Người Thái chạy hết sang gian hàng Việt ăn trưa
Tại Hội thảo và trưng bày sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo với chủ đề “Tiêu chuẩn và chất lượng - con đường Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới”, bà Vũ Kim Hạnh,Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, xu thế tiêu dùng thực phẩm trên thế giới đang thay đổi. Trong đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới thực phẩm thực vật, tốt cho sức khoẻ và tiện lợi cho cuộc sống.
Thái Lan là quốc gia làm rất tốt điều này. Bà dẫn chứng, sản phẩm súp sầu riêng ăn liền, chỉ cần mua về bỏ vào lò vi sóng hâm nóng lên có thể ăn được. Hay quả măng cụt bán bên ngoài chỉ 25.000 đồng/kg, họ đem nấu với cà ri cùng tôm thẻ để mời khách thưởng thức. Ai ăn cũng bị hấp dẫn bởi mùi vị thơm ngon.
Không chỉ đầu tư nghiên cứu sâu, có công nghệ chế biến tốt, họ còn làm marketing rất giỏi. Người Thái chỉ cần bỏ ra 10 đồng để làm truyền thông quảng bá sản phẩm, tương đương với người Việt bỏ ra 1.000 đồng.
Đây là những lý do giúp Thái Lan thu về 33 tỷ USD từ việc xuất khẩu thực phẩm chế biến trong năm 2021. Bộ Nông nghiệp Mỹ từng đánh giá “Thái Lan là một trong những nhà cung cấp nông sản hàng đầu thế giới chủ yếu nhờ lĩnh vực thực phẩm phát triển và được toàn cầu công nhận về tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng”.
Bà Bùi Thị Sương - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam - thừa nhận, sức hút của món ăn Việt rất mãnh liệt.
Bà nhớ lại một lần làm chương trình quảng bá ở Thuỵ Điển, một đài truyền hình hỏi sự khác biệt và tương đồng giữa ẩm thực Việt và Thái Lan. Họ khá ngạc nhiên bởi tại Thụy Điển, nhiều nhà hàng bán nguyên liệu và gia vị Thái, còn tìm nhà hàng Việt để thưởng thức món ăn lại vô cùng khó khăn.
Lần đó, đoàn của bà làm 36 món ăn ở một khách sạn 5 sao tại Thuỵ Điển, được người dân nơi đây hưởng ứng nhiệt tình. Đặc biệt, tại quầy phở rất đông, xếp thành hàng dài chờ ăn. Thậm chí, có người bà thấy quen mặt liền hỏi chuyện, sau đó vị khách thừa nhận đây là tô thứ 3 họ ăn.
“Đến Mỹ, tôi ngạc nhiên sao tô phở ở đây to gấp 3 lần bình thường. Như vậy sao có thể nào ăn hết nổi. Nhưng 3 tháng ở đó, tôi thấy rất bình thường. Họ thích ăn phở nên phải làm tô thật to”, bà nói.
Một chuyên gia ẩm thực kể, tham gia chương trình ẩm thực ở Ấn Độ, gian hàng Việt lúc nào cũng đông hơn. Đến giữa trưa, các nhân viên Thái Lan còn sang gian Việt thưởng thức món ăn. Điều này chứng tỏ món ăn Việt ngon, có sức hút.
Trước khi ra thế giới, hãy làm cho người Việt ăn ngon
Việt Nam cũng là một cường quốc về nông sản, có nhiều loại đặc sản thơm ngon tạo ra các món ăn vùng miền riêng biệt. Ông Chiêm Thành Long - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam, chỉ rõ, nhiều người khi nói phở, chả giò, bún chả,... đều khen ngon, nhưng đến nay chúng ta lại không có thương hiệu nào lớn nổi tiếng trên thế giới.
Ông nhìn nhận, nhiều sản phẩm mình phát triển được ra thị trường thế giới nhưng lại không "lớn" nổi ở thị trường nội địa. Theo ông, đó là do sự quảng bá. Nhiều khi người làm còn tự ti, nghĩ sản phẩm của mình ai cũng biết, không cần phổ biến.
“Chúng ta phải phổ biến, quảng bá từ cách đóng gói, cách phát triển, thậm chí là hướng dẫn cách chế biến sao cho ngon nhất. Từ đó sẽ có thương hiệu cho nền ẩm thực Việt Nam”, ông chia sẻ và không quên nhấn mạnh, muốn làm được điều này cần có hiệp hội ngành hàng cầm cờ chỉ dẫn.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), đánh giá, chúng ta có mạch ẩm thực và ngành kinh tế thực phẩm. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển cả hai mạch này.
Ông cho rằng, người Tây họ tìm kiếm các món ăn Việt vì sự trải nghiệm. Còn người Việt ra nước ngoài ăn vì nỗi nhớ, hoài niệm. Ở trong nước ăn bằng vị giác, khứu giác... Đặc biệt, nước ta có nhiều đặc sản, người Việt đôi khi chưa hết hết các món ăn vùng miền. Do vậy, phải truyền thông quảng bá để nó trở thành niềm tự hào của mỗi người.
Cách làm của Thái Lan chúng ta cần học hỏi. Từ văn hoá đồ ăn đường phố, bán hàng là thế mạnh của Thái Lan, ông Toản lưu ý.
Liên quan đến ngành kinh tế thực phẩm, kinh tế nông nghiệp ở nước ta, chuyên gia Phạm Chi Lan nói: “Nông dân cay đắng vì hàng năm phải nhờ đồng bào giải cứu nông sản. Người tiêu dùng Việt lúc nào cũng có cảm giác mình ăn thực phẩm bẩn. Việt Nam có nền nông nghiệp lớn, nền ẩm thực lớn nhưng lại để con người Việt thấp còi”.
Bà cũng hy vọng Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới. Song trước đó, hãy là bếp ăn của dân Việt, bởi người tiêu dùng Việt cũng đáng được ăn những bữa ăn chất lượng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời, để thế giới thấy rằng người Việt cũng tự hào về những điều đó. Như vậy, khi đưa sản phẩm bán tại các nước, khách hàng sẽ tin tưởng vào hàng Việt hơn.
"Khởi nghiệp đi ra thế giới rất tốt, nhưng không nhất thiết. Có thể từ thị trường trong nước, phục vụ người Việt đã rất giỏi rồi, sau đó bước ra thế giới cũng chưa muộn", bà Lan khẳng định.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cách quảng bá truyền thông của chúng ta manh mún, cần làm bài bản, chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, tận dụng mạng xã hội hiện nay để quảng bá tới tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Song, thay bằng lên facebook khoe “có Bộ trưởng đến thăm doanh nghiệp” thì hãy kể cho mọi người nghe về những câu chuyện xung quanh sản phẩm của mình.