Chồng đưa xấp tiền, vợ chỉ lấy 1 tờ
Hôn nhân đổ vỡ, chị Trần Thùy Trang (38 tuổi, quê Lào Cai) quyết định đưa con trai sang Nhật Bản sinh sống.
Chị Trang cho biết, khi xa gia đình, làm mẹ đơn thân, chị phải đối diện rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, chị chấp nhận thử thách, cho con cơ hội sống trọn vẹn, gần gũi bên nội.
Mặc dù người chồng đầu tiên là người Nhật nhưng vốn tiếng Nhật của chị Trang không tốt, chỉ ở mức giao tiếp cơ bản. Sang Nhật, chị phải vừa làm việc vừa trau dồi thêm ngoại ngữ.
Thời gian đầu, chị đưa con đến trường mẫu giáo, rồi mới đến chỗ làm. Những ngày bé được nghỉ học, chị cho con theo mẹ đi làm.
Khi cuộc sống nơi xứ người ổn định, chị Trang thử mở lòng, tìm bạn trai qua một ứng dụng hẹn hò. Ngẫu nhiên, chị kết bạn và bắt đầu tán gẫu với chàng trai Pakistan tên Tallal Ahmed (37 tuổi) đang làm việc tại Nhật Bản.
“Lúc đầu, chúng tôi nói chuyện, hỏi han nhau rất bình thường. Tuy nhiên, anh ấy đúng kiểu tôi thích và ngược lại, tôi cũng đúng gu của anh. Thế nên, sau một tuần trò chuyện qua mạng, chúng tôi có cuộc hẹn đầu tiên”, chị Trang kể.
Ở lần hẹn đầu, chị Trang dẫn theo con trai đến gặp anh Tallal. Biết bạn gái có con riêng, anh không thay đổi thái độ, vui vẻ trò chuyện, quan tâm cậu bé.
Dù chưa từng kết hôn nhưng anh Tallal rất biết cách yêu thương, chăm sóc con trai của chị Trang.
Sự tử tế của chàng trai Pakistan khiến mẹ đơn thân yên tâm, đồng ý “góp gạo thổi cơm chung” chỉ sau 1 tháng hẹn hò.
Chị Trang và anh Tallal đều không còn ít tuổi, sống xa quê hương. Thế nên, cả hai không về Việt Nam và Pakistan làm đám cưới. Họ chỉ tổ chức lễ cưới đơn giản tại một nhà thờ hồi giáo ở Tokyo, Nhật Bản.
“Cuối buổi lễ kết hôn ở nhà thờ, anh Tallal mở ví, bên trong có một xấp tiền dày cộm. Anh bảo tôi lấy xấp tiền đó nhưng tôi chỉ rút đúng 1 tờ 1 Man (khoảng 1,6 triệu đồng).
Lúc tôi rút 1 tờ tiền, chồng và khách mời đều tủm tỉm cười. Tôi lấy làm lạ, đợi buổi lễ kết thúc mới hỏi chồng.
Anh Tallal nói, đó là quà anh tặng tôi, giống như một nghi thức của buổi lễ. Tôi muốn lấy bao nhiêu cũng được, thậm chí lấy hết vẫn không sao.
Thế nên, việc tôi rút 1 tờ tiền khiến cho anh và mọi người khá bất ngờ. Đến giờ, vợ chồng tôi vẫn giữ tờ tiền ấy làm kỷ niệm”, chị Trang kể.
Bất ngờ trước gia thế nhà chồng
“Góp gạo thổi cơm chung” được 4 năm, vợ chồng chị Trang đưa con gái 1 tuổi về thăm gia đình bên nội. Lần đầu đến Pakistan, chị rất hồi hộp, lo lắng nhà chồng không thích mình.
Dù kết hôn đã lâu nhưng vợ chồng chị Trang chưa có cơ hội về ra mắt bố mẹ chồng. Bên cạnh việc kinh doanh bận rộn, cả hai còn nhiều bất đồng, lo lắng không thể gắn bó lâu dài.
Chỉ khi con gái chào đời, tình cảm vợ chồng thắm thiết hơn. Vợ chồng chị Trang tìm được tiếng nói chung, đặt cái tôi xuống, vun đắp tổ ấm. Đó là thời điểm chín muồi để hai người giới thiệu bạn đời với người thân.
Chị Trang nhớ lại: “Lần đầu về nhà chồng, tôi ngỡ ngàng với khung cảnh lung linh trước mắt. Gia đình anh sống trong biệt thự rộng hàng ngàn mét vuông. Đặc biệt, căn biệt thự là nơi nhiều thế hệ sinh sống cùng nhau. Các thành viên nhà chồng chào đón tôi rất nhiệt tình, thân thiện”.
Dù vợ chồng chị đã tổ chức lễ cưới ở Nhật Bản nhưng nhà chồng vẫn âm thầm chuẩn bị đám cưới cho hai người tại Pakistan.
Đám cưới được tổ chức trong 3 ngày, có hàng ngàn khách mời đến tham dự. Đó là đám cưới xa hoa bậc nhất mà chị Trang chứng kiến.
Chị Trang kể, trong 3 ngày cưới, chị được mặc 3 bộ váy, đeo 3 bộ trang sức bằng vàng khác nhau.
Mỗi ngày, tiệc cưới đều tổ chức bắn pháo hoa, nhảy múa nhộn nhịp khắp một vùng.
Trở về Nhật Bản sau tiệc cưới xa hoa, vợ chồng chị Trang lại lao vào công việc, mưu sinh như bao gia đình khác.
Chị luôn tự nhủ, nhà chồng giàu, chứ vợ chồng chị không giàu. Đến giờ, chị hài lòng khi vợ chồng có nhà cửa, công việc ổn định, các con ngoan ngoãn.
10 năm hôn nhân, chị Trang và chồng Pakistan trải qua không ít thăng trầm, vui buồn có đủ. Thậm chí, chị có vài lần nộp đơn ra tòa sau những cuộc tranh luận không tìm được tiếng nói chung.
May mắn, hai người còn yêu, chấp nhận ngồi lại, sửa chữa những điều bản thân chưa làm tốt.
Hiện tại, vợ chồng chị Trang cho con gái nhỏ về Việt Nam học tập, còn con trai lớn tiếp tục sinh sống ở Nhật Bản. Hai người không ngại vất vả, đi lại giữa Việt Nam và Nhật Bản để chăm sóc các con.
Những lúc nhàn rỗi, cả nhà chị Trang cùng nhau du lịch, thăm nội ngoại, thắt chặt tình cảm gia đình.
Ảnh: Nhân vật cung cấp