Môi giới bất động sản không được hành nghề tự do

Văn phòng Chủ tịch nước vừa họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, trong đó có Luật Kinh doanh bất doanh bất động sản năm 2023 gồm 10 chương, 83 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Trong đó, đáng chú ý là quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Cụ thể, Điều 61 Luật Kinh doanh bất doanh bất động sản năm 2023 quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định và phải đáp ứng loạt điều kiện.

Cụ thể, phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản; phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ; có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản.

Trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật này.

W-img-2820-1.jpg
Từ 1/1/2025, môi giới bất động sản không được hành nghề tự do. (Ảnh: Hồng Khanh) 

Điều 61 Luật này cũng quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

Môi giới bất động sản đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Cùng với đó, môi giới bất động sản cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

"Găm đất, thổi giá", tạo "sốt ảo"

Vừa qua, cử tri có phản ánh tình trạng làm giả thông tin, đưa thông tin không chính xác, xuyên tạc làm lũng loạn thị trường, nhất là thị trường bất động sản. Cử tri đề nghị cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý tình trạng này để thị trường ngày một minh bạch hơn.

Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng cử tri phản ánh là một trong những bất cập của thị trường bất động sản hiện nay. Bộ cho biết, theo tổng hợp báo cáo đánh giá của các địa phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. 

Trong đó có thể kể đến như hiện tượng môi giới bất động sản hành nghề thiếu chuyên nghiệp, có hành vi "găm đất, thổi giá", tạo "sốt ảo". 

Nhiều môi giới còn lừa đảo khách hàng bằng "dự án ma", bằng thông tin thất thiệt gây hậu quả nặng nề cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của các chủ đầu tư chân chính. 

Ngoài ra còn có hiện tượng các sàn giao dịch câu kết với nhau "ôm hàng", "tạo sóng", gây "sốt ảo" ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Tình trạng sàn giao dịch khi hoạt động đã không tuân thủ quy định phải đăng ký, phải báo cáo kết quả hoạt động với cơ quan quản lý. 

Nhiều sàn giao dịch trở thành đối tượng chính tạo ra "sốt đất", lũng đoạn thị trường bất động sản ở nhiều địa phương, gây hệ lụy xấu cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế địa phương nói chung.

Điều 78 Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định về trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; Quản lý hành nghề môi giới bất động sản, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và các dịch vụ bất động sản khác trên địa bàn; Thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản trên địa bàn...

Tuy nhiên trong thời gian qua, Bộ Xây dựng nhìn nhận, việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác kinh doanh dịch vụ bất động sản trên địa bàn ở một số địa phương còn hạn chế.

“Việc theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý còn chưa kịp thời, còn để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt tình hình các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản, các sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản còn chưa được thường xuyên và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật...” - Bộ Xây dựng chỉ rõ. 

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên, chỉ 40.000 người có chứng chỉ môi giới bất động sản, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản.