Kỳ 1: Cốc uống bia huyền thoại ở Hà Nội, khách Tây mê mẩn mua về nước
Kỳ 2: Những người thợ nhọc nhằn mỗi ngày thổi 3.000 cốc bia hơi ở Nam Định
Kỳ 3: Con trai ‘tổ nghề’ kể về thời hoàng kim của chiếc cốc bia huyền thoại
Rời khỏi làng nghề Xối Trì (Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định), nơi chỉ còn 3 lò thổi thủy tinh thủ công làm ra chiếc cốc bia huyền thoại, chúng tôi trở lại Hà Nội với cuộc hẹn đặc biệt.
Đón chúng tôi tại căn nhà trong ngõ nhỏ ở quận Đống Đa (Hà Nội) là người đàn ông ngoài 80 tuổi, họa sĩ Lê Huy Văn, “cha đẻ” của chiếc cốc thủy tinh uống bia hơi huyền thoại.
Người họa sĩ “khoe” với chúng tôi tập tài liệu ông dày công sưu tầm trong nhiều năm qua. Đó là hàng trăm trang giấy in các bài báo trong và ngoài nước viết về nghề thủ công ở Việt Nam, về chiếc cốc thủy tinh được sản xuất 100% thủ công gắn liền với thú vui uống bia hơi dân dã.
“Tới năm 2026 là chiếc cốc này tròn 50 tuổi đấy”, họa sĩ Lê Huy Văn hào hứng chia sẻ.
Chiếc cốc huyền thoại bị chính ‘cha đẻ’ quên lãng
Họa sĩ Lê Huy Văn cũng không ngờ tác phẩm thiết kế rất nhỏ đó của ông lại trở thành một vật dụng quen thuộc, gắn bó với nhiều thế hệ.
Trước đây, đất nước trong thời kỳ bao cấp, đời sống rất khó khăn, bia hơi là một mặt hàng xa xỉ với nhiều người. Thế nhưng, những cửa hàng bia mậu dịch luôn có khách xếp hàng dài chờ mua.
Thời ấy chưa có cốc uống bia chuyên dụng, các cô mậu dịch viên thường rót bia vào cốc chén bằng sành hay gốm rồi bán cho khách. Nhiều người nhẫn nại xếp hàng để mua bia, đến lượt là uống luôn tại chỗ vì cốc bé quá uống “không đã”. Cảnh tượng dòng người xếp hàng quay vòng chưa kịp mua tiếp cốc thứ 2 thì đã hết bia không phải là hiếm.
Họa sĩ Lê Huy Văn khi đó đang làm việc tại Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp Trung ương. Ông được chủ nhiệm gọi lên giao nhiệm vụ thiết kế chiếc cốc phục vụ nhu cầu uống bia của nhân dân.
Là người tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế công nghiệp tại Đại học Mỹ thuật Burg Giebichenstein Halle (Đức), tiếp xúc với các sản phẩm tinh hoa của nước ngoài, ông Văn trăn trở tìm tòi để thiết kế chiếc cốc phù hợp với thói quen của người Việt.
“Thời ấy có các loại cốc thủy tinh của Đức, Trung Quốc và cốc 7 kopeek của Liên Xô nhưng giá đắt nên không thể nhập về. Vì thế, thủ trưởng giao nhiệm vụ, tôi bắt tay vào làm luôn”.
Bản thân ông Văn không ngờ, chỉ chưa đầy một giờ thiết kế, ông đã tạo nên một huyền thoại.
“Năm 1974, tôi trực tiếp mang bản vẽ tới xưởng để sản xuất thử. Ba ngày sau, chiếc cốc thủy tinh đầu tiên chính thức ra lò tại hợp tác xã thủy tinh Dân Chủ”, họa sĩ Lê Huy Văn nhớ lại.
Chiếc cốc bia dung tích 0,5 lít, miệng loe, đáy dày; thành cốc có gờ để dễ cầm, dễ dàng xếp chồng lên nhau, khi rút ra không bị dính hút được nghiệm thu, đưa vào sản xuất đại trà. Ông Văn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Từng có thời kỳ tôi quên lãng chiếc cốc này. Bởi đó là công việc hàng ngày và là một trong vô số tác phẩm tôi được giao nhiệm vụ thời đó”, họa sĩ ngành Mỹ thuật ứng dụng Lê Huy Văn cho biết.
Những vị khách lạ
Hai năm sau, năm 1976, chiếc cốc bia bình dân, sản xuất từ thủy tinh tái chế đã trở thành một sản phẩm phổ biến ở các cửa hàng mậu dịch.
Và tới bây giờ, sau gần 50 năm, chiếc cốc được nhiều người gọi với cái tên “cốc cóc gặm” ấy trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của những người thích uống bia hơi.
Họa sĩ Lê Huy Văn cũng hết sức bất ngờ vì chiếc cốc với kiểu dáng đơn giản lại có sức sống mãnh liệt như vậy.
Ông cho rằng, chiếc cốc ấy có thể tồn tại bền vững với thời gian là vì tính độc đáo có 1-0-2 của mỗi sản phẩm: kiểu dáng mộc mạc, thiết kế giản đơn, giá thành rẻ, là sản phẩm chỉ được sản xuất thủ công.
Nhìn vào bản phác thảo vẽ chiếc cốc năm đó và giá trị của nó trong những năm qua, người họa sĩ rưng rưng tự hào.
“Năm 1986, một người Đức đặt mua 5 container cốc thủy tinh thủ công này mang về nước. Tuy nhiên, kỹ thuật đóng gói và vận chuyển thời đó còn lạc hậu. Những chiếc cốc thủy tinh được đựng trong thùng làm bằng gỗ ép, lót bằng rơm, trải qua nhiều khâu trung chuyển trước khi cập cảng nước Đức đã bị vỡ 2/3. Vị khách tưởng mình đã mua được lô hàng thủ công giá rẻ, không ngờ lại thành đắt”, họa sĩ Huy Văn chia sẻ.
Họa sĩ Lê Huy Văn cùng gia đình tiếp đãi bạn bè với chiếc cốc vại thủy tinh. Ảnh: NVCC
Nói rồi, ông lại tiếp tục lật giở những trang tài liệu thu thập được, kể cho chúng tôi nghe về từng vị khách đặc biệt tìm tới mình vì chiếc cốc bia thủy tinh.
Ông kể: “Kiến trúc sư, nhà thiết kế, chuyên gia người Đức Tobiast Kuester Campioni sang sống ở Việt Nam 3 năm, trong nhà toàn dùng loại cốc này. Trước khi về nước, ông ấy đi lùng mua mãi. May mắn tìm được một người ở phố Cầu Gỗ có bán, ông đã mua hết cả lô cốc ế của bà chủ. Cả chủ và khách cười như được mùa”.
"Năm 2018, trước khi về nước, vị Phó Đại sứ Đan Mạch tìm mãi mà không thể mua được mấy chục cốc thủy tinh bia hơi Hà Nội mang về làm kỷ niệm. Cô thư ký đại sứ quán tìm đến tôi, tôi đã gửi tặng ông để ông nhớ đến Việt Nam. Không ngờ sau đó ông đã gửi tặng lại tôi tấm ảnh ý nghĩa này", chỉ tay vào bức ảnh, ông Lê Huy Văn vui vẻ nói.
Chuyên gia thiết kế cao cấp Daniel Schuerer (CHLB Đức) từng có bài chia sẻ trên truyền hình về chiếc cốc của họa sĩ Lê Huy Văn: “Loại cốc vại này không chỉ đặc biệt hấp dẫn vì nó hết sức đơn giản và kiểu dáng sống mãi với thời gian mà vì các vại bia này không cái nào giống y hệt cái nào.
Cốc được sản xuất thủ công nên kích cỡ không hoàn toàn như nhau, lượng bọt khí cũng có hình thù và số lượng khác nhau. Chính những đặc điểm này làm cho vại bia Hà Nội có cái đẹp, cái duyên riêng của nó. Những quán bia có tiếng ở Thủ đô Hà Nội không thể vắng bóng loại cốc vại một thời này.
Đối với nhiều cư dân Hà Nội, bia hơi và cốc vại rất thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, cốc vại của Lê Huy Văn thực sự đã trở thành một thiết kế mang tính kinh điển”.
Nghe chúng tôi kể về thực tế tại làng nghề thủ công thổi những chiếc cốc uống bia hơi, người họa sĩ đượm buồn: “Dẫu biết không có gì là vĩnh cửu nhưng tôi vẫn hi vọng, làng nghề mãi tồn tại, chiếc cốc mãi là một huyền thoại của người uống bia hơi. Bởi với tôi, đó không chỉ là thành tựu, đó còn là nét đẹp văn hóa rất đỗi tự hào”.
LTS: Từ lâu, bia hơi vỉa hè đã trở thành nét văn hóa không chỉ của người Hà Nội mà ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điều người ta thấy thân thương không chỉ ở bia hơi mà còn ở chiếc cốc thủy tinh sần sùi màu xanh đựng bia đi cùng năm tháng. Theo thời gian, nhiều loại cốc vại ra đời nhưng vẫn không thể nào thay thế được chiếc cốc thủy tinh thủ công ấy. Tuyến bài Phía sau chiếc cốc bia hơi huyền thoại giới thiệu tới độc giả một sản phẩm thủ công truyền thống cũng như chuyện đời, chuyện nghề của những người làm nên chiếc cốc uống bia được yêu thích qua 2 thế kỷ này. |
Kỳ tới: Nỗi trăn trở của người đàn ông 70 tuổi vẫn ‘thổi ra tiền’