PV.VietNamNet trò chuyện với bà Trịnh Thị Hồng Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa - về chặng đường đưa yến sào vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch.

Chờ đợi thời cơ chín muồi

- Những sản phẩm của công ty không còn xa lạ gì với thị trường Trung Quốc, nhưng tại sao đến giờ mới xuất khẩu chính ngạch, thưa bà?

Bà Trịnh Thị Hồng Vân

Khánh Hòa được vinh danh là địa phương có số lượng hang đảo yến nhiều nhất và sản lượng khai thác yến sào đảo thiên nhiên lớn nhất Châu Á. 

Đối với Trung Quốc, từ năm 2018, Bộ NN-PTNT đã thực hiện đàm phán các bước thủ tục để xuất khẩu chính ngạch yến sào sang thị trường này. Sau 4 năm đàm phán, tháng 11/2022, Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết.

Trước thời gian này, công ty đã xuất sản phẩm yến sào sang thị trường Trung Quốc nhưng chỉ bằng đường tiểu ngạch.

Sau khi Nghị định thư được ký kết vào tháng 11/2022, tôi cùng ban lãnh đạo công ty đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình, mục tiêu cụ thể đồng thời phân công rõ nhiệm vụ từng thành viên để thực hiện công tác xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

W-trinhthihongvan-2-1.jpg
Bà Trịnh Thị Hồng Vân: Doanh nghiệp đã tìm hiểu kỹ, tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc nêu trong nghị định thư.

Công ty có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác xuất khẩu yến sào, đặc biệt là xuất khẩu đến các thị trường lớn và khó tính, nhưng đối với Trung Quốc thủ tục xuất khẩu đòi hỏi cao và rất khác biệt vì đây là thị trường tiêu thụ yến sào lớn nhất thế giới, rất am hiểu về yến sào.

Nhiệm vụ hàng đầu là phải đáp ứng các thủ tục về truy xuất nguồn gốc, thực hiện sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao theo yêu cầu đặt hàng của khách hàng, đồng thời khẩn trương hoàn thiện chuẩn xác các hồ sơ, thủ tục để phục vụ công tác đánh giá trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

Nhờ sự chủ động chuẩn bị, kỹ lưỡng và chu đáo trong từng bước, chúng tôi đã thành công. Sản phẩm tổ yến và các sản phẩm khác lần lượt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong năm 2023, đánh dấu bước tiến mới của doanh nghiệp. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu yến sào sang Trung Quốc năm 2024 của công ty sẽ đạt từ 10 triệu USD trở lên và tăng trưởng từ 35-40% so với năm trước.

-Trung Quốc là thị trường lớn, khó tính. Công ty đã chuẩn bị những gì để sản phẩm yến sào được xuất khẩu chính ngạch?

Như tôi đã chia sẻ, chúng tôi làm gì cũng vạch rõ chiến lược rõ ràng, dài hạn và mục tiêu đưa ra là phải đưa sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Trước, trong và sau khi Nghị định thư được ký, không chỉ riêng tôi mà ban lãnh đạo cùng tập thể Công ty đã dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu, sáng tạo, nâng cấp, đầu tư, xây dựng cơ sở, vật chất chuẩn bị thật tốt cho công tác xuất khẩu.

Doanh nghiệp cũng đã tìm hiểu kỹ, tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Nghị định thư, như các điều kiện về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chí.

Song song đó, công ty cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, địa phương để xây dựng, thực hiện chương trình giám sát bệnh cúm gia cầm và bệnh dịch tả newcastle trên chim yến, kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm tổ yến.

Tôi nghĩ, thị trường tạo cơ hội cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn khách hàng trong nước và quốc tế. Việc mở rộng thị trường giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới có nhu cầu đa dạng, đây là nguồn doanh thu chính của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp nào sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt, uy tín thì sẽ vững vàng trên thị trường.

Để thâm nhập thị trường khổng lồ này, chúng tôi phải khẳng định sự chuyên nghiệp, sản phẩm chất lượng cao và thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Chúng tôi liên tục làm việc, lựa chọn đối tác Trung Quốc phù hợp, sau đó tìm hiểu thị hiếu của khách hàng, nghiên cứu mẫu mã, sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng, nhờ đó chúng tôi đã được đối tác chấp thuận và đón nhận.

- Nghe bà nói thì công ty có nhiều lợi thế về ngành nghề yến sào nhưng thực tế vì sao vẫn còn những khó khăn trong việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thưa bà?

Những sản phẩm của chúng tôi trước đây chỉ xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Thực tế, tổ yến Việt Nam khi được mở đường vào Trung Quốc phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại của của Indonesia, Thái Lan và Malaysia - vốn phổ biến từ lâu. Trong khi người dân Trung Quốc rất am hiểu về yến sào, song nhiều sản phẩm xuất hiện tại các hiệu thuốc, cửa hàng vẫn chưa ghi rõ nguồn gốc.

W-trinh-thi-hong-van-6-2.jpg
Công nhân tất bật làm việc trong nhà máy yến của Sanvinest Khánh Hòa.

Chất lượng của tổ yến thiên nhiên của Việt Nam tốt hơn, nhưng bị so sánh giá của mình và các nước. Điều này nếu không làm rõ, chắc chắn sau này sẽ rất khó để phát triển.

Trung Quốc rộng lớn, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chưa tìm hiểu hết các vùng miền. Chính sách độc quyền cho thị trường cũng là thách thức. Ngôn ngữ cũng một phần trở ngại, rào cản ban đầu trong các lần đàm phán, ngoại giao với đối tác và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Do vậy, từ nhiều năm trước, công ty chuẩn bị nhân sự thành thạo tiếng Trung. Đồng thời, cán bộ nhân viên này được đào tạo chuyên sâu, am hiểu ngành nghề yến sào, nắm được quy trình khai thác, sản xuất trong việc đàm phán.

Doanh nghiệp liên tục tham gia các hội chợ xúc tiến kinh doanh, giới thiệu sản phẩm tại Trung Quốc. Qua những lần đó, chúng tôi tìm kiếm, lựa chọn đối tác là những doanh nghiệp lớn, uy tín và có thương hiệu tại nước này để cùng hợp tác. Còn đối tác sẽ phối hợp đưa ra ý tưởng, tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng để sản phẩm hoàn chỉnh hơn.

Thành công hay không thì khách hàng quyết định tới 90%

- Là một trong doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực yến sào, bà nhìn nhận triển vọng về ngành này sắp tới, đặc biệt với thị trường Trung Quốc khi đã có visa xuất khẩu chính ngạch?

Chúng tôi họp bàn, phân tích, tranh luận với nhau rất nhiều để hình thành các ý tưởng cụ thể trong công tác xuất khẩu.

Đầu tiên phải xác định Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, tiềm năng, chiếm 80% thị phần thế giới. Và khi đã có “visa” xuất khẩu sang nước này, chúng tôi có nhiều tham vọng đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng, nhưng tuyệt nhiên không thể vội vàng.

Chúng tôi ý thức rằng, mỗi thị trường có một yêu cầu khác nhau. Chúng tôi phải khiêm nhường, không tự mãn, vận động để học hỏi ở thị trường, đối tác của mình về tư duy của họ. Từ đó, có góc nhìn trực quan, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu khách hàng.

Đây là điều quan trọng, bởi mình tự tin sản phẩm yến sào của mình ngon, nhưng khách hàng không chấp nhận thì không thành công. Vì thế, thị hiếu khách hàng, chất lượng, nhu cầu phải đặt lên hàng đầu.

Thời gian tới, ngoài chú trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu trong nước, chúng tôi sẽ cùng đối tác khảo sát thực tế thị trường, phát triển các kênh phân phối bán hàng, đại lý, cửa hàng tại Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục tìm hiểu nhu cầu khách hàng để nâng cao chất lượng, nghiên cứu sản phẩm phù hợp, nâng cao uy tín công ty khi xuất khẩu đến thị trường lớn và tiềm năng này.

Tôi nghĩ, khách hàng hài lòng, chúng ta thành công. Sự thành công do khách hàng quyết định đến 90%, còn 10% là nỗ lực của chính bản thân mình. Khách hàng đã tạo cơ hội mà chúng ta không thực hiện được thì sao gọi là thành công.

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Xuất khẩu gạo và rau quả lập kỷ lục lịch sử2023 là một năm đặc biệt khó khăn với nhiều nhóm hàng chủ lực của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo và rau quả bứt phá mạnh, kim ngạch lập kỷ lục lịch sử lần lượt khoảng 4,5 tỷ USD và 5,5 tỷ USD.