Đó là một trong rất nhiều tình huống trớ trêu mà bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tiếp nhận mới đây.
KHI THẦY BÓI QUYẾT ĐỊNH THAY THẦY THUỐC
Người phụ nữ ở Hà Nội, mang thai tuần thứ 39, có dấu hiệu chuyển dạ sớm 3 ngày so với dự sinh nên nhập viện theo dõi. Tuy nhiên, khi khám, bác sĩ phát hiện có phân su trong nước ối, tim thai thay đổi bất thường, nước ối chuyển màu. Đây là những dấu hiệu cảnh báo suy thai điển hình, cần mổ bắt con ngay.
Đặc biệt, tình trạng này là một trong 3 nguyên nhân phổ biến dẫn tới tử vong khi sinh. Bởi suy thai gây thiếu oxy não cho bé. Điều đó không chỉ để lại nhiều di chứng cho sự phát triển tâm lý và vận động của trẻ sau này mà còn đe dọa trực tiếp tính mạng của mẹ và bé.
Bác sĩ Đạo giải thích nguy cơ của bệnh nhưng thai phụ, gia đình cho rằng "chưa đến 'giờ đẹp' theo lời thầy bói đã bảo", nên không đồng ý để bác sĩ mổ ngay. Bác sĩ phải thuyết phục, thậm chí còn "đe doạ", không để những người ít hiểu biết về y khoa quyết định sự an toàn hay tính mạng của mẹ và con. Cuối cùng, gia đình chấp nhận theo chỉ định của bác sĩ. Em bé chào đời khỏe mạnh, thoát nguy cơ gặp di chứng do suy thai.
Ông cũng cho hay chuyện bệnh nhân tin vào "giờ đẹp, ngày đẹp" và chỉ xin mổ vào thời điểm này rất phổ biến. Vị bác sĩ và đồng nghiệp gặp không ít thai phụ dù có những dấu hiệu nặng như tiền sản giật, nguy cơ mất mạng, mất con, vẫn cố xin trì hoãn chờ qua mùng 1 (Âm lịch) mới phẫu thuật.
Ngoài ra, nhiều trường hợp có tiền sử mổ lấy thai 2-3 lần, chuyển dạ có cơn co nhiều nhưng bệnh nhân vẫn cố tình trì hoãn để được "giờ đẹp" hoặc sang ngày mới. Bởi thầy bói "phán" ngày vào viện là ngày xấu. Trong khi đó, hành động này có thể gây nứt, vỡ tử cung.
Vỡ tử cung là tai biến sản khoa nghiêm trọng, là nỗi ám ảnh của bác sĩ. Bệnh cảnh này gây máu chảy ồ ạt trong ổ bụng, thai bị thiếu máu ngay lập tức, còn mẹ sẽ bị sốc mất máu. Nếu không can thiệp nhanh, nguy cơ mất cả mẹ và con là điều có thể xảy ra.
Dù đã cố gắng thuyết phục, giải thích nguy cơ, không ít trường hợp rất đáng tiếc xảy ra vì thai phụ, gia đình chần chừ, cố trì hoãn. "Có trường hợp bác sĩ khám thai thấy có dấu hiệu bất thường, chỉ định nhập viện theo dõi, cần thì mổ ngay. Tuy nhiên, thai phụ ậm ừ, lấy lý do bận chuẩn bị, nhà có việc... để 'trốn', thực chất là chưa chọn được "giờ đẹp", thậm chí nhân viên y tế gọi điện lại không nghe máy. Hôm sau, thai phụ vào viện, phát hiện mất tim thai, lúc này chỉ biết ân hận...", bác sĩ chia sẻ.
SẢN PHỤ CHỌN "GIỜ ĐẸP", BÁC SĨ QUÁ TẢI
Theo chia sẻ của bác sĩ Đạo, thực tế, trong năm Nhâm Dần 2022, một số khung giờ trong một số ngày ghi nhận sự gia tăng đột biến số lượng sản phụ đăng ký mổ đẻ. Điều này làm quá tải phòng mổ, quá tải cho các nhân lực tham gia phẫu thuật.
"Phòng mổ chỉ có 10 giường, nhưng một số khung giờ có tới 15-20 ca cùng đăng ký. Nhân lực có hạn, nếu bị quá tải, sản phụ sẽ có nguy cơ không phục vụ chu đáo được. Bản thân bác sĩ cũng áp lực, không thoải mái", vị bác sĩ cho hay. Cao điểm, có bác sĩ mổ liên tiếp tới 10 ca/ngày trong hai, ba khung giờ gần nhau chỉ vì nhiều gia đình cho rằng đó là ngày đẹp.
Thực tế, nhiều trường hợp sản phụ nếu mổ giờ hành chính sẽ thoải mái hơn nhưng họ vẫn chấp nhận mổ lúc 1-3 giờ sáng hay 3-5 giờ sáng. Nhiều bác sĩ từ chối giờ mổ "oái oăm" như vậy nhưng gia đình lại không đồng ý.
"Có trường hợp nếu không được mổ trong khung giờ đã ấn định liền bày tỏ thái độ không hài lòng. Nhưng thực tế, nếu trong ca trực, chúng tôi cùng lúc có ca mổ đẻ bình thường và một ca mổ cấp cứu, cần phải ưu tiên cho ca cấp cứu. Không vì giờ đẹp của ca này mà lại để trường hợp khác gặp nguy hiểm", bác sĩ Đạo cho hay.