Bệnh nhân là Võ Phạm Ngọc Thảo (19 tuổi). Thảo đã trải qua 3 đợt nằm viện trong hơn 1 tháng. Lần đầu tiên, Thảo bị sốt, phát ban và vào Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) điều trị 5 ngày. Sau đó, em trở về đi làm bình thường.
Khoảng 2 tuần sau, cô gái sốt cao, nổi ban nhiều ở khuỷu tay, đầu gối. Lúc này, em nhập viện điều trị nhiễm trùng máu. Khi hết sốt, bệnh nhân chuyển sang trạng thái tiêu tiểu không kiểm soát, không nhận ra người thân, không hợp tác ăn uống. Bác sĩ chọc dịch não tủy nghi ngờ Thảo bị lao màng não nên chuyển viện để điều trị chuyên khoa.
“Bác sĩ cho đặt ống để nuôi ăn nhưng Thảo cắn vào hàm chảy máu rất nhiều. Tôi cố gắng cho con ăn từ từ, nhiều ngày sau mới tỉnh", mẹ bệnh nhân nói.
Sau khi xuất viện ít ngày, bệnh lại bùng phát. Mẹ đưa Thảo vào Bệnh viện Thống Nhất. Lần này, các bác sĩ đã xác định cô gái mắc bệnh lupus ban đỏ sau khi thực hiện thêm nhiều xét nghiệm và hội chẩn.
Theo bác sĩ Hoàng Quốc Nam, phụ trách Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Thống Nhất, bệnh lupus ban đỏ gây tổn thương nặng nhiều cơ quan, dẫn tới các triệu chứng đa dạng và giống nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, khi khởi phát, người bệnh thường khám ở nhiều chuyên khoa, nhiều trường hợp mất vài năm mới chẩn đoán được bệnh.
Với trường hợp của Thảo, tình trạng bệnh chuyển biến tốt sau khi điều trị theo phác đồ lupus ban đỏ. Cô gái có thể ngồi dậy nói chuyện, ăn uống. Các tổn thương về não, da, khớp, thận, tế bào máu... dần hồi phục. Người bệnh phải tiếp tục dùng thuốc kiểm soát nếu không, bệnh sẽ bùng phát trở lại.
Bác sĩ Nam cho biết gánh nặng lớn nhất của bệnh nhân này là kinh tế và tâm lý. Cô gái phải dùng thuốc vài trăm nghìn đồng mỗi ngày trong khi hoàn cảnh khó khăn. Do đó, các bác sĩ liên tục động viên Thảo cố gắng không bỏ cuộc.
Trong quá trình điều trị, mặc dù trí não chưa hồi phục, lúc nhớ lúc quên, Thảo vẫn lo lắng cho mẹ, thương mẹ vay tiền khắp nơi chạy chữa cho mình.
“Hôm nghe tiền phòng cao, nó ngồi khóc vì thương mẹ. Tôi động viên con bệnh này có thuốc điều trị, phải lạc quan, không suy nghĩ nhiều”, mẹ của Thảo nói. Hiện người mẹ là lao động duy nhất trong gia đình. Thảo còn 2 em sinh đôi 15 tuổi, đang dở dang việc học. Trước khi mắc bệnh, Thảo làm nhân viên tiệm bánh để phụ mẹ nuôi em.
Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn (cơ thể tự sản xuất ra kháng thể chống lại chính bản thân), thường gặp ở phụ nữ trẻ 20-30 tuổi. Hiện, y khoa chưa thể điều trị dứt điểm lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát để hạn chế tái phát. Nếu khống chế tốt, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ Nam cho hay hầu hết người trẻ mắc bệnh này đều hoang mang, bị sốc vì nghĩ mình là gánh nặng. Càng stress, bệnh càng bùng phát dữ dội. Trong trường hợp không đủ điều kiện kinh tế, người bệnh bỏ tái khám dễ rơi vào nguy kịch.