Ngày 23 tháng Chạp, Nguyễn Minh Tuấn (một môi giới bất động sản, quê Hà Nam) vẫn ngồi tại dự án tại quận Hoàng Mai, với hy vọng có thể kiếm được khách. Tuấn cho hay: “Giờ về nhà cũng không biết làm gì, ngồi ở đây cho đỡ buồn. Biết đâu có khách nào qua chốt căn luôn”.
Làm môi giới bất động sản được 3 năm nhưng đây là cái Tết buồn với Tuấn. Năm ngoái, thời điểm này, Tuấn đã nghỉ Tết nhưng với số tiền hoa hồng lên tới hàng trăm triệu đồng. Năm nay, văn phòng bất động sản cắt giảm nhân sự, Tuấn tham gia với vai trò cộng tác viên không lương, thu nhập theo hoa hồng giá trị căn hộ bán được. Tết này, Tuấn không có lương, không có thưởng nhưng quyết tâm bám trụ với nghề qua giai đoạn khó khăn.
“Từ 20 người trong nhóm, giờ chỉ còn 2-3 anh em vẫn làm môi giới, giờ nghỉ chẳng biết làm gì”, Tuấn cho hay. Tuấn về quê từ 25 tháng Chạp và hẹn quay trở lại làm việc từ đầu tháng Hai âm lịch.
Mặc dù sàn bất động sản nghỉ làm từ giữa tháng 12 dương lịch, nhưng Nguyễn Thị Thảo (một môi giới nhà đất tại Gia Lâm) vẫn có mặt tại dự án để quay clip, review biệt thự, liền kề để đăng trên các nền tảng mạng xã hội như Tikok, Facebook,... Trung bình mỗi ngày, Thảo đăng hàng chục video clip bán nhà, chia sẻ trên các cộng đồng bất động sản.
“Thời điểm này không bán được hàng nhưng mình vẫn đăng video clip để cho mọi người tham khảo. Đây là cách để quảng cáo, giới thiệu cho nhiều người biết tới mà chi phí không tốn kém.
Thảo cho hay, thị trường gặp khó khăn, nhiều môi giới phải cắt giảm chi phí chạy quảng cáo, chưa kể phải chịu âm do chi phí phát sinh. Họ phải tận dụng các nền tảng xã hội để tìm khách. Thảo hy vọng, nhiều khách hàng vẫn nhớ tới mình và liên hệ nếu có nhu cầu mua bất động sản trong thời gian tới.
Theo khảo sát, các sàn bất động sản đồng loạt nghỉ Tết từ 23 tháng Chạp. Một số sàn thông báo mở cửa trở lại sau Rằm. Một số đơn vị nhỏ lẻ cho nhân viên nghỉ hết tháng Giêng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết, khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.
Theo thống kê của Hội, thị trường bất động sản năm qua khá ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm).
Về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%. Số lượng môi giới còn hoạt động hiện chỉ bằng khoảng 30-40% so với hồi đầu năm.
Tận dụng thời gian nghỉ sớm, Nguyễn Văn Hoàng (môi giới nhà đất ở Hà Đông) cung với nhóm bàn bạc, lên chiến lược, phương án, kế hoạch phối hợp bán hàng. “Môi giới cần đào tạo và có chiến lược bài bản bám trụ với nghề. Ở thời điểm nào cũng có khách giao dịch nếu chọn đúng phân khúc người mua cần”, Hoàng nói.