Vỡ mộng
Hơn hai tháng nay, Nguyễn Quốc Hưng (một môi giới bất động sản căn hộ) thất nghiệp. Từ một nhân viên kinh doanh của công ty vận tải, Hưng bỏ việc vì thu nhập thấp, chuyển sang môi giới nhà đất.
Hưng làm việc tại một sàn bất động sản ở Gia Lâm, chuyên bán căn hộ chung cư. Nếu chốt căn đều hàng tháng, thu nhập của Hưng có thể lên tới hàng chục triệu đồng, gấp 3-4 lần mức lương ở công ty cũ.
Tuổi còn trẻ, nhiều tham vọng, Hưng đặt mục tiêu có thể bán hàng chục căn để có tiền mua nhà trước khi 30 tuổi. Nhưng công việc môi giới không dễ như Hưng nghĩ.
Thời gian đầu học việc, Hưng chấp nhận không có lương, chỉ hưởng một khoản trợ cấp xăng xe, điện thoại. Nhóm kinh doanh của Hưng đều là những thành viên mới, chưa có kinh nghiệm. Công việc ngồi trực ở dự án, chờ khách tới tư vấn, chốt căn. Nhiều tháng, Hưng bám trụ ở vỉa hè, ăn cơm bụi, uống trà đá. Hưng vay mượn tiền của gia đình để trang trải. Ở thời điểm thị trường sốt, nhóm Hưng chỉ bán được vài căn.
Khi thị trường sụt giảm, khách mua vắng. Văn phòng nhà đất giảm nhân sự, Hưng chỉ làm việc với vai trò cộng tác viên, hưởng hoa hồng nếu bán được nhà. Không có thu nhập để sống, Hưng quyết định từ bỏ nghề.
“Giờ cuối năm, các công ty không tuyển nhân viên mới. Mình xác định thất nghiệp, ra Tết rồi tính sau”, Hưng chia sẻ.
Nghỉ làm nhân viên ngân hàng chuyển qua nghề môi giới, Ngọc Mai (Hà Đông, Hà Nội) thấy hối tiếc. Hơn 1 năm làm nghề môi giới, Mai rút ra bài học không nên nhìn vào bề ngoài và nghe theo những lời mời hấp dẫn từ người ngoài.
“Thị trường trầm lắng, cả nhóm ngồi chơi vì không có giao dịch. Bốn người xin nghỉ, mình là người cuối cùng bỏ nghề môi giới để về quê”, Mai nói.
Tết không thưởng
Ghi nhận thị trường, nhiều công ty môi giới, bộ phận kinh doanh của chủ đầu tư cắt giảm mạnh đội ngũ môi giới. Tại TP.HCM, một doanh nghiệp cắt giảm hơn 70% nhân sự sale. Sắp tới, các bộ phận khác tiếp tục bị cắt giảm vì không còn khả năng trả lương.
Một công ty bất động sản có quy mô hàng nghìn người công bố cắt giảm 50% trong số 2.000 nhân sự sale. Nếu nhân viên ở lại làm việc, không nhận lương, công ty đóng bảo hiểm xã hội. Tình trạng cắt giảm nhân sự có xu hướng lan rộng.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lực lượng môi giới giảm ít nhất 30% trong hơn một năm qua. Nhiều môi giới mất việc bị động do các sàn phải đóng cửa. Còn lại, họ chủ động bỏ nghề, đổi việc vì không còn phù hợp. Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.
Gần Tết, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” lại càng tăng lên. Anh Trần Tuấn Hải có thâm niên gần chục năm trong nghề môi giới bất động sản. Khi đề cập về vấn đề thưởng Tết, anh thở dài “chắc là không có”. Công ty chỉ giữ lại nhân sự chủ chốt, còn các nhân viên môi giới tự nghỉ vì không có lương.
“Mọi năm thời điểm này, nếu bán được nhà, tôi nhận hoa hồng vài chục triệu đồng. Giờ cả tháng không ai hỏi mua hay dẫn đi xem đất, Tết này xác định không có gì”, anh Hải nói.
Thời gian qua, không ít đơn vị môi giới đóng cửa vì không thể cầm cự nổi. Nhiều nhân viên môi giới khác cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Ông Sơn, giám đốc một sàn bất động sản tại Hà Nội, cho hay, doanh nghiệp vừa cắt giảm 50% nhân sự vì tình hình kinh tế khó khăn, dự án bán không được hàng.
“Giờ tiền trả lương để duy trì nhân viên còn lại cũng khó chứ chưa nghĩ đến việc thưởng Tết”, ông nói.