Video 15 phút kiếm 76.000 USD
Trào lưu mukbang xuất hiện tại Hàn Quốc cách đây hơn 10 năm và nhanh chóng lan sang nhiều nước khác. Công việc của những mukbangker đơn giản là ăn và trò chuyện với người xem.
Nhờ có nhiều người theo dõi, họ trở nên nổi tiếng, kiếm thu nhập khủng từ các thương hiệu thực phẩm và đồ uống mà họ nhận quảng cáo.
Tzuyang là một trong những mukbang nổi tiếng nhất Hàn Quốc, với gần 8 triệu người theo dõi trên kênh YouTube. Theo Money Today, một công ty mì ramen của Hàn Quốc, mới đây đã tiết lộ chi phí quảng cáo sản phẩm trên kênh của Tzuyang khiến nhiều người bất ngờ.
Chi phí quảng cáo một lần trên kênh của cô ngang với việc công ty ký hợp đồng quảng cáo với các ngôi sao hàng đầu xứ kim chi. Với một video dài khoảng 15 phút, Tzuyang nhận được 76.000 USD. Trong khi đó, hợp đồng quảng cáo với các thương hiệu của nam diễn viên Gong Yoo hay vận động viên Kim Yuna rơi vào khoảng 767.000 USD/năm.
Để nhận mức thù lao này, những người nổi tiếng trên phải tham gia nhiều chiến dịch truyền thông, bao gồm quảng cáo trên truyền hình, mạng xã hội và các hình thức khác trên Internet, theo Koreaboo.
Giữa năm 2022, Tzuyang bị nhiều người chỉ trích vì có hành vi quảng cáo "chui", lừa dối khán giả khi ẩn mác tài trợ trong các video của mình. Làn sóng phẫn nộ khiến cô phải lên mạng xin lỗi, tuyên bố bỏ nghề mukbang.
Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng sau, cô mở lại kênh cá nhân, tiếp tục đăng video ăn uống. Trong một chương trình truyền hình, cô nàng lại gây tranh luận khi chia sẻ sức khỏe mình tốt lên, thậm chí giảm được cân dù ăn uống nhiều và không tập thể dục.
Mặt trái của mukbang
Từ mukbang xuất phát từ hai từ tiếng Hàn là muk-ja (ăn) và bang-song (phát sóng). Trong các video, người chơi thường sẽ ăn nhiều loại đồ ăn khác nhau.
Một mukbanger có thể nhai ngấu nghiến mọi thứ, từ hàng chục bát mì ramen, đến những xô KFC, nhiều chiếc pizza, đống chân cua, thùng kẹo và thậm chí cả đống salad.
Các video mukbang nhằm mục đích khiến người xem "cảm nhận" được trải nghiệm ăn uống. Sử dụng micrô độ nhạy lớn, họ có thể ghi lại chi tiết các âm thanh như nhai, lạo xạo, xì xụp và nuốt.
Công việc "ăn uống vô tội vạ" từng mang lại thu nhập cho những người chuyên nghiệp 10.000 USD/tháng, chưa bao gồm tài trợ từ các thương hiệu đồ ăn, thức uống. Những kênh thu hút càng nhiều người xem thì nguồn thu nhập càng cao.
Mặc dù mang lại thu nhập cao nhưng việc trở thành mukbanger cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khoẻ như béo phì, đau dạ dày... Trong quá trình quay video, họ mua nhiều thức ăn vượt quá nhu cầu, gây lãng phí thực phẩm.
Bên cạnh đó, những video này khuyến khích hành vi ăn uống không lành mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý của người xem.
Trong những năm gần đây, mukbang dần thoái trào. Ngày càng nhiều video câu view phản cảm như ăn đồ kỳ lạ, mất vệ sinh, động vật quý hiếm. Trào lưu này cũng bị chỉ trích, thậm chí cấm, ví dụ như ở Trung Quốc vì gây lãng phí thực phẩm, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, thúc đẩy xu hướng ăn uống thiếu lành mạnh.
Trào lưu mukbang mới
Ngày càng có nhiều khán giả nhận thức về sự lãng phí của những buổi mukbang khổng lồ. Họ bắt đầu đánh giá cao những người biết kiềm chế, tiết kiệm trong ăn uống.
Từ đó, xuất hiện trào lưu mới, gọi là "sosik mukbang". Thay vì cố gắng tiêu thụ lượng lớn thức ăn, giờ đây người thực hiện nội dung chuyển sang ăn ít. Không tập trung vào số lượng ăn, họ dành nhiều thời gian để tận hưởng bữa ăn, chất lượng thực phẩm, bình tĩnh và nhai kỹ thức ăn.
Nhà phê bình văn hóa Lee Taek Gwang nhận định: "Vì thị trường mukbang ăn nhiều đang bão hòa nên trào lưu ăn ít xuất hiện như một điểm sáng mới. Điểm chung của những nội dung này là khiến người xem nghĩ rằng điều đó thật khó tin, tại sao họ có thể ăn nhiều hay ăn ít như vậy".
Trào lưu ăn ít được nhiều người ca ngợi là tượng trưng cho nhận thức về môi trường, biến đổi khí hậu, tiết kiệm.