"Cho nó lành"
Bác tôi có một miếng đất trong ngõ nhỏ, gần một số cơ quan, trường học nên bác xây 3 gian cấp 4 để cho thuê để có thêm thu nhập. Một hôm bác gọi điện cho tôi bảo: Có cán bộ phường vừa gọi điện thoại nhắc nhở việc đảm bảo an ninh trật tự, nhưng đồng thời, thúc bác hỗ trợ cho ít tiền để đi nghỉ mát.
Vậy nên bác nhờ tôi chuyển tiền cho họ phần vì bác tôi già cả, phần vì tôi làm gần trụ sở. Tôi phản ứng chuyện “cho tiền” dễ dàng của bác, nhưng bác tặc lưỡi bảo, thôi cháu giúp bác "cho nó lành".
Tôi thông cảm cho bác vì có lẽ, ông cảm thấy tổn thương khi ra phường, cảm giác tôi đã trải qua. Có lần tôi lên phường làm giấy xác nhận, vị trực ban hất hàm nói cộc lốc: “Chị ngồi xuống. Xin giấy cho ai? Xin để làm gì?... Cán bộ phụ trách bận rồi, tối chị quay lại”.
Có không ít cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ công nhưng lại tự cho mình quyền ban phát hoặc đòi hỏi đối với người dân, hay nhân viên cấp dưới.
Tôi từng chứng kiến một ông sếp quăng đống tài liệu lên bàn và mắng cấp dưới như tát nước vào mặt: “Mày có trình độ mà như thế, làm thế này thì cạp đất mà ăn, về làm lại đi!”.
Lại có chuyện thật mà rất khôi hài, có ông sếp nọ chuyên dùng vợt cầu lông vụt đen đét vào cậu nhân viên đánh đôi với ông và mắng cậu ấy bằng lời lẽ rất bậy trong những trận đánh cầu lông dù chỉ là giao hữu.
Ngay cả mấy công nhân thu gom rác ở khu phố nhà tôi cũng thể hiện quyền lực, cứ buổi sáng đến giờ đi làm, người xe đông đúc ách tắc nhưng chiếc xe gom rác chậm rãi thả dáng từ đầu đến cuối phố, chềnh ềnh giữa đường như một sự đương nhiên vì đang "thi hành công vụ" cơ mà.
Vị trí càng cao, quyền lực càng lớn, tác động càng nhiều. Có những cán bộ khi đã lên chiếc ghế quyền lực thì quên mất xuất xứ nông dân, quay lưng lại với nhân dân. Từ chuyện đối nhân, xử thế như vung tay, hất mặt, quát mắng, xúc phạm người khác đến chuyện ban phát dự án cho cánh hẩu, nhóm lợi ích mà Đảng đã chỉ ra trong nhiều văn kiện.
Những tình huống này đúng như người ta vẫn nói “quyền” đi đôi với “hành”.
Càng phân cấp – mà đó là chủ trương đúng – thì càng nhiều quyền lực được tạo ra cho chính quyền cơ sở. Nhưng, có quyền dễ dẫn đến lạm quyền, nếu không được kiểm soát.
Trong khi đó, bản chất con người là tư lợi, vị kỷ khiến những người có quyền dễ bị cám dỗ. Càng có quyền, càng dễ thực hiện được những mong muốn cá nhân và tham vọng của con người. “Quyền lực tuyệt đối…” mà.
Để thoả mãn bản thân, nhiều cán bộ lạm dụng “quyền” trong “hành” khi tương tác với dân, với doanh nghiệp. Lạm dụng quyền thái quá dẫn đến những hành vi lệch lạc, sai trái, vi phạm đạo đức, vi phạm các quy định và pháp luật.
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình
Hiện tượng này đang gây bức xúc trong xã hội và cần được xử lý hiệu quả. Các cơ quan công sở cần thiết lập và truyền thông rõ ràng về quy tắc ứng xử của cán bộ nhân viên. Ở một số cơ quan đã đóng khung các khẩu hiệu và quy tắc ở ngay nơi làm việc, vừa làm kim chỉ nam cho thái độ hành vi của cán bộ, công chức, vừa để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Cũng cần thiết lập thêm các hình thức tiếp nhận phản ánh của nhân dân như đường dây nóng, số điện thoại, email, hòm thư, lập page. Những việc này cần phải làm nghiêm túc và có trách nhiệm, biến nó thành văn hoá tổ chức để mọi người luôn tự ý thức và nhắc nhở lẫn nhau chứ không phải chỉ để hô hào.
Bên cạnh đó, ở những cơ quan công quyền hay tiếp xúc trực tiếp với dân cần ghi rõ quy trình và quy định làm việc để tạo thuận lợi cho người dân. Trong công việc ở cơ quan cần thực hiện mô tả công việc, phân định trách nhiệm rõ ràng cho từng vị trí và chế tài đối với người vi phạm.
Đồng thời, đề cao và đẩy mạnh góp ý chính sách, phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia và giám sát chéo giữa các bên là không thể thiếu. Làm như vậy, mỗi cán bộ, công chức sẽ thường xuyên tự kiểm điểm bản thân, bớt lạm dụng quyền theo kiểu “hành” người khác và thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ được giao.
Suy cho cùng đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là một thước đo tốt giúp hạn chế lạm quyền, dẫn đến “hành” dân.
Đỗ Hải