, bà Quỳ khi ấy phải dằn lòng tuân theo sự sắp đặt của cha, từ bỏ hết những ước mộng cao đẹp, chấp thuận lấy anh rể (là ông Nhất Hợp) làm chồng.

Điều này là để giữ trọn chữ hiếu với cha, thay chị gái quán xuyến gia đình, chăm sóc đàn cháu côi cút. Sự hy sinh tình riêng vì nghĩa ruột thịt của bà là phẩm hạnh thanh cao ở thời ấy.

6 năm sau, bà Quỳ sinh hạ con gái đầu lòng, đặt tên là Đinh Thị Mậu (tên thật của nữ Anh hùng tình báo Đinh Thị Vân sau này). Khi Mậu chưa đầy tháng tuổi thì ông Nhất Hợp qua đời, để lại người vợ trẻ và 6 đứa con thơ.

Theo ông Quang Tỉnh, huyện Xuân Trường tuy còn nghèo, nhưng nhiều gia đình đã đem hết những đồng tiền chắt chiu cả đời lao động vất vả, nhiều người còn đem nhẫn, vòng, khuyên tai vàng là những kỷ vật thiêng liêng của gia đình đem ủng hộ "Quỹ Độc lập".

Tại xã Xuân Thành, bà Nhất Hợp đã bán ngôi nhà cổ 5 gian bằng gỗ lim để lấy tiền ủng hộ Quỹ. Đặc biệt, trong ngày đầu tiên quyên góp cho "Tuần lễ Vàng", bà Hợp cùng người em dâu là Đinh Thị Cáp đã tháo khuyên tai vàng ủng hộ tại chỗ để làm gương, khuyến khích bà con trong xã hưởng ứng lời kêu gọi của Cụ Hồ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bà Hợp còn động viên con cháu tham gia Vệ quốc đoàn, nhiều người đã hy sinh anh dũng. Bà Nhất Hợp được Hồ Chủ tịch trọng thưởng Đồng tiền Vàng là vì vậy.

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, đất nước bị chia cắt thành 2 miền, Đinh Thị Vân, con gái út của bà Hợp lúc này đã là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định. Nhưng do yêu cầu công tác, bà Vân được điều động sang quân đội và trở thành nữ chiến sĩ tình báo chiến lược, nhận nhiệm vụ quan trọng bí mật vào miền Nam hoạt động.

Bài trước trên VietNamNet, tôi đã viết khá kĩ về Đại tá tình báo Đinh Thị Vân. Nay chỉ xin vắn tắt một ý:

Tất cả đều bắt đầu từ “Một vụ án chính trị” của người phụ nữ mang tên Đinh Thị Vân. Vào tháng 8/1954, xuất phát từ cảng Hải Phòng, điệp viên Đinh Thị Vân nhận nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng hòa vào dòng người xuống tàu “há mồm” "theo Chúa di cư vào Nam”.

Với nhiệm vụ bí mật của một điệp viên, bà tìm cách ngụy trang để che mắt địch, rồi từng bước xây dựng cơ sở cho mạng lưới tình báo chiến lược của mình luồn sâu, leo cao trong bộ máy chính quyền và quân đội địch.

Trước khi nhận nhiệm vụ đặc biệt, bà Vân từng phải hy sinh đời tư, trở về quê thu xếp để cưới vợ cho chồng khi chồng thiếu người chăm sóc khi anh có bệnh trong thời gian tham gia cách mạng ở vùng Sơn Tây.

Xong việc lớn, bà âm thầm, dấn thân vào tận sào huyệt của kẻ thù để hoạt động bí mật. Lúc bà vừa đặt chân đến Sài Gòn, để hỗ trợ cho nhiệm vụ đặc biệt, cấp trên quyết định tung tin: "Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt".

"Vụ án chính trị" này đã khiến nhiều anh em, con cháu ruột thịt của gia đình bà Vân bị "vạ lây". Họ phải sống trong nỗi đau ê chề trước người thân và làng xóm.

Cũng chính vì vậy mà bà Nhất Hợp sinh bệnh rồi năm 1956 qua đời trong một hoàn cảnh rất đau lòng: bị tiếng oan có con phản bội.

Đây là sự hy sinh cuối cùng của người mẹ phi thường dành cho người con gái vĩ đại Đinh Thị Vân. Mục đích là góp phần làm nên chiến công huyền thoại của một nữ đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mang tên Đinh Thị Vân.

Đề xuất chính sách

Từ chuyện của 2 mẹ con nữ Anh hùng, xin có đôi điều đề xuất về một chính sách chung của Nhà nước với người có công khi đã mất.

Tôi viết những dòng này tuyệt nhiên không phải do gia đình bà Đinh Thị Vân kiến nghị bởi bà không có con cái và nay mọi chuyện cũng đã an bài. Nó chỉ xuất phát từ thực tiễn.

Năm 1995, bà Vân qua đời sau một tai nạn bị ngã rồi đuối sức dần mà ra đi trong sự tiếc thương của đồng chí, đồng đội và người ruột thịt bởi bà không có chồng, con.

Người thân của bà ở quê muốn chính quyền địa phương cho an táng bà tại nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Thành nhưng được trả lời, theo quy định hiện hành, đối tượng được nằm trong nghĩa trang phải là liệt sĩ.

Vậy dù là anh hùng, nếu mất cũng không được vì không phải do hy sinh. Ở trường hợp này, ngoài danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bà còn được tặng 2 Huân chương Độc lập hạng nhì cùng rất nhiều huân chương khác. 

Nhưng địa phương dù thương yêu, tự hào về bà rất mực, cũng không dám tự quyết chuyện vốn không nằm trong quy định của Nhà nước.

Từ câu chuyện có thật nêu trên, thiết nghĩ chính sách của Nhà nước liệu có thể vận dụng và điều chỉnh đối tượng được xem xét, thụ hưởng như với các nghĩa trang liệt sĩ tại xã, huyện nên thêm đối tượng là người được phong danh hiệu anh hùng?

Trường hợp xem xét để phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng vậy. Có nên không chỉ có đối tượng gia đình có 2 con trở lên hy sinh hoặc một con duy nhất thì được xét tặng mà nên chăng với cả đối tượng như bà Nhất Hợp trong bài viết này. Vì bà có 1 con trai hy sinh và 1 con gái là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (có nghĩa bà còn là mẹ của anh hùng).

nguoi me.jpg
Bà Đinh Thị Vân những năm cuối đời bên chiếc bình gốm Bát Tràng được mua sẵn dự định để đựng tro cốt khi bà ra đi. Bình này được các cháu lo liệu theo yêu cầu của bà

Tôi nghĩ cả hai mẹ con cụ bà Nhất Hợp và bà Đinh Thị Vân đều rất xứng đáng được tưởng thưởng những quy định như thế khi nằm xuống.