Mở cửa phiên giao dịch 12/10, thị trường ở trong tình trạng thăm dò và dòng tiền vào từ từ. Tới giữa phiên, cổ phiếu Nhà Khang Điền bất ngờ từ giá tham chiếu bật lên tăng kịch trần với sức mua khá lớn.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng sau đó tăng mạnh. Cổ phiếu Ngân hàng Vietinbank (CTG) dẫn sóng nhóm nhà băng với cú bứt phá tăng hết biên độ cho phép. Cổ phiếu Sacombank (STB) của ông Dương Công Minh và sau đó là Ngân hàng Á châu (ACB) của nhà ông Trần Hùng Huy cũng tăng chân tăng trần.
Cổ phiếu BIDV của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cũng nhấp nhổm tăng thêm 7%.
MBBank cũng có lúc tăng trần. Một số mã giảm sâu trước đó như Chứng khoán SSI, Thép Hòa Phát cũng có lúc tăng hết biên độ cho phép.
Cú bứt phá của nhóm ngân hàng (với phần lớn nằm trong nhóm 30 cổ phiếu trụ cột trên sàn – nhóm VN30) đã giúp thị trường chứng khoán thêm sôi động, qua đó giúp VN-Index có lúc tăng gần 25 điểm lên trên ngưỡng 1.030 điểm.
Nhiều nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm khi VN-Index không bị thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trong 1.000 điểm sau khi suýt mất mốc này trong phiên liền trước.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh sau khi Chứng khoán SSI đưa ra dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng tăng mạnh trong quý III, trong đó có nhà băng lãi gấp đôi cùng kỳ. Theo đó, Vietcombank sẽ đạt 7.400 - 7.600 tỷ đồng, đứng đầu ngành ngân hàng. Lợi nhuận ước tính cho năm 2022 và 2023 lần lượt là 34 nghìn tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ) và 41 nghìn tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ).
Trong khi BIDV có thể lãi quỹ III khoảng hơn 6.000 nghìn tỷ đồng, tăng 120% so cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM ổn định.
Thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại sau khi VN-Index mất hơn 500 điểm kể từ đầu tháng 4, rơi từ đỉnh cao 1.525 điểm xuống sát ngưỡng 1.000 điểm trong phiên giao dịch ngày 11/10 với thanh khoản suy giảm.
Một số tổ chức tài chính lớn trên thế giới nguy cơ khủng hoảng khi mà ngân hàng trung ương nhiều nước thắt chặt tiền tệ.
Nhiều thị trường chứng khoán thế giới, từ Mỹ tới châu Âu và châu Á giảm mạnh do lo ngại lạm phát, lãi suất cao và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịch vụ trên thế giới suy giảm sẽ bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Nước Mỹ được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung khi dòng tiền eo hẹp.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế và doanh nghiệp niêm yết không quá xấu cùng với mức giảm giá sâu của đa số cổ phiếu khiến cầu bắt đáy tăng và được dự báo có thể hồi phục mạnh sau khi tình hình thế giới ổn định.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam là một điểm sáng trong nền kinh tế thế giới. Tổ chức này vừa dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đứng đầu nhóm ASEAN-5, trong khi đó hạ mạnh tăng trưởng GDP khu vực châu Á. IMF tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7% trong năm 2022, tăng so với dự báo 6% trong dự báo đưa ra hồi đầu năm.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhất trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN-5), gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Nhóm ASEAN-5 được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm nay, so với mức 3,4% vào năm 2021 nhưng sẽ tụt xuống 4,9% trong 2023.
Trước đó, nhiều tổ chức nâng hoặc giữ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức rất cao.
Đầu tháng 10, Ngân hàng UOB đã nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 7% được đưa ra trước đó nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất và dịch vụ kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại.
Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 6,9% và đánh giá Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh. WB dự báo 7,2%, còn ADB ước tính Việt Nam tăng 6,7%. Moody’s thậm chí dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,5% trong năm 2022.
Một số tờ báo tại châu Âu và Mỹ gần đây đưa ra nhiều mỹ từ đánh giá về nền kinh tế Việt Nam, trong đó có tờ gọi 'Việt Nam là con hổ mới của châu Á. Theo đó, Việt Nam được cho là ngày nay đã trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi và có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Á.